Thứ Bảy, 02/11/2024 09:19 SA
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Không để Việt Nam thành bãi thải công nghiệp lạc hậu
Thứ Tư, 30/09/2015 17:16 CH

Sáng 30/9, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ IV. Đây là sự kiện lớn của ngành TN-MT và của quốc gia được tổ chức định kỳ 5 năm một lần.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và chỉ đạo hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ IV - Ảnh: VOV

 

Hơn 1.000 đại biểu là lãnh đạo, đại diện của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, các nhà khoa học... đã tham dự hội nghị môi trường toàn quốc lần này.

 

Báo cáo tổng kết công tác bảo vệ môi trường 5 năm qua khẳng định những bước tiến tích cực trong hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, bộ máy và huy động các nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường cũng như công tác thanh tra, xử lý vi phạm về môi trường, ứng phó với những vấn đề môi trường toàn cầu…

 

Tính đến cuối năm ngoái đã có gần 190/209 khu công nghiệp đã có và đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; 392/ 439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cơ bản đã hoàn thành các biện pháp xử lý không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng…

 

Tuy nhiên, hội nghị cũng đưa ra cảnh báo của các chuyên gia môi trường quốc tế, trong 10 năm tới GDP của Việt Nam có thể tăng gấp đôi, nhưng nếu không quan tâm đúng mức, thì ô nhiễm môi trường sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện nay; thậm chí đến năm 2025 có thể gấp 4 đến 5 lần; tính trung bình cứ tăng 1% GDP thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất đi 3% GDP…

 

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực và kết quả tích cực bước đầu đạt được trong công tác bảo vệ môi trường 5 năm qua, đồng thời cũng thẳng thắn nêu rõ những hạn chế, yếu kém trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là ô nhiễm, suy thoái môi trường vẫn tăng ở một số khu vực; tài nguyên thiên nhiên vẫn còn bị khai thác quá mức, thiếu bền vững; nhiều cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường còn chồng chéo, trùng lắp, tính khả thi chưa cao, thực thi pháp luật chưa nghiêm; vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng tinh vi, nghiêm trọng…

 

Trên thực tế vẫn còn tình trạng coi trọng các lợi ích kinh tế trước mắt hơn nhiệm vụ bảo vệ môi trường bền vững lâu dài. Trước thực trạng này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường gắn với hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; tăng cường công tác truyền thông nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường, xây dựng và phát triển xã hội văn minh, người dân có lối sống, cách ứng xử thân thiện với môi trường; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là ở các địa phương, cấp huyện, xã, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường, ưu tiên vốn đầu tư giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc, tồn tại kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân cũng như khuyến khích xã hội hóa, đầu tư theo hình thức hợp tác công tư, nhất là về thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải sinh hoạt tập trung; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Thúc đẩy đổi mới công nghệ sản xuất tiết kiệm năng lượng, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, phát triển công nghiệp “carbon thấp”. Chú trọng nâng cao thành tố môi trường trong cơ cấu giá trị của hàng hóa, dịch vụ, hình thành các sản phẩm “xanh”, dịch vụ “xanh” thân thiện với môi trường. Không cho phép các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường, kiểm soát chặt chẽ không để nước ta trở thành bãi thải công nghệ lạc hậu của các nước phát triển…”.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả công cụ đánh giá môi trường chiến lược, cơ sở dữ liệu môi trường để dự báo, phòng ngừa các nguồn gây ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường; tăng cường công tác thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, quy chuẩn về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; kiểm soát chặt nguồn phát sinh, việc lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại không để tái gây ô nhiễm môi trường; chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế tranh thủ nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường; coi trọng thực hiện các cam kết quốc tế, nỗ lực thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững sau 2015 của Liên Hợp Quốc phù hợp với điều kiện của đất nước, thể hiện Việt Nam là thành viên, đối tác có trách nhiệm trong nỗ lực chung giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu.

 

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn và mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả hơn nữa của các Cơ quan Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới, các quốc gia, các tổ chức và bạn bè quốc tế trong công tác bảo vệ môi trường và khẳng định, Việt Nam sẵn sàng hợp tác, đóng góp tích cực cùng cộng đồng quốc tế để giữ gìn môi trường mãi xanh của thế giới.

 

Theo VOV

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek