Trang sử vàng Báo Phú Yên 69 năm có dấu ấn đóng góp lớn lao của bác Phạm Hồng Quang - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Phú Yên giai đoạn 1973-1975.
Đồng chí Phạm Hồng Quang - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Phú Yên năm 1973, Tổng biên tập Báo Giải phóng - Ảnh: H.BÌNH |
Trong quá trình tìm hiểu lịch sử hoạt động của Báo Phú Yên, thế hệ hậu sinh được bác Phạm Hồng Quang cung cấp nhiều thông tin bổ ích về tờ báo Giải phóng (tiền thân Báo Phú Yên hôm nay) trong những năm cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đó là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của Báo Giải phóng thời chiến tranh, vùng giải phóng mở rộng, lực lượng làm báo hùng hậu, cơ sở vật chất phục vụ in ấn, xuất bản không còn khó khăn gay gắt như các giai đoạn trước. Dưới sự chỉ đạo của Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Phạm Hồng Quang, tờ báo Giải phóng có nhiều khởi sắc về nội dung và cả nghệ thuật trình bày, cổ vũ khí thế cách mạng như triều dâng sóng cuộn của giai đoạn sắp đến ngày toàn thắng.
Chúng tôi nhận được tin buồn bác Phạm Hồng Quang đi xa khi đang làm việc với các cựu thanh niên xung phong (TNXP) thời chống Mỹ của TX Sông Cầu. Các vị cựu TNXP truyền tin buồn cho nhau và cùng hội quân lực lượng cựu TNXP trong cả tỉnh để đến viếng vị lãnh đạo TNXP Phú Yên 6 năm liền (11/1967-2/1973) một thời lửa đạn.
Các vị tiền bối cách mạng Phú Yên trải đời trải đạn qua hai cuộc chiến tranh lần lượt ra đi theo lẽ sinh tử, để lại một khoảng trống buồn trong lòng hậu thế. Cái còn đọng lại là di sản tinh thần của thế hệ ông cha đã tiếp lửa và truyền lửa cho thế hệ hôm nay, kế tục ý chí, nghị lực của người xưa trong cuộc chiến mới chống nghèo nàn, lạc hậu, để thay đổi thân phận của một dân tộc trên con đường phát triển và hội nhập toàn cầu.
Người viết bài này có cơ duyên được làm lính giúp việc cho bác Phạm Hồng Quang nhiều năm, từ thời ông đảm nhận trọng trách Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Khánh (cũ). Ông đối xử chân thành mực thước và gần gũi với cán bộ dưới quyền. Những chuyến công tác xa thời bao cấp, đến địa phương nào quá giờ làm việc, mấy bác cháu đều tự túc chuyện cơm nước. Lớp trẻ thì thích ngồi vỉa hè cho mát, thưa với ông là cứ ở nhà nghỉ ngơi, anh em sẽ mang cơm về nhưng ông lắc đầu quầy quậy “chúng mày ngồi đâu, tao ngồi đó, vỉa hè cũng tốt chứ sao”.
Là một trong những vị lãnh đạo rất gần gũi với đời thường, gắn bó với cơ sở, ông có nhiều cống hiến trong sự nghiệp phát triển nền công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp còn non trẻ của tỉnh Phú Khánh (cũ). Ông khá thẳng thắn khi đề cập đến những quy định chưa phù hợp với thực tiễn cuộc sống như đội quản lý thị trường các huyện miền núi không cho ngư dân miền biển mang cá tươi lên bán với lý do họ là “tư thương”, “thương nghiệp cấp bốn”. Ông than phiền rất nhiều về Chỉ thị 17 “Cải tạo ngành hải sản” của Tỉnh ủy Phú Khánh quy định bà con ngư dân chỉ được muối mắm không quá một tấn chượp. Ông kiên trì thuyết phục gỡ bỏ những rào cản trong sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực mà ông phụ trách. Ông tham gia viết nhiều bài báo với những bút danh khác nhau để tìm tiếng nói đồng thuận, khơi thông cho dòng chảy phát triển suôn sẻ.
30 năm trước, ngày 14/9/1985, tôi được tháp tùng ông về Tuy Hòa dự lễ khai giảng và trao tặng Huân chương Lao động cho Trường trung cấp Xây dựng số 6 (nay là Trường đại học Xây dựng Miền Trung). Sáng hôm đó đúng ngày đổi tiền (lần cuối cùng), từ Nha Trang về Tuy Hòa đường sá vắng tanh, mọi hoạt động mua bán đều ngưng nghỉ. Không tìm được quán phở nào, ông kể chuyện vui cho vơi đường dài. Ông kể rằng, có những chuyện cười ra nước mắt, thật mà như bịa. Có một kẻ lừa đảo tự xưng “Phó tiến sĩ Thắng”, làm được nhiều quả lừa to ở thị xã nhỏ Tuy Hòa. Điều đáng nói là anh ta lừa được những người nhiều chữ, các bậc thầy đáng kính của Trường trung cấp Xây dựng số 6. Ngỡ rằng, ông chỉ nói vui, nhưng khi trao Huân chương Lao động cho nhà trường, ngoài việc biểu dương thành tích 10 năm (1975-1985), ông nhắc khéo “Là trí thức XHCN, đi bằng đôi chân của chính mình, thở bằng lỗ mũi của mình, hai bàn tay mình nâng số phận mình, đừng mong chờ những thứ viễn vông từ trên trời rơi xuống”.
Trước và sau ngày tái lập tỉnh (1/7/1989), trên cương vị Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh, ông trăn trở rất nhiều về phương sách xây dựng tỉnh Phú Yên mới. Điều ông cảm thán là “phi công bất phú” (không phát triển công nghiệp thì không giàu được), mà Phú Yên thời điểm ấy thì chưa thể phát triển công nghiệp bởi lưới điện quốc gia đầu nào cũng với chưa tới, thủy điện Hòa Bình chỉ mới vươn tới Quy Nhơn, thủy điện Đa Nhim mới ra tới Nha Trang. Phú Yên là vùng trũng điện năng của quốc gia.
Sau ngày về hưu, ông dành nhiều tâm huyết tham gia xây dựng các tập lịch sử Đảng bộ tỉnh, các địa phương và các ngành. Đặc biệt, ông là vị sáng lập phong trào luyện tập “Dưỡng sinh tâm thể” đầy tâm huyết. Chính nhờ luyện tập mà ông đã sống vui, sống khỏe vượt qua bát tuần thượng thọ, dù 30 năm trước ông đã có trận bệnh thập tử nhất sinh kéo dài nhiều năm tưởng không qua khỏi.
Gần đây, ông dành nhiều công sức và tâm huyết xây dựng Hội Cựu TNXP Phú Yên. Khi chúng tôi triển khai đề tài “Truyền thống TNXP Phú Yên”, ông cung cấp nhiều tư liệu quý báu và đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc bổ ích. Các cuộc hội thảo về TNXP ông đều tham dự đầy đủ với tất cả tấm lòng tri ân lực lượng cựu TNXP trong hai cuộc chiến tranh và sau hòa bình.
Là một người lính Cụ Hồ Trung đoàn 84 trong kháng chiến chống Pháp, ông luôn xung kích có mặt ở những địa bàn nóng bỏng trong hai cuộc chiến tranh và có nhiều cống hiến trong xây dựng hòa bình.
Thẳng thắn, trung thực, hết lòng vì sự nghiệp chung là phẩm chất quý báu, là di sản của ông cùng các bậc tiền bối để lại cho hậu thế. Đôi lúc, ông cũng khá cực đoan trong vấn đề này, vấn đề nọ, cũng là mong tìm được sự đồng thuận, tiếng nói chung.
Vĩnh biệt ông - bác Phạm Hồng Quang - bậc tiền bối đáng kính.
PHAN THANH