Thứ Bảy, 02/11/2024 13:21 CH
Quan tâm chăm sóc người khuyết tật
Thứ Hai, 28/09/2015 13:00 CH

Chăm sóc người khuyết tật tại Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội - Ảnh: K.CHI

Với sự quan tâm, hy sinh thầm lặng của những cán bộ đang công tác tại Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội Phú Yên (gọi tắt là Trung tâm), hàng chục năm qua, nơi đây đã thực sự trở thành ngôi nhà chung của những phận đời thiếu may mắn trong xã hội.

  

NGÔI NHÀ CHUNG 

 

Ông Đinh Viết Hậu, Giám đốc Trung tâm, cho biết: Hiện đơn vị nuôi dưỡng 37 người khuyết tật, bao gồm: 1 thương binh hạng ¼, 22 người khuyết tật tâm thần, rối nhiễu tâm trí, 2 người bị chất độc hóa học, 12 trẻ bị đao, úng thủy não... “Người cao tuổi thường đa cảm, thường nghĩ về con cháu, về quá khứ lúc neo đơn, rảnh rỗi. Tuổi già, ai cũng mong muốn được sum vầy bên con cháu. Thế nhưng, vì những lý do khác nhau, nhiều người đã không có “phúc phận” đó, đặc biệt là đối với người cao tuổi, người khuyết tật ở Trung tâm. Nắm bắt được tâm lý mong muốn được mọi người tôn trọng, được trao đổi, trò chuyện, trong công tác phục vụ, cán bộ của đơn vị luôn dành những tình cảm yêu thương, gần gũi, xem các đối tượng như người thân trong gia đình, để họ vơi đi nỗi buồn”, ông Hậu chia sẻ thêm. 

 

Chăm sóc các cụ là công việc không hề đơn giản, nhất là với những cụ không còn minh mẫn. Nhiều khi cán bộ của Trung tâm là nạn nhân lúc các cụ la hét, chửi bới vô tội vạ. Các đối tượng khi ốm đau được chăm sóc thuốc men, cơm cháo và đưa đi điều trị trên các tuyến có bảo hiểm y tế. Cùng với công tác nuôi dưỡng và chăm sóc, việc chu cấp quần áo, mùng mền, mua sắm vật dụng phục vụ các đối tượng tại Trung tâm được đảm bảo theo chế độ. 

 

Ông Lê Thanh Kỳ, sinh năm 1953, đối tượng xã hội đang được nuôi dưỡng ở Trung tâm có hoàn cảnh đáng thương. Năm 2011, khi vợ qua đời, ông sống một mình ở phường 1 (TP Tuy Hòa). Đến năm 2013, nhờ hàng xóm, chính quyền địa phương giúp đỡ, ông được đưa vào Trung tâm. Ông từng bị tai nạn cụt một chân, đau yếu, đi lại rất khó khăn, không thể làm việc. Ông Kỳ tâm sự: “Tôi hài lòng về tinh thần phục vụ, chăm sóc của cán bộ, nhân viên ở đây. Các cô chú luôn quan tâm đến từng bữa ăn, giấc ngủ cũng như chăm lo sức khỏe cho chúng tôi. Được sự động viên, an ủi, chúng tôi sống vui, sống khỏe đến ngày hôm nay”. Còn bà Nguyễn Thị Lễ, sinh năm 1941, quê ở xã An Chấn (huyện Tuy An) bị tâm thần nhẹ, vào Trung tâm năm 2003. Với bà, nơi đây chính là nhà của mình và những người già cùng cảnh ngộ là những người thân cận nhất, sớm tối cùng chia sẻ vui buồn. Lúc tỉnh táo, bà Lễ nói: “Từ ngày vào đây, tôi được an ủi, chăm sóc tận tình, cảm giác nhớ nhà cũng vơi đi phần nào”. 

 

CHĂM SÓC TỐT CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT 

 

Từ những việc làm thiết thực, công tác chăm sóc người khuyết tật tại cơ sở bảo trợ xã hội đã giúp người khuyết tật hạn chế được những khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Để có kết quả tốt, được cấp trên ghi nhận về công tác chăm sóc người khuyết tật, theo ông Đinh Viết Hậu, Trung tâm luôn quan tâm đến đời sống của các đối tượng. Cụ thể như người khuyết tật tại Trung tâm được hỗ trợ dụng cụ phù hợp với từng dạng tật, được trợ giúp gậy, xe đẩy hoặc có người hướng dẫn lúc đi lại tránh chỗ trơn, chỗ tối. Đặc biệt, người khuyết tật về tâm thần được duy trì việc uống thuốc đều đặn theo chỉ dẫn của nhân viên y tế, tránh lên cơn kích động, dẫn đến những hành vi gây tổn thương cho bản thân và những người xung quanh. Về chế độ ăn uống, Trung tâm luôn đảm bảo dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng, từng dạng tật, bệnh lý, trạng thái thể lực... Đặc biệt, đối với trẻ khuyết tật, việc đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho các bé được coi trọng. 

 

Bên cạnh đó, trong hoạt động vận động, các nhân viên phục vụ tại Trung tâm giúp người khuyết tật vận động nhẹ nhàng, tập luyện thể lực phù hợp với dạng tật, tránh thoái hóa khớp và tăng cường sức khỏe. Các dạng vận động mà người khuyết tật có thể thực hiện là tập thể dục đều đặn làm giảm nguy cơ dạng tật nặng thêm, nhất là những người bị biến chứng do bị tai biến. Ngoài ra, Trung tâm cũng khuyến khích, động viên người khuyết tật tham gia những việc nhẹ nhàng như dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc cây cảnh… Điều này giúp người khuyết tật vui vẻ, sảng khoái và tự tin hơn trong cuộc sống hàng ngày. 

 

Ngoài ra, người khuyết tật gặp khó khăn trong tiếp xúc, giao lưu nên còn có những trở ngại về tâm lý khi giao tiếp. Sự quan tâm của mọi người sẽ giúp người khuyết tật ngày càng thích nghi với đời sống xã hội, không còn mặc cảm. Đó là động lực giúp họ hòa nhập cộng đồng. Với sự quan tâm, hy sinh thầm lặng của những cán bộ đang công tác tại đây, suốt mấy chục năm qua, Trung tâm thực sự đã trở thành ngôi nhà chung của những phận đời thiếu may mắn trong xã hội. 

 

KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek