Kỳ thi THPT quốc gia 2015 đã khép lại. Dù còn nhiều vấn đề cần phải bàn, nhưng có thể nói khâu tổ chức cuộc thi ở đa số các điểm trường trong cả nước đều thành công. Điều đọng lại lớn lao, sâu đậm, ấm lòng trong mỗi sĩ tử, mỗi phụ huynh đưa con đi thi, mỗi ai theo dõi cuộc thi “2 trong 1” lần đầu tiên này là sự quan tâm, trợ giúp đặc biệt của các sinh viên áo xanh tình nguyện tiếp sức mùa thi ở các trường đại học, cao đẳng; là tấm lòng tốt bụng của những bác xe ôm chở sĩ tử không lấy tiền công; là sự chia sẻ những bữa cơm từ thiện của các nhà hảo tâm, của các sư cô, sư thầy.
Đó là những gia đình dành sẵn chỗ ở miễn phí cho các thí sinh “lai kinh ứng thí”; là những ly trà đá mát lạnh miễn phí của bà bán đồng nát được chở đến tận cổng trường; là sự quyên góp của phụ huynh, sĩ tử giúp đỡ những sĩ tử bị mất trộm hết tiền trong lúc ở trọ để thi cử...
Hai thí sinh Nguyễn Thị Quỳnh Như và Vũ Thị Kim Thảo (ở huyện miền núi Sơn Hòa) bị kẻ gian phá cửa nhà trọ ở phường Vĩnh Hải (TP Nha Trang, Khánh Hòa) trộm hết tiền, điện thoại, tổng thiệt hại khoảng 7 triệu đồng. Có đến 3 trường hợp phụ huynh ở Phú Yên đưa con đi thi ở các điểm trường của Khánh Hòa bị kẻ gian cuỗm mất xe máy. Đặc biệt, anh Nguyễn Trọng Ánh (39 tuổi, ở thôn Phước Hòa, xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa) chở con gái đầu lòng vào Nha Trang thi, bị mất xe Future và 5 triệu đồng cùng nhiều giấy tờ tùy thân khác bỏ trong cốp xe... Một người xe ôm tốt bụng đã chở hai cha con đến công an phường trình báo.
Ngay sau đó, mọi người, kể cả thí sinh, vận động nhau người vài ngàn, vài chục ngàn, gom góp lại giúp đỡ anh Ánh, hai thí sinh Như, Thảo... vượt qua khó khăn. Sư trụ trì chùa Long Quang (Nha Trang) cũng cho hai cha con anh Ánh ăn cơm miễn phí... Câu chuyện cảm động đã thực sự lay động lòng người.
Có một thực tế, lâu nay ở các kỳ thi đại học, đâu đó ở một số nơi vẫn còn tình trạng một số nhà trọ, hàng quán, xem ôm... tận dụng mọi cơ hội để chặt chém thí sinh và phụ huynh. Còn kẻ gian thì tán tận lương tâm lợi dụng sơ hở để “cướp” những đồng tiền mồ hôi nước mắt của cha mẹ ở quê lo cho con cái đi thi cử... Điều này ít nhiều đã làm người ta mất đi niềm tin đối với con người, lây nhau căn bệnh vô cảm. Nhưng đó là những “con sâu làm rầu nồi canh” đã làm ảnh hưởng đến tinh thần nhân văn, lòng nhân ái tốt đẹp của dân ta. Những việc làm đẹp, những nghĩa cử đẹp, ý nghĩa như đã nói ở trên đã khơi dậy, nhân lên tình người, nhân lên truyền thống đùm bọc, đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau của người Việt ta xưa nay. Có gì đẹp trên đời hơn thế! Ai đó đã nói: “Lòng tốt không chỉ là hành động. Nó là thái độ, biểu cảm, cái nhìn, sự tiếp xúc. Nó là mọi thứ làm người khác ấm lòng”. Ấm lòng sĩ tử...
Đi một ngày đàng chưa chắc học được một sàng khôn. Nhưng không đi không có gì cả. Rời lũy tre làng lên thành phố ứng thí, các em chưa học được nhiều, nhưng học được bài học cảnh giác với những trò lưu manh, lừa đảo...; học được bài học của lòng lương thiện, lòng nhân ái, “thương người như thể thương thân”. Hôm nay, các em được chia sẻ, giúp đỡ một nơi ở ấm áp, ly nước mát, những bữa cơm tươm tất không mất tiền... thì mai sau các em cũng sẽ biết đối xử với mọi người, với bạn bè, với cộng đồng như vậy!
Những nghĩa cử cao đẹp, những việc làm tốt trong mùa thi cần được cổ vũ, nhân rộng!
NGUYÊN LƯU