Thứ Sáu, 08/11/2024 14:32 CH
Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động
Thứ Ba, 04/08/2015 11:48 SA

Các em trao thông điệp cho Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Ẩn (phải) và lãnh đạo các sở, ngành liên quan - Ảnh: T.QUỚI

Đó là một trong những thông điệp mạnh mẽ và xúc động mà trẻ em gửi đến người lớn, cộng đồng. Sinh thời Bác Hồ rất thương quý trẻ em, Người nói: Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan. Bởi vậy, cộng đồng phải chăm sóc, bảo vệ những búp non trên cành, tương lai của đất nước và người lớn phải lắng nghe trẻ em bằng cả trái tim.

 

NHỮNG GÓC KHUẤT

 

Tại diễn đàn trẻ em tỉnh Phú Yên 2015, các em đã mang đến nhiều thông điệp về những góc khuất trong cuộc sống của trẻ em trong xã hội hiện nay cần được người lớn, cộng đồng quan tâm, lắng nghe và có những hành động bảo vệ kịp thời, phù hợp.

 

Ba tiểu phẩm tiêu biểu được lựa chọn từ 10 đơn vị huyện, thị xã, thành phố và CLB Phóng viên nhỏ (Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi Phú Yên) đã đọng lại nhiều xúc cảm và suy nghĩ cho người lớn trong công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

 

Tiểu phẩm Những đứa trẻ đáng thương (thiếu nhi huyện Tây Hòa), kể về những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi cha mẹ, phải tự vật lộn mưu sinh. Môi trường xã hội phức tạp đã làm các em bị tiêm nhiễm và có những hành động xấu: trộm cắp, bạo lực, bắt nạt ngay cả với anh, em của mình. Tiểu phẩm đã gửi đi thông điệp: Trẻ em cần phải được sống và phát triển trong điều kiện an toàn, lành mạnh.

 

Trái ngược với những trẻ em có hoàn cảnh đáng thương, các em đến từ TP Tuy Hòa phản ánh một thực tế khá phổ biến của một số gia đình khá giả. Trong một gia đình giàu có, cậu con trai duy nhất được bảo bọc trong nhung lụa, tiền bạc phủ phê nhưng thiếu sự quan tâm của cha mẹ. Từ đó, cậu ấm nảy sinh những thói hư tật xấu, ăn chơi lêu lổng, sa ngã vào con đường ma túy. Cho đến một ngày, người mẹ phát hiện thì cậu con đã nghiện ngập. Người cha luôn dành hết thời gian cho việc kiếm tiền đã nhận ra một sự thật cay đắng: Phía sau sự giàu sang phú quý là cả một tương lai u ám khi chỉ lo làm giàu mà thiếu sự quan tâm đến con cái.

 

Trong khi đó, thiếu nhi huyện Đồng Xuân mang đến một câu chuyện có thật về một nghịch cảnh éo le. Người cha nghiện rượu, bạo hành vợ con trong nhà, đến nỗi người vợ quá bức xúc, bỏ nhà đi. Câu chuyện được đẩy lên cao trào với một nỗi đau xé lòng khi người cha đốn mạt đã có hành vi đồi bại với chính đứa con gái của mình. Sự hối hận muộn màng của người cha phía sau song sắt không thể xóa được nỗi đau, dằn vặt cả thể xác và tâm hồn con trẻ…

 

NHIỀU Ý KIẾN CỦA TRẺ EM ĐƯỢC GHI NHẬN

 

Năm 2015 là năm thứ 3 tỉnh Phú Yên tổ chức Diễn đàn trẻ em với chủ đề “Lắng nghe trẻ em nói”, nhằm thúc đẩy quyền tham gia của các em, tạo điều kiện để trẻ em nói lên tiếng nói của mình.

Trong những năm qua, công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, cũng có một thực tế là công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đang đứng trước những khó khăn, thách thức.

 

Tại diễn đàn, các em đã có nhiều ý kiến, kiến nghị gửi đến lãnh đạo tỉnh, các cấp, các ngành. Em Hoàng Oanh Kiều (huyện Tuy An) trăn trở: “Hiện nay, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng phức tạp. Chúng em cần phải được phòng vệ, bảo vệ, không để xảy ra hơn là khắc phục khi việc đã rồi”. Oanh Kiều cũng đã đặt tình huống, khi trẻ em bị xâm hại thì tổ chức nào can thiệp, giúp đỡ, bảo vệ?

 

Em Trần Huỳnh Kiều Mai (huyện Đông Hòa) kiến nghị: “Hiện trẻ em miền núi, nông thôn chúng em rất thiếu sân chơi, giải trí dẫn đến nhiều bạn lao vào game online; nhiều nhà rông ở các huyện miền núi chưa phát huy được hiệu quả. Chúng em rất mong muốn điều này được cải thiện trong thời gian tới”. Vấn đề tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước ở trẻ em; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn lang thang không được đến trường; việc học lệch, dạy chay đối với các môn Giáo dục công dân, Lịch sử còn thiếu sinh động… cũng được các em quan tâm. Em Đỗ Tuyết Nhi (huyện Đồng Xuân) nói: “Một ngày, trung bình cả nước có 3 trẻ em chết vì đuối nước. Phú Yên cũng là địa phương có nhiều sông, suối, biển, nguy cơ tai nạn đuối nước rất cao, rất mong các cấp, các ngành tổ chức tập bơi, trang bị các kiến thức thực tế để chúng em có thể tự bảo vệ mình”....

 

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Ẩn chỉ đạo: “Các cấp, các ngành cần thực hiện đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Các cháu thiếu nhi cần chủ động phát hiện các vấn đề liên quan để có những khuyến nghị xác đáng đến các cơ quan chức năng; là những tuyên truyền viên tích cực để cùng thực hiện tốt quyền trẻ em. Cha mẹ phải yêu thương con hết mực, đúng cách. Thông điệp của tôi là: Tăng khen, giảm chê, phát huy dân chủ, xóa bỏ bạo hành với trẻ em”. 

 

Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên, cho biết: Hiện nhiều trẻ em trong tỉnh, nhất là trẻ em miền núi, các xã nghèo còn gặp nhiều khó khăn trong học tập, vui chơi giải trí; tai nạn thương tích trẻ em, nhất là tai nạn đuối nước, nạn bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em đang có diễn biến phức tạp (từ đầu năm đến nay có 12 em đuối nước và 4 em bị xâm hại tình dục). Toàn tỉnh hiện còn 2.768 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, 14.498 trẻ thuộc các hộ nghèo và cận nghèo.

 

QUỲNH MAI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek