Khó khăn đến mấy cũng không ngần ngại, dù chỉ một việc nhỏ. Ông luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi phong trào, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương, bằng khen giấy khen và nhiều người quý mến. Ông là Lê Mạnh Hùng 56 tuổi, dân tộc Chăm, một thương binh hiện trú tại thôn Tân Phú – xã Suối Bạc (huyện Sơn Hòa).
Ông Lê Mạnh Hùng tại nhà riêng - Ảnh: TRẦN CAO TRÍ
Ông Lê Mạnh Hùng sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó thuộc xã Đá Mài – huyện Miền Tây, Phú Yên cũ (nay là xã Phú Mỡ – huyện Đồng Xuân). Căm thù bọn bán nước và cướp nước dày xéo quê hương năm 16 tuổi ông Hùng tham gia cách mạng. Trẻ tuổi nhưng người thiếu niên dân tộc Chăm này rất khôn khéo, gan dạ, bảo vệ trót lọt hàng trăm lượt đưa tài liệu, công văn mật khẩn đến với các cơ sở cách mạng ngay trong lòng địch. Ông bùi ngùi nhớ lại: Tháng 12/1968 trong một chuyến công tác khẩn về các cơ sở cách mạng bên kia sông Cà Tơn nhằm chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công, ông bị lọt vào ổ pháo kích vây hãm ác liệt của địch. Toàn thân bê bết máu nhưng ông vẫn bình tĩnh cất giấu toàn bộ tài liệu quyết không để rơi vào tay kẻ thù. Sau trận pháo kích, địch hung hãn lùng sục quyết bắt người giao liên thiếu niên “Việt cộng” nhưng không được. Mặc dù đau buốt toàn thân nhưng sức trẻ đã giúp ông vượt lên tất cả.
Gần 40 năm tham gia cách mạng ông luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao và xứng đáng được tặng nhiều huân huy chương cao quý. Bà Nguyễn Thị Ngật vợ ông Hùng cho biết: “Là thương binh hạng 4/4 nhưng ông ấy vẫn tham gia làm nhiều việc. Công việc cơ quan bận rộn đã đành, về đến nhà là lập tức dong xe đến từng thôn, buôn, thấy người nào lêu lỏng rượu chè, quậy phá, nhất là thanh thiếu niên là ổng tìm đến tận nhà khuyên giải họ tu chí làm ăn. Nhờ thế mà con em trong xã và các xã lân cận không có đứa nào hư hỏng, không bị kẻ xấu lừa phỉnh”.
Năm 2000 khi biết anh Nguyễn Văn Hùng ở xã Sơn Hà (huyện Sơn Hòa) là đối tượng trộm cắp chuyên nghiệp, ông Hùng không ngại khó lặn lội đường xa đến tận nhà bảo ban giúp đỡ Nguyễn Văn Hùng giác ngộ từ bỏ những thói hư tật xấu, chăm chỉ lao động sản xuất ổn định cuộc sống và trở thành một công dân tốt. Nguyễn Văn Hùng bộc bạch: “Nếu thiếu tá Hùng không bảo ban giúp đỡ thì tôi đâu có ngày hôm nay. Tôi biết ơn ông ấy lắm!”
Không chỉ thế, người thương binh Lê Mạnh Hùng này còn tham mưu với các già làng trưởng bản bài trừ các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, đem lại sự bình yên cho buôn làng. Ông Hùng nói: “Vì vết thương tái phát, tôi phải nghỉ hưu trước tuổi nhưng trong tôi vẫn là một chiến sĩ công an nhân dân. Mình là cán bộ hưu trí là đảng viên thì phải gương mẫu. Người nào lêu lỏng, không lo làm ăn là tôi thẳng thắn phê bình giúp họ trở thành người tốt có ích cho gia đình và xã hội”.
Ông Cao Minh Hòa, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cho biết: “Đồng chí Lê Mạnh Hùng trong quá trình công tác luôn phát huy vai trò cách mạng của một chiến sĩ công an nhân dân. Nay do thương tật đã nghỉ hưu, nhưng luôn tiên phong gương mẫu trong mọi phong trào, rất đáng trân trọng biểu dương để mọi người học tập làm theo”.
TRẦN CAO TRÍ