Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 285 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động (hay còn gọi là xuất khẩu lao động), chủ yếu ở thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Lào… Những kết quả đạt được tuy còn khiêm tốn, nhưng đó là sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu của các cấp ngành, địa phương và bản thân người lao động.
Người lao động tham gia phiên giao dịch việc làm để tìm cơ hội xuất khẩu lao động - Ảnh: K.CHI |
Ông Nguyễn Tài Soa, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở LĐ-TB-XH), cho biết: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước xem xuất khẩu lao động là một bộ phận của Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm. Hoạt động này mang tính chất xã hội sâu sắc thông qua việc phát triển nguồn nhân lực nhằm giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho bản thân người lao động và gia đình, nâng cao trình độ tay nghề, ngoại ngữ, tác phong công nghiệp cho người lao động và tăng nguồn thu ngoại tệ cho quốc gia, góp phần phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Anh Võ Chí Lâm ở xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) sau khi tốt nghiệp trung cấp cơ khí, ra trường vẫn không tìm được việc làm ổn định. Qua thông tin tuyển dụng xuất khẩu lao động tại Sở LĐ-TB-XH, năm 2009, anh Lâm tham gia xuất khẩu lao động sang thị trường Malaysia. Vốn cần cù, chịu khó, sau 5 năm, anh đã dành dụm được 500 triệu đồng gửi về gia đình. Đầu năm 2015, anh Lâm tiếp tục tìm hiểu thị trường thực tập sinh kỹ thuật tại Nhật Bản để tiếp tục đăng ký xuất khẩu lao động nhằm kiếm thêm nguồn vốn và tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật, kỹ năng làm việc để mai này trở về nước mở phân xưởng sản xuất tại quê hương mình. Còn anh Y Xuân ở buôn Học, xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh), sau 3 năm tham gia xuất khẩu lao động ở Malaysia, năm 2014, anh và 5 người bạn trở về cùng với số tiền tích lũy kha khá. Ngoài mua hơn một hecta đất rẫy trồng sắn, mua bò, Y Xuân còn trang trải sinh hoạt phí trong gia đình và để dành một phần tiền cho cha mẹ. Y Xuân cho biết: “Đi làm ở Malaysia, chúng tôi có chỗ ăn, chỗ ở đàng hoàng; làm việc theo giờ giấc, không vất vả nhiều như làm rẫy ở nhà. Chúng tôi làm việc chăm chỉ nên được mọi người quý mến, giúp đỡ tận tình”.
Đó là hai trong số nhiều người Phú Yên đã tham gia xuất khẩu lao động thành công thời gian qua. Với những điều kiện tuyển dụng thuận lợi của thị trường lao động ngoài nước cùng với điều kiện kinh tế cũng như các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, lao động Phú Yên có thể tự tin đăng ký đi xuất khẩu lao động.
Tuy nhiên, để công tác xuất khẩu lao động trong thời gian đến được phát triển mạnh mẽ, bền vững, ông Nguyễn Tài Soa cho biết, trong giai đoạn 2015-2020, cấp ủy đảng và chính quyền địa phương cần phải quán triệt đầy đủ các nội dung về chế độ, chính sách hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đến toàn thể cán bộ, đảng viên biết, thực hiện; nắm chắc và quản lý chặt chẽ người lao động của địa phương làm việc ở các nước đã hết hạn hợp đồng không về nước ở lại cư trú bất hợp pháp để có biện pháp tuyên truyền, giáo dục kịp thời, vận động người thân kêu gọi người lao động về nước, không trốn ra ngoài cư trú bất hợp pháp làm ảnh hưởng đến hình ảnh người lao động và đất nước Việt Nam.
Từ năm 2011 đến nay, Sở LĐ-TB-XH đã giới thiệu cho 1.651 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, góp phần ổn định cuộc sống cho nhiều gia đình lao động khi tham gia chương trình. Dù số lao động tham gia làm việc ở nước ngoài còn khiêm tốn, nhưng phần lớn họ thành công, tạo động lực để nhiều lao động khác đăng ký tham gia.
Khai thác, tìm kiếm thị trường lao động có thu nhập cao
Phòng LĐ-TB-XH các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền về chế độ, chính sách hỗ trợ người lao động đi xuất khẩu lao động để người lao động biết, thực hiện; phát hiện ngăn chặn kịp thời những tổ chức, cá nhân “cò” môi giới lừa người lao động đi xuất khẩu theo con đường bất hợp pháp để thu lợi bất chính. Các trung tâm dịch vụ việc làm cần phối hợp với các doanh nghiệp được Bộ LĐ-TB-XH cấp giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động có uy tín để khai thác, tìm kiếm thị trường lao động có thu nhập cao như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan nhằm tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm về xuất khẩu lao động; tổ chức đào tạo ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết về pháp luật Việt Nam và pháp luật nước mà người lao động đến làm việc để tạo thành địa chỉ quen thuộc, đáng tin cậy của người lao động. Đặc biệt, người lao động có nguyện vọng, có nhu cầu đi xuất khẩu lao động cần phải đến trụ sở chính các trung tâm dịch vụ việc làm trên địa bàn tỉnh để được tư vấn, giới thiệu việc làm, không nên nghe những cá nhân tư vấn về công tác xuất khẩu lao động dưới danh nghĩa cơ quan, đơn vị bằng hình thức gọi điện thoại hoặc đến các thôn, buôn, khu phố liên hệ thông qua hộ gia đình quen biết hoặc nhóm hộ gia đình để vận động một người lao động và từ đó rủ rê một nhóm lao động tham gia xuất khẩu lao động. |
KIM CHI