Người xưa có câu: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Gia đình là gốc rễ đùm bọc yêu thương nhau những lúc khó khăn, là niềm tin, là hy vọng của mỗi thành viên. Gia đình là tế bào của xã hội. Như một nguyên lý, từ một gia đình tốt sẽ có những công dân tốt.
PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG TỐT ĐẸP
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phú Yên Ngô Sao Kim, gia đình Việt Nam với những giá trị truyền thống tốt đẹp gắn kết với nhau trên cơ sở huyết thống, truyền đời. Điều đó biểu hiện ở các đức tính làm gương, trách nhiệm và sự hy sinh suốt cả cuộc đời cho thế hệ sau, thông qua các hoạt động xã hội mang tính chất luật tục được cả cộng đồng công nhận. Trong gia đình, ông bà, cha mẹ sống mẫu mực, làm gương cho con cháu noi theo. Gia đình tứ đại đồng đường (ông bà, cha mẹ, con, cháu cùng ở một nhà) sum vầy, vui vẻ. Ở đó, con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; ông bà trông nom và dạy bảo con cháu điều hay lẽ phải.
Tuy nhiên, bên cạnh các giá trị tốt đẹp, trong thời đại hiện nay, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình có sự thay đổi. Trong nhiều gia đình, con cái quyết định hôn nhân với quan niệm sống cởi mở, khác với quan niệm truyền thống là “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó”. Nhiều hủ tục, quan niệm hôn nhân chưa thật sự tiến bộ còn tồn tại như thói gia trưởng, xem tuổi tác khắt khe, quan niệm môn đăng hộ đối... dẫn đến hôn nhân đổ vỡ. Hiện nay, không ít gia đình cha mẹ lo làm ăn, thả nổi khiến con cái đua đòi, ăn chơi.
Xây dựng đạo đức, lối sống trong gia đình được xem là một giải pháp xây dựng nhân cách tốt đẹp của người Việt Nam. Theo ông Nguyễn Đức Thành, Phó trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VH-TT-DL), trước hết, mỗi người cần nhận thức sâu sắc vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng gia đình. Mỗi thành viên trong gia đình phải phát huy tốt những giá trị đạo đức lối sống, giáo dục con cái; trong đó người lớn luôn gương mẫu để gia đình phát huy sức mạnh nội sinh, trở thành thành lũy ngăn chặn tiêu cực từ bên ngoài. Người ta bàn nhiều đến việc kết hợp ba môi trường giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội. Vì vậy, việc xây dựng gia đình rất cần sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể các cấp, coi đó là nhiệm vụ quan trọng trong việc xây dựng con người, xây dựng xã hội mới. Trong đó nhấn mạnh các yếu tố duy trì phong trào ông bà gương mẫu, con cháu thảo hiền; duy trì mô hình gia đình ít con để nuôi dạy cho tốt; tôn vinh vai trò bà mẹ, nâng cao vị thế người phụ nữ trong xã hội… Trong các chương trình cộng đồng ở địa phương, ban tổ chức nên mời đại diện gia đình tham gia tuyên truyền, vận động để ngăn ngừa tệ nạn xã hội xảy ra đối với con cái. Hàng năm, vào Ngày Gia đình Việt Nam, từ trung ương đến địa phương phải có hoạt động tôn vinh các gia đình tiêu biểu.
BỮA CƠM ẤM ÁP
Với chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”, Ngày hội Gia đình Việt Nam năm nay nhằm nhấn mạnh ý nghĩa và thể hiện sự trân trọng những giá trị truyền thống với những phút giây sum họp bên bữa cơm gia đình đầm ấm.
Theo bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Phú Yên, bữa cơm gia đình trước hết được xác định là bữa ăn cung cấp dinh dưỡng để sống và phát triển. Trên hết, người mẹ muốn các thành viên trong gia đình ăn no, ăn ngon và an toàn. Bữa cơm gia đình chan chứa tình thương. Trong quá trình ăn uống, các thành viên trong gia đình sẽ có cơ hội chia sẻ, trao đổi, góp ý theo hướng xây dựng.
Còn nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Sao Kim cho rằng, bữa cơm sum họp gia đình cũng là một phần quan trọng trong việc góp phần giáo dục đạo đức, lối sống. Việc nấu nướng theo sở thích, phù hợp với các thành viên, tạo không khí ấm áp sẽ gắn kết mọi người với bữa cơm gia đình. Duy trì bữa cơm gia đình ấm áp là một giải pháp quan trọng trong việc giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đã được Đảng và Nhà nước khuyến khích và truyền thông mạnh mẽ trong thời gian qua. Cùng với việc phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình, duy trì bữa cơm gia đình, mỗi thành viên đã góp phần xây dựng gia đình ngày càng ấm no, tiến bộ và hạnh phúc; hướng đến quan hệ gia đình dân chủ và cởi mở hơn, quyền và lợi ích của mỗi cá nhân ngày càng được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ, song vẫn giữ được nề nếp gia phong của mỗi gia đình, mỗi họ tộc.
DIỆU ANH