Thời gian qua, các cơ quan truyền thông, các cơ quan chức năng, các hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động chung tay nỗ lực phòng ngừa, xóa bỏ bạo lực gia đình (BLGĐ).
Luật Phòng chống bạo lực gia đình có hiệu lực từ ngày 1/7/2008, quy định rõ các hành vi bạo lực, quyền và nghĩa vụ của nạn nhân cũng như trách nhiệm của các cơ quan chức năng và hình thức xử lý đối với người gây ra bạo lực. |
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đặng Thị Hồng Nga cho biết, thời gian qua, ngoài việc thành lập 228 “địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng để giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời những nạn nhân bị BLGĐ, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh còn triển khai cho chị em cơ sở xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững thông qua các mô hình CLB “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “Gia đình hạnh phúc”; tuyên truyền Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống BLGĐ… để giúp phụ nữ có kỹ năng tốt hơn trong bảo vệ bản thân, bảo vệ hạnh phúc gia đình. Sở VH-TT-DL cũng thành lập các nhóm phòng chống BLGĐ tại nhiều thôn, buôn, khu phố do công an viên làm nhóm trưởng, các thành viên còn lại bao gồm trưởng thôn, buôn, khu phố, cán bộ mặt trận, hội phụ nữ, hội nông dân... Ngoài nhiệm vụ can thiệp kịp thời bạo lực, xô xát trong gia đình, các nhóm này còn truyền thông, vận động người dân tham gia phòng, chống BLGĐ; đưa hoạt động phòng, chống BLGĐ vào hương ước, quy ước trong xây dựng gia đình văn hóa; thôn, xóm, khu phố văn hóa…
Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách giữa thực thi pháp luật phòng chống BLGĐ với thực tế. Tình trạng BLGĐ vẫn thường diễn ra ở nhiều dạng khác nhau: bạo lực về thể chất, bạo lực về tinh thần, bạo lực về kinh tế, bạo lực về tình dục... Việc chồng bạo hành vợ như cấm đoán, chửi bới, đánh đập… vẫn xảy ra. Đa số các gia đình, nhất là các nạn nhân bị BLGĐ là phụ nữ không dám công khai vì sợ bị “mất mặt” hay không muốn “vạch áo cho người xem lưng”. Cùng với đó là thái độ im lặng của cộng đồng khi coi đây là vấn đề nội bộ của các gia đình, cũng gián tiếp trở thành nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng các hành vi BLGĐ.
Để các hoạt động phòng chống BLGĐ đạt hiệu quả, điều quan trọng là làm thay đổi thái độ, quan niệm của xã hội đối với hành vi này để không còn được coi là bình thường, hay có thể chấp nhận trong cuộc sống gia đình như vẫn thường diễn ra từ trước đến nay. “Cần nhất là sự lên tiếng từ những nạn nhân của bạo lực gia đình”, ông Nguyễn Đức Thành, Phó trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VH-TT-DL), chia sẻ.
Thực tế cho thấy, phòng chống BLGĐ không thể thành công nếu không có sự tham gia của nam giới. Chính sự chịu đựng của phụ nữ cùng với thái độ, hành vi mang tính quyền lực của nam giới đang tiếp tục làm gia tăng bất bình đẳng giới và BLGĐ với chị em. Do vậy, việc tăng cường sự tham gia và tác động để thay đổi hành vi của nam giới về bình đẳng giới và BLGĐ là hết sức cần thiết. Ngoài ra, để Luật Phòng, chống BLGĐ sớm đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng trong cộng đồng, cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó cần tập trung giáo dục bình đẳng giới ngay từ trong gia đình đến nhà trường và xã hội. Phải nâng cao nhận thức của cả hai giới về quyền và nghĩa vụ của họ trong mối quan hệ với các thành viên trong gia đình. Đồng thời tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền Luật Phòng chống BLGĐ, Luật Bình đẳng giới nhằm nâng cao nhận thức tiến tới chuyển đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân về BLGĐ. Đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa trong đó có tiêu chí không có BLGĐ. Đồng thời phải xử lý nghiêm người có hành vi BLGĐ theo đúng tinh thần Nghị định 110/2009/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống BLGĐ.
THỦY VĂN