Năm học 2015-2016 là năm đầu tiên bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên (HSSV) thực hiện theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT với một số điểm mới. Trong đó, thay đổi lớn nhất là mức đóng tăng lên gấp rưỡi khiến nhiều người phân vân. Câu hỏi đặt ra là liệu khi mức đóng tăng, mức hưởng dịch vụ có tương xứng?
Năm học 2015-2016 là năm đầu tiên BHYT học sinh, sinh viên thực hiện theo luật sửa đổi, bổ sung với nhiều điểm mới. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh trong ngày khai giảng năm học mới - Ảnh: T.HẰNG |
MỨC ĐÓNG THAY ĐỔI
Trong lúc tất cả học sinh náo nức bước vào năm học mới thì phụ huynh của nhiều em lại lo lắng các khoản tiền phải đóng đầu năm. Năm nay, số tiền ấy lại đội lên cao hơn vì phí BHYT tăng lên gấp rưỡi.
Theo Luật BHYT sửa đổi, bổ sung, từ năm học 2015-2016, mức đóng BHYT HSSV từ 3% mức lương cơ sở tăng lên 4,5%. Tuy nhiên, HSSV được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng, chỉ đóng 70% còn lại. Như vậy, từ năm học này, mỗi năm một học sinh từ bậc tiểu học đến bậc đại học đóng 434.700 đồng. Chị Lê Thị Nhân (phường 5, TP Tuy Hòa), làm kế toán ở một công ty may tư nhân, thu nhập tạm đủ trang trải cho sinh hoạt gia đình, khi nghe thông tin tăng thêm phí bảo hiểm, chị không khỏi lo lắng. Chị cho biết: “Gia đình tôi có hai con gái, đứa lớn đang học đại học còn đứa nhỏ mới vào lớp 8. Mỗi năm, cứ vào đầu năm học, gánh nặng các khoản đóng góp khiến tôi “hụt hơi”. Năm nay, chỉ riêng BHYT và bảo hiểm thân thể (150.000 đồng) cho con gái học lớp 8 cũng hết gần 600.000 đồng, chưa nói đến các khoản khác”.
Điểm mới khi tham gia BHYT nữa là thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT HSSV là theo năm tài chính, từ ngày 1/1 đến 31/12 của năm. Đối với học sinh vào lớp 1 và sinh viên năm thứ nhất, thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT từ ngày nhập học hoặc ngày hết hạn của thẻ BHYT được cấp lần trước đến 31/12 năm sau; đối với học sinh lớp 12 và sinh viên năm cuối thì thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT từ ngày 1/1 đến ngày cuối của tháng kết thúc năm học đó.
QUYỀN LỢI PHẢI ĐƯỢC NÂNG CAO
Nói thêm về mức đóng BHYT hiện hành, chị Nhân cho rằng: “Việc nâng mức đóng phí BHYT đã được quy định trong văn bản pháp luật nên phụ huynh cũng cố gắng thực hiện đầy đủ. Là người tham gia BHYT cho con nhiều năm, tôi nhận thấy quyền lợi khám chữa bệnh cho người tham gia BHYT chưa tốt, cần phải được nâng cao hơn nữa. Năm nay, mức đóng tăng thì việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cũng phải nâng cao hơn để đảm bảo quyền lợi cho học sinh”.
Chị Lưu Thị Linh Kiều, thị trấn Hòa Vinh (huyện Đông Hòa) cho biết, con trai chị đang học tiểu học, mặc dù đã tham gia BHYT, nhưng mỗi khi con ốm, chị phải đưa con đến phòng khám tư ở TP Tuy Hòa khám và điều trị. “Y tế trường chỉ sơ cứu bằng bông băng, thuốc sát trùng; khi các cháu bệnh, cô giáo thường gọi về cho gia đình để đưa con đi khám. Lúc này, nếu đến khám ở bệnh viện, nhanh cũng mất vài tiếng đồng hồ nên dù có thẻ BHYT nhưng hiếm khi tôi đưa con đến bệnh viện hay các cơ sở y tế công”, chị Kiều nói.
Đánh giá về công tác y tế trường học (kể cả bậc mầm non) hiện nay, bà Nguyễn Thị Ngọc Ái, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, cho biết toàn tỉnh vẫn còn 326/441 trường không có phòng y tế theo quy định. Mặt khác, cán bộ làm công tác y tế trường học có nghiệp vụ y tế còn ít, trình độ thấp. Trong tổng số 447 cán bộ y tế chỉ có 2 cán bộ có trình độ bác sĩ, 50 y sĩ, 120 điều dưỡng, một số là dược sĩ, dược sĩ sơ cấp, nữ hộ sinh và 212 cán bộ, giáo viên khác làm công tác kiêm nhiệm. Ngành BHXH, Y tế cần có giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho HSSV. Vì chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV tốt mới thuyết phục phụ huynh và HSSV tham gia BHYT.
Để nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh BHYT, bà Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Phó giám đốc Sở Y tế Phú Yên, cho biết: Ngành Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục nâng cao hơn nữa về chất lượng, đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho HSSV có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh, giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh, đảm bảo HSSV khi tham gia BHYT sẽ được hưởng dịch vụ chất lượng tương ứng.
Nâng cao chất lượng hoạt động y tế trường học, cải cách thủ tục để HSSV có thẻ BHYT được thuận lợi khi tiếp cận nơi khám chữa bệnh tiên tiến là giải pháp để tăng tỉ lệ HSSV tham gia BHYT. Một khi bị chi phối bởi thành tích, nhà trường bắt buộc HSSV thực hiện BHYT mà họ không được hưởng lợi thì chính là đi ngược lại với chủ trương, BHYT là chính sách an sinh xã hội trụ cột, thể hiện tinh thần nhân văn trong chủ trương của Đảng và Nhà nước.
THÁI HÀ