Chủ Nhật, 12/01/2025 22:06 CH
“Mua” công mùa rẫy
Thứ Sáu, 24/07/2015 14:00 CH

Công lao động trồng sắn ở xã Ea Bar - Ảnh: N.HUY

Sông Hinh là một trong những địa phương có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lên đến 28.000ha. Vì thế, nhu cầu thuê công lao động ở đây rất lớn.

 

Bar, Ea Bá, Ea Lâm… những ngày qua như một món quà với người làm nông. Đây là cơ hội để bà con xuống giống, cũng là thời điểm thuận lợi để họ thu hoạch sau một năm đầu tư.

 

TÔI ĐI “MUA” CÔNG

 

Dọc quốc lộ 29, đoạn từ trung tâm huyện Tây Hòa đến các xã của huyện Sông Hinh, từng tốp người (chủ yếu là dân ở các huyện Tây Hòa, Tuy An, Đông Hòa) với hành trang và dụng cụ lao động hăm hở chờ đón xe lên đường.

 

Bà Cao Thị Hoài Hương ở thôn Tân Yên, xã Ea Ly, có gần 5ha sắn đang kỳ thu hoạch, nhưng trong thời điểm “nhà nhà trồng, nhà nhà thu hoạch” việc tìm người làm công luôn là bài toán khó. Những người chuyên làm thuê ở quanh vùng nay phải ưu tiên cho công việc của gia đình mình. Không còn cách nào khác, bà Hương phải nhờ đến những mối quan hệ để “mua công” từ vùng xuôi lên.

 

Với những người làm công dạng này, họ có lợi thế số đông, làm việc, ăn ở tại chỗ nên có sự ổn định cao. Anh Nguyễn Văn Chung ở xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa), một người làm công, cho biết: “Sau công việc đồng áng ở nhà, tôi cùng anh em, bạn bè lên huyện Sông Hinh làm công nhật để kiếm thêm thu nhập. Nhu cầu tìm người làm công khi vào mùa trên này rất lớn. Mấy năm nay, làm riết rồi quen, giờ ai thuê trồng hay thu hoạch cây gì tôi cũng làm được”.

 

Với những vùng đất có nhiều người Ê Đê sinh sống thì những nhóm làm thuê trong buôn làng vẫn được lựa chọn. Công dạng này có ưu điểm là khỏe, chịu nắng tốt, nên làm việc rất hiệu quả. Tuy nhiên, nhược điểm của những người làm thuê tại chỗ là họ làm việc không ổn định về giờ giấc. Nếu như người vùng xuôi lên làm 8 giờ/ngày, thì công tại chỗ làm ít hơn khoảng 1 giờ. Chưa kể, họ có thể nghỉ bất thình lình khi trong buôn có lễ, cúng, tiệc vui… hoặc đang làm việc, họ cũng “ngang xương” ưu tiên giải quyết công việc nhà.

 

Thêm một nỗi khổ cho chủ thuê công nữa là các nhóm công người Ê Đê thường hình thành từ những người thân trong gia đình nên mỗi khi nghỉ, họ thường nghỉ “hết sạch”, khiến chủ thuê công rơi vào thế bị động, phải đi tìm nhóm công khác.

 

Cũng có một hợp đồng khác giữa người thuê và được thuê sức lao động là khoán công việc. Tức là hai bên tự thỏa thuận số lượng công việc rồi thống nhất giá cả. Hoàn thành hết phần việc được giao, bên thuê công sẽ trả đủ tiền như đã thỏa thuận. Thuê công lao động dạng này thì người thuê có thuận lợi là không phải quán xuyến công việc hàng ngày, nhưng đòi hỏi họ phải có đủ kinh nghiệm để luôn đặt mình ở thế “kèo trên” trong cuộc ngã giá giữa hai bên.

 

GẮN KẾT TÌNH NGƯỜI

 

Việc quản lý công lao động cũng không đơn giản như việc mua cái bánh và phải trả tiền đúng giá là xong. Ở đây phải dung hòa được giá trị sức lao động, đồng tiền và tình cảm. Nghĩa là người thuê công phải biết ý mà quan hệ, ứng xử. Với nhóm công dưới xuôi lên, việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm hạn chế, người chủ thuê hiểu ý nên khoảng 2 đến 3 lại ngày bồi dưỡng họ vài con cá, cân thịt… tạo sự gần gũi. Còn với nhóm người lao động tại chỗ, khoảng nghỉ giữa buổi, bên thuê công thường mua cho họ vài con cá để nấu canh, thêm vài xị rượu trắng để “giải mỏi”. Nếu người thuê công không có thời gian để lo được việc ấy, thì có thể cộng một ít tiền gọi là bồi dưỡng thêm vào số tiền công hàng ngày đã thỏa thuận (150.000 đồng/ngày/người).

 

“Đại gia đình” anh Nguyễn Văn Minh từ xuôi lên đang tập kết tại khu vực chợ Tân Lập (xã Ea Ly, huyện Sông Hinh). Tôi ngỏ lời muốn thuê công lao động để trồng sắn, anh vui vẻ nhận lời. Anh Minh cho biết, nhóm của anh có 7 người đều trong dòng họ đến từ xã An Cư (huyện Tuy An). “Chúng tôi đi làm thuê ở các xã thuộc địa bàn huyện Sông Hinh gần 10 năm nay. Một khi đã nhận lời, chúng tôi luôn cố gắng làm việc chăm chỉ. Có những chủ thuê công khá dễ chịu và biết quan tâm đến những người làm thuê. Cũng có những người khó chịu, đòi hỏi quá đáng, người làm công thấy mình bị xúc phạm, bóc lột sức thậm tệ, phải bỏ việc. Mình nhận đồng tiền mà thấy chủ thuê công nở nụ cười vừa ý thì trong lòng cũng thấy vui”, anh Minh tâm sự.

 

Cũng có những trường hợp sau khi lên vùng đất Sông Hinh làm thuê, làm mướn một thời gian, với đức tính chịu thương chịu khó, những người làm công được chủ giữ lại, giao cho đất để làm, đồng thời làm công việc thường ngày cho chủ rẫy. Trường hợp của anh Phan Ngọc Tính ở xã Hòa An (huyện Phú Hòa) là một ví dụ. Những ngày đầu đi làm công trên huyện Sông Hinh, anh Tính không chịu nổi sự khắc nghiệt của thời tiết nơi đây. Nhưng với tính chịu thương, chịu khó, chỉ một thời gian ngắn, anh được chủ cho mượn tạm hơn 2ha đất để vừa trồng sắn tăng thêm thu nhập, vừa làm thuê lâu dài cho chủ rẫy.

 

Nhiều người làm thuê, làm mướn, không chỉ bán sức lao động lấy tiền một cách sòng phẳng mà họ còn mang lại sự hài lòng cho chủ thuê công và tình cảm ấy gắn kết họ cho những mùa vụ sau.

 

NHẬT HUY

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek