Thứ Bảy, 02/11/2024 17:32 CH
Nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả
Thứ Bảy, 26/09/2015 07:18 SA

Mô hình trồng rau sạch ở xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa) giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình - Ảnh: N.DUNG

Nhiều năm nay, Hội Làm vườn Phú Yên đã vận động hội viên tham gia xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, giúp nhiều gia đình thoát nghèo, trở nên giàu có…

 

CÙNG NHAU BÀN CÁCH LÀM ĂN

 

Chủ tịch Hội Làm vườn Phú Yên Trần Văn Thu cho biết: “Với chức năng nhiệm vụ của mình, hội đã tham khảo, thăm dò nhiều cách thức làm ăn phù hợp với vùng đất, khí hậu của tỉnh để vận động, tuyên truyền hội viên phát triển kinh tế theo nhiều mô hình. Hàng chục năm nay, nhiều hội viên Hội Làm vườn tỉnh có thu nhập cao nhờ các mô hình phát triển kinh tế từ vườn, ao, chuồng, rừng. Những mô hình đó ngày càng được nhân rộng, nhiều người từ chỗ nghèo khó đã trở nên giàu có”.

 

Để hình thành, phát triển được những mô hình kinh tế, ban chấp hành hội đã tổ chức nhiều buổi trao đổi kinh nghiệm làm ăn tại các địa phương. Từ các buổi trao đổi này, nhiều vấn đề về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi đã được giải thích cặn kẽ. Có nhiều vấn đề khúc mắc lâu nay bà con không biết hỏi ai đã được trả lời, nhất là những khó khăn về vốn. Thông qua các buổi thảo luận, các hội viên được hướng dẫn cách vay từ các nguồn: Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Cựu chiến binh… nếu đối tượng vay là hội viên của các tổ chức trên. Ban chấp hành hội cũng xác định công tác vận động, tuyên truyền phải làm sao để hội viên hiểu và có ý thức vươn lên tự làm giàu cho bản thân mình. Nhờ vậy, sau các buổi thảo luận, nhiều người tự tìm tòi, học hỏi qua báo đài, qua thực tiễn rồi lại tiếp tục truyền đạt lại cho các hộ khác tại các buổi thảo luận sau. Từ việc hiểu, rồi áp dụng thử, nhiều người mạnh dạn đầu tư cây, con giống để thực hiện các mô hình một cách bài bản hơn.

 

Ví như hiện nay ở TP Tuy Hòa đang phát triển phong trào trồng rau sạch tại nhà. Nhiều người được hướng dẫn cách thức gieo hạt, trồng rau trong các chậu ở vườn, liều lượng bón phân cho rau. Có nhiều vườn rau diện tích chỉ vỏn vẹn 10 đến 15m2 nhưng đủ đáp ứng nhu cầu cho cả gia đình khoảng 4 người ăn. Hay như cách làm chuồng nuôi gà, heo, bò; việc chọn giống, chọn mô hình nuôi thích hợp với từng hộ gia đình ở các vùng nông thôn, miền núi đến việc xử lý môi trường trong quá trình nuôi như thế nào cho hiệu quả cũng được các hội viên đưa ra bàn bạc, thảo luận sôi nổi. Qua các lần trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, nhiều người đã hiểu được cách nuôi, trồng những loại cây, con phù hợp, đúng với cơ cấu nông nghiệp, với từng vùng miền, bảo đảm hợp lý về điều kiện nhân vật lực, vốn của từng hộ…

 

THU NHẬP CAO TỪ NHỮNG MÔ HÌNH KINH TẾ

 

Nhờ vận động hội viên chăm lo phát triển kinh tế, hàng chục năm nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình kinh tế đem lại thu nhập ổn định và đang được nhân rộng. Trong đó, mô hình “Nuôi bò theo hộ gia đình” là một ví dụ sinh động. Mô hình này đang rất phát triển ở huyện Đông Hòa, nhất là các xã Hòa Thành, Hòa Tân Đông. Trước đây việc thả rông bò đã để lại những hệ lụy cho người chăn nuôi và phải mất công chăn thả. Từ khi thực hiện mô hình này, nhiều chi phí đã giảm đáng kể và bảo đảm được vấn đề vệ sinh môi trường, tăng thu nhập. Đây là mô hình dễ thực hiện, mang tính chất đại trà và phù hợp với nhiều đối tượng lao động.

 

Mỗi gia đình chỉ cần có 2 lao động có thể nuôi được 4 đến 6 con bò và trồng khoảng 1,5ha cỏ. Các chất xả thải từ bò được xử lý bằng cách xây hầm biogas, vừa tiết kiệm được nhiên liệu, chất đốt, vừa giải quyết được vấn đề vệ sinh môi trường. Ngoài ra, thức ăn cho bò có thể dùng thêm rơm rạ, cám. Nếu nuôi bò thịt, người nuôi cần chọn giống từ 8 đến 10 tháng tuổi, khoảng 2 năm sau thì bán được. Một lợi thế của việc nuôi bò giúp nhiều người yên tâm là giá bò ít khi bị rớt như giá heo. Nhờ vậy, thu nhập của người chăn nuôi ổn định. “Gia đình tôi chỉ có 2 vợ chồng nhưng trong chuồng lúc nào cũng có 4 con bò thịt. Tôi thấy mô hình này rất phù hợp với người dân ở đây. Ngoài việc làm thêm 8 sào lúa, có rơm cho bò ăn, vợ chồng tôi trồng thêm một sào cỏ đảm bảo cái ăn cho bò. Hàng năm tôi đều có bò để bán, trừ các khoản còn lãi hàng chục triệu đồng, có tiền lo cho các con tôi ăn học”, ông Nguyễn Tấn Văn ở thôn Đông Lộc (xã Hòa Thành), phấn khởi nói.

 

Ngoài mô hình “Nuôi bò theo hộ gia đình” ở huyện Đông Hòa, các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Phú Hòa còn phát triển kinh tế vườn bằng các mô hình trồng cây ăn quả, trồng rừng không những đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm mà còn giải quyết lượng lao động rất lớn. Đặc biệt mô hình trồng khóm ở Đồng Din (Phú Hòa) hiện nay đã được xây dựng thành vùng chuyên trồng khóm, phát triển kinh tế bền vững. Nhiều gia đình ở đây thu nhập từ 50 đến 80 triệu đồng/năm.

 

“Với số lượng hội viên đông, Ban Chấp hành Hội Làm vườn tỉnh rất tích cực trong công tác vận động hội viên làm ăn phát triển kinh tế gia đình bằng nhiều mô hình hiệu quả. Những mô hình đó rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, nhân lực của từng địa phương nên đã đem lại thu nhập đáng kể. Những mô hình này còn tạo được khí thế thi đua sôi nổi, thiết thực góp phần vào sự nghiệp xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh” - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lương Mộng Sanh nhận xét.

 

Là một tổ chức hội nghề nghiệp, Hội Làm vườn tỉnh hiện có 35.000 hội viên được quản lý theo địa bàn dân cư. 9 huyện, thị, thành phố đều có tổ chức hội. Hiện trên địa bàn tỉnh có hàng nghìn hội viên đang làm chủ nhiều mô hình kinh tế lớn, cho thu nhập từ 70 đến 100 triệu đồng/năm.

 

HÀ ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek