Thứ Sáu, 15/11/2024 08:36 SA
Nâng tầm công đoàn trong thực hiện trách nhiệm xã hội
Thứ Năm, 23/07/2015 07:42 SA

Công đoàn phối hợp với doanh nghiệp thực hiện các quyền lợi cho công nhân lao động tại KCN An Phú - Ảnh: N.HÂN

Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ và thúc đẩy trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR) luôn được Đảng và Nhà nước coi trọng. Đây cũng là nội dung mà nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, các nhà hoạch định chính sách quan tâm, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và xu thế hội nhập quốc tế như hiện nay.

 

NHIỀU KHÓ KHĂN 

 

Với việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam đã thực sự tham gia vào sân chơi quốc tế, tất nhiên phải tuân thủ “luật chơi chung”, tiếp cận với nhiều vấn đề, trong đó có những vấn đề về trách nhiệm xã hội. Các nội dung của CSR là sự tổng hợp một cách khoa học những quy định vừa mang tính bắt buộc, vừa mang tính tự nguyện thông qua cam kết bằng văn bản. Đó là các nội dung liên quan tới hoạt động kinh tế, hoạt động môi trường và hoạt động xã hội. 

 

Các nội dung cụ thể của CSR là bảo đảm quyền con người; bảo đảm hài hòa lợi ích doanh nghiệp, người lao động, người tiêu dùng, cộng đồng và xã hội; bảo đảm thực hiện tốt các tiêu chuẩn lao động và môi trường; tuân thủ pháp luật quốc gia; kiểm tra, giám sát công khai minh bạch thông tin; phòng chống tham nhũng, lãng phí; phòng chống ma túy, các tệ nạn xã hội... được thể chế hóa trong các bộ quy tắc ứng xử, nội quy, quy chế, thỏa ước lao động tập thể… Các bộ quy tắc ứng xử của doanh nghiệp phải phù hợp với luật pháp quốc gia, luật pháp quốc tế. 

 

Hiện nay, các doanh nghiệp vẫn gặp phải một số khó khăn khi tiến hành CSR trên phạm vi cả nước nói chung và ở Phú Yên nói riêng. Thứ nhất, phần lớn doanh nghiệp nhận thức còn hạn chế về trách nhiệm xã hội của mình. Hạn chế về hiểu biết hoặc né tránh hiểu biết pháp luật lao động của doanh nghiệp là thách thức không nhỏ. Số người sử dụng lao động tham gia các lớp tập huấn, tuyên truyền về pháp luật lao động do các cơ quan, đoàn thể tổ chức rất ít. Do vậy, việc thực hiện những quy định pháp luật nhiều nơi, nhiều lúc còn vi phạm trong ký hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, làm thêm giờ, thời gian nghỉ ngơi, không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, thực hiện nội quy lao động, an toàn vệ sinh lao động chưa đầy đủ... Thứ hai, người lao động chưa nhận biết được quyền lợi của mình. Đặc biệt, lao động từ nông thôn ra thành thị, lao động phổ thông chưa qua đào tạo, chưa nhận biết quyền lợi thực sự của mình, hay vì “miếng cơm manh áo” mà họ chấp nhận làm việc trong điều kiện không đảm bảo, thỏa hiệp với các doanh nghiệp mà bỏ qua những vi phạm về an toàn lao động, an toàn vệ sinh, quyền lợi người lao động. Thứ ba, thiếu lao động có tay nghề cao đang là một cản trở cho các doanh nghiệp. Theo phần lớn doanh nghiệp, việc tuyển chọn lao động hội đủ tiêu chuẩn cần thiết là rất khó. Điều này ảnh hưởng không nhỏ trong việc nâng cao năng suất và tính cạnh tranh trên thị trường. Thứ tư, đầu tư cho CSR vẫn còn là một gánh nặng cho doanh nghiệp. Hầu hết doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh có quy mô vừa và nhỏ với nguồn lực tài chính hạn hẹp, không đủ khả năng lắp đặt các trang thiết bị an toàn lao động, đảm bảo vệ sinh lao động, dây chuyền xử lý chất thải công nghiệp theo đúng tiêu chuẩn... Do đó, doanh nghiệp nếu không có yêu cầu từ các cơ quan quản lý Nhà nước thì thường chối bỏ việc thực hiện CSR để tiết kiệm chi phí, vô hình chung vi phạm pháp luật lao động về an toàn vệ sinh lao động.

 

Công đoàn Khu kinh tế kiểm tra an toàn vệ sinh lao động tại Công ty TNHH Hoàng Long - Ảnh: CTV

 

NỖ LỰC PHỐI HỢP

 

Để khắc phục những khó khăn của doanh nghiệp trong thực hiện CSR, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động, các cấp công đoàn Phú Yên xác định “tham gia, phối hợp công tác tốt với các cơ quan quản lý lao động là một yêu cầu quan trọng không thể thiếu trong hoạt động công đoàn”.

 

Hàng năm, LĐLĐ tỉnh phối hợp xây dựng quy chế, chương trình, kế hoạch phối hợp công tác với các cơ quan quản lý lao động và chỉ đạo công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở phối hợp với các cấp, các ngành, trọng tâm là ngành LĐ-TB-XH, BHXH, Thuế và Thi đua khen thưởng trong tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát, cung cấp thông tin gắn trách nhiệm của chủ doanh nghiệp với công tác thi đua khen thưởng. Chỉ đạo công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp với giám đốc, chủ doanh nghiệp xây dựng quy chế tổ chức hội nghị người lao động, quy chế đối thoại, thỏa ước lao động tập thể, quy chế dân chủ cơ sở theo Nghị định 60/2013/NĐ-CP. Nhờ vậy, công tác phối hợp đã góp phần lớn trong việc nâng cao nhận thức về việc thực hiện CSR, hạn chế việc thiếu trách nhiệm, vi phạm chính sách pháp luật của các doanh nghiệp ở địa phương. Các cấp công đoàn đã cố gắng làm tốt trách nhiệm của mình trong phối hợp với các cơ quan quản lý lao động trong tuyên truyền, vận động và tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách pháp luật ở các doanh nghiệp…

 

Các cấp công đoàn tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác phối hợp tuyên truyền, vận động người lao động, người sử dụng lao động tham gia thực hiện trách nhiệm xã hội. Đồng thời đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, đặc biệt thực hiện có hiệu quả Quyết định 217-QĐ/TW về quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể xã hội. Tham gia vào chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các vấn đề có liên quan đến quyền lợi của người lao động. Bên cạnh đó cần chú trọng vai trò của công đoàn trong tham gia, thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể, thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động, quy chế dân chủ, tham gia hỗ trợ giải quyết tranh chấp lao động, đối thoại hợp tác với người sử dụng lao động xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp. Các hoạt động xã hội, từ thiện cần được đẩy mạnh, nhất là đẩy mạnh chương trình xây dựng nhà Mái ấm công đoàn và các hoạt động hỗ trợ người lao động của các doanh nghiệp.

 

Hy vọng rằng, với sự nỗ lực phấn đấu của công đoàn các cấp cùng với sự cố gắng của doanh nghiệp thì chất lượng CSR sẽ không ngừng tăng lên, góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, đời sống cho người lao động và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong tiến trình CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.

 

Trong thời gian tới, nhằm tăng cường nhận thức đúng đắn của doanh nghiệp và toàn xã hội về CSR, thúc đẩy việc thực hiện CSR đảm bảo lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp, người lao động và cộng đồng, các cấp công đoàn trong tỉnh, nhất là công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp cần coi trọng việc tham gia đề xuất thực hiện CSR, xem đây là một nội dung cơ bản trong hoạt động của mình. Trên cơ sở đó vận động người sử dụng lao động thực hiện các nội dung của CSR, tham gia và phối hợp xây dựng các "bộ quy tắc ứng xử" của doanh nghiệp sao cho phù hợp với pháp luật Việt Nam, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên.

 

 

TRÌNH THỊ TUYẾT TRINH

Phó trưởng ban Tài chính - LĐLĐ tỉnh

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek