Đảng ủy khối Các cơ quan tỉnh vừa tổ chức Hội thi Cán bộ làm công tác dân vận khéo lần thứ III năm 2015. Hội thi này có ý nghĩa thiết thực, góp phần giúp những cán bộ làm công tác dân vận của Đảng thấm sâu thêm lời Bác dạy “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Hội thi là đợt tập huấn nhằm nâng cao nhận thức cho nhiều người về công tác dân vận trong hệ thống chính trị nói chung, đặc biệt là công tác dân vận chính quyền ở thời điểm hiện nay. (Phó trưởng ban trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Lê Thanh Lam) |
Phó bí thư thường trực Đảng ủy khối Các cơ quan tỉnh Nguyễn Xuân Thoại cho biết: Hội thi Cán bộ làm công tác dân vận khéo lần thứ III năm 2015 được tổ chức nhằm thực hiện các thông tri và kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy về đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” năm 2014, 2015. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, có ý nghĩa thiết thực; góp phần tuyên truyền, nâng cao hiểu biết cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên về các chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là công tác dân vận của Đảng, chính quyền trong tình hình hiện nay.
Đến với hội thi có 6 đội đại diện cho 6 khối: Tài chính - Ngân hàng - Nông nghiệp; Văn hóa - Báo chí - Nội chính; Hành chính - Trường học - Giáo dục; Các sở, ngành; Đảng - Đoàn thể và khối ngành Y tế - Bảo hiểm xã hội. Các đội trải qua 4 phần thi: Chào hỏi, Hiểu biết về công tác dân vận, Xử lý tình huống và Năng khiếu.
Ở hai phần thi Hiểu biết về công tác dân vận và Xử lý tình huống, các đội bốc thăm, trả lời câu hỏi xoay quanh các nội dung về công tác dân vận của Đảng qua các thời kỳ, công tác dân vận trong thời kỳ đổi mới. Nhiều câu hỏi của ban giám khảo và cách trả lời của các đội thi tạo được những bất ngờ thú vị. Ban giám khảo đặt câu hỏi: “Nơi bạn sinh sống xuất hiện một tôn giáo lạ, bản thân là cán bộ dân vận thì bạn phải làm gì?”. Câu hỏi này được đội Tài chính - Ngân hàng - Nông nghiệp trả lời rất ngắn ngọn, súc tích, đảm bảo có tình, có lý, đúng với chủ trương đường lối của Đảng trước những tình huống khá nhạy cảm cũng từng xảy ra trên một số địa bàn khu dân cư. Câu trả lời này đã nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả.
Ở phần thi Năng khiếu, các đội thể hiện dưới hình thức sân khấu hóa bằng các tiểu phẩm với nhiều nội dung phong phú, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, làm nổi bật vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận trong đời sống xã hội. Tiểu phẩm “Thoát nghèo” của Khối Văn hóa - Báo chí - Nội chính là một ví dụ. Tiểu phẩm này đề cập đến chuyện của gia đình ông Tám. Vì chán cảnh nghèo, suốt ngày, ông Tám chỉ lo đánh số đề và uống rượu. Khi không có tiền mua rượu, ông ký nợ. Nhiều lần, bà Tám nhắc nhở, khuyên ông chí thú làm ăn để thoát nghèo nhưng ông nhất quyết không nghe. Theo ông Tám thì “nghèo vẫn sướng hơn, giàu chi cho mệt, nghèo được Nhà nước quan tâm, bệnh đau đã có sổ khám chữa bệnh miễn phí, xuống bệnh viện nằm không phải tốn tiền, thậm chí là bật quạt thoải mái không tốn đồng tiền điện”. Với “triết lý” đó, ông Tám vẫn tiếp tục sống chung với số đề và rượu. Nhưng từ khi cán bộ làm công tác dân vận đến nhà khuyên lơn, giải thích cho ông biết những lợi ích thiết thực của việc thoát nghèo, thái độ sống của ông đã thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Mai, một thành viên tham gia cổ vũ cho đội Đảng - Đoàn thể, nói: “Cuộc thi này đã giúp tôi hiểu thêm về công tác dân vận của Đảng. Không phải dễ khi cán bộ làm công tác dân vận có thể thay đổi được nhận thức ấu trĩ và tâm lý ỷ lại, trông chờ vào người khác của một số người, nhất là những người không muốn thoát nghèo như nhân vật ông Tám trong tiểu phẩm trên”. Còn theo anh Nguyễn Văn Lãm, một thành viên của đội Y tế - Bảo hiểm xã hội, thì hội thi là dịp để anh và mọi người tìm hiểu kỹ hơn về những chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, nhất là về công tác dân vận; đồng thời biết cách vận dụng vào tuyên truyền trong thực tế cuộc sống.
Kết thúc hội thi, Ban Tổ chức đã trao 11 giải cho các đội; trong đó, giải nhất được trao cho đội Khối Tài chính - Ngân hàng - Nông nghiệp.
HÀ ANH