Thứ Hai, 18/11/2024 00:52 SA
Gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, hương ước, quy ước
Thứ Năm, 18/06/2015 08:20 SA

Dạy bảo con lời hay lẽ phải là cách để con phát triển nhân cách tốt (Ảnh chỉ có tính minh họa) - Ảnh: T.DIỆU

Sự biến đổi của xã hội tác động đến gia đình, đặt gia đình đứng trước nhiều thuận lợi cũng như những khó khăn, thách thức cần phải vượt qua. Làm thế nào để tranh thủ tiếp thu được những giá trị mới của nền văn minh công nghiệp, vừa gìn giữ và phát huy được những giá trị văn hóa, bản sắc tốt đẹp của gia đình truyền thống là vấn đề có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giữ vững sự ổn định của gia đình.

 

Trong quá trình chuyển đổi từ truyền thống đến hiện đại, cùng với sự tiếp thu những giá trị mới, thì những xung đột về giá trị (giữa truyền thống và hiện đại) sẽ tác động đến sự phát triển ổn định của gia đình, như: xung đột giữa quyền lực truyền thống của nam giới trong gia đình với sự bình đẳng giới, giữa quyền trẻ em với sự áp đặt của cha mẹ, giữa tự do sống chung không kết hôn, tự do tình dục với việc tuân thủ luật pháp, phong tục và đạo đức truyền thống, thể hiện rõ nét nhất là lối sống giữa các thế hệ trong gia đình... Đây là một loạt những vấn đề đặt ra đối với sự ổn định, phát triển của gia đình.

 

Việc bảo lưu các giá trị truyền thống và tiếp thu những giá trị hiện đại sẽ được thực hiện như thế nào? Nếu xa rời các giá trị truyền thống sẽ dẫn đến “đứt đoạn văn hóa gia đình”.

 

Nếu không tiếp thu những giá trị hiện đại, gia đình sẽ trở nên lạc hậu, bảo thủ. Vì vậy, cần phải tiếp thu những tiến bộ của giá trị hiện đại nhưng không được quay lưng với giá trị truyền thống. Đó chính là sự liên tục và phát triển của văn hóa gia đình.

 

Gia đình là nơi gìn giữ và phát triển các truyền thống văn hóa của dân tộc. Một trong những vấn đề được đặt ra hiện nay và cũng được coi như thách thức của quá trình hội nhập quốc tế chính là sự đồng hóa các nền văn hóa và sự biến mất của các giá trị văn hóa bản địa trước sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai. Bằng con đường giáo dục xã hội hóa cá nhân, bằng những lời chỉ dạy bảo ban giữa các thế hệ qua lời ăn tiếng nói, đi đứng, ăn mặc, lối sống, đối nhân xử thế và những hoạt động khác trong gia đình, chính là việc duy trì bản sắc văn hóa dân tộc bền vững nhất.

 

Mỗi gia đình cần có trách nhiệm giáo dục và hình thành cho các thành viên của mình ngay từ lúc còn ấu thơ ý thức bảo tồn, giữ gìn truyền thống của dân tộc, của làng xóm và dòng họ thông qua các dịp lễ, hội của làng, ngày thờ cúng, giỗ ông bà, tổ tiên. Mỗi quốc gia đều có luật pháp, mỗi dòng họ, gia đình đều có gia pháp để giáo dục dạy bảo con cháu nên người và mỗi làng xóm cũng đều có hương ước quy định những giá trị chung, vì lợi ích của cộng đồng. Trách nhiệm của từng gia đình là phải hướng dẫn và dạy bảo các thành viên thực hiện tốt những điều trong hương ước và tích cực tham gia phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa.

 

Phát triển con người, nguồn nhân lực cho quá trình CNH, HĐH đòi hỏi phải gấp rút nâng cao kiến thức và kỹ năng cho người lao động để họ làm chủ được quá trình sản xuất, có khả năng vận dụng KH-CN vào sản xuất và đời sống. Nhưng để CNH, HĐH đi đúng mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, thì cái cơ bản nhất lại là tư tưởng, đạo đức, lối sống, những yếu tố thuộc tinh hoa của truyền thống dân tộc, của dòng họ, của gia đình. Chính vì lẽ đó, sự nghiệp CNH, HĐH nước ta phải được tiến hành song song với quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 

ĐỨC THÀNH

(Sở VH-TT-DL Phú Yên)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek