Phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” trong nữ CNVC-LĐ ngành Giáo dục tỉnh mang tính đặc thù về giới, tính ngành nghề sâu sắc và được cụ thể hóa từ phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động. Qua 25 năm phát động, phong trào đã được đông đảo chị em trong ngành tích cực hưởng ứng tham gia và đạt hiệu quả thiết thực.
Theo Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Phú Yên Phạm Văn Thịnh, phong trào “Hai giỏi” đã thực sự trở thành một hoạt động sâu rộng và sôi nổi ở tất cả các đơn vị trường học, nhất là ở bậc mầm non và tiểu học. Từ việc thực hiện phong trào, hàng năm đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến; tỉ lệ nữ cán bộ, giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn, nhất là tỉ lệ giáo viên đạt danh hiệu dạy giỏi các cấp ngày càng tăng. Thời gian tới, công đoàn ngành sẽ tiếp tục phát động phong trào này với nhiều hình thức phong phú và đa dạng hơn nữa nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện. |
SÔI NỔI THI ĐUA
Ngành Giáo dục Phú Yên hiện có hơn 16.000 CNVC-LĐ, trong đó nữ chiếm gần 70%. Dù ở cương vị, hoàn cảnh nào, chị em cũng luôn nêu cao ý thức trách nhiệm, năng động, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Bà Nguyễn Ngọc Huyền, Phó chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Phú Yên, Trưởng ban Nữ công, cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của công đoàn cấp trên, công đoàn ngành đã đưa các nội dung, chỉ tiêu của phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” vào chương trình công tác, từng bước đưa phong trào vào nề nếp, tạo khí thế thi đua sôi nổi.
Để phong trào thi đua phù hợp với đặc thù ngành nghề, công đoàn ngành đã xây dựng nội dung, tiêu chuẩn thi đua, phối hợp phát động trong nữ CNVC-LĐ với tên gọi “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”, được triển khai lồng ghép với phong trào thi đua “Hai tốt” cùng các cuộc vận động lớn của ngành. Công tác tuyên truyền giáo dục cũng được các cấp công đoàn đẩy mạnh bằng nhiều hình thức, trong đó tập trung tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng về công tác phụ nữ, gia đình và trẻ em, vì sự tiến bộ của phụ nữ... Đồng thời, công đoàn còn tổ chức các hội thi, hoạt động văn hóa, thể thao, tọa đàm chuyên đề về xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi con khỏe dạy con ngoan trong nữ CNVC-LĐ, thu hút đông đảo chị em tham gia.
Hưởng ứng phong trào thi đua này, vào đầu mỗi năm học, 100% công đoàn cơ sở tổ chức cho chị em đăng ký danh hiệu “Nữ hai giỏi” gắn với tiêu chí của người phụ nữ mới trong thời kỳ CNH-HĐH và cuối năm học tổ chức bình xét, công nhận. Xác định muốn “giỏi việc trường” thì phải giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vì thế, nữ nhà giáo đã không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Các chị đã chủ động đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, viết sáng kiến kinh nghiệm và đề tài nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý và giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Cũng từ phong trào thi đua, nữ CNVC-LĐ ngành Giáo dục ở vùng sâu, vùng xa đã nỗ lực vượt khó bám lớp, bám trường, mang con chữ đến với học sinh dân tộc thiểu số. Điển hình như các cô Đặng Thị Thu Hoa, giáo viên Trường tiểu học Sơn Nguyên (huyện Sơn Hòa), Nguyễn Thị Hải Sâm, giáo viên Trường tiểu học Ea Trol (huyện Sông Hinh), Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Thị Bích Hoàng của Trường THCS và THPT Nguyễn Bá Ngọc (huyện Sơn Hòa)… Đến nay, ở các bậc học, giáo viên nữ đạt chuẩn và trên chuẩn đạt 98 đến 99%.
HIỆU QUẢ THIẾT THỰC
Nhiều chị em đã biết cách sắp xếp khoa học giữa công việc ở trường và gia đình nên có thời gian quan tâm, chăm sóc và giáo dục con cái. Đặc biệt, các chị còn vận động được chồng, con tham gia hỗ trợ làm đồ dùng dạy học, thực hiện các hội giảng, hội thi…
Cô Nguyễn Anh Minh, giáo viên Trường THPT Phan Chu Trinh (TX Sông Cầu) là một tấm gương sáng. Trải qua 2 lần phẫu thuật do u xơ tử cung, nuôi con nhỏ lại chăm sóc chồng bị bệnh nặng nhưng lòng yêu nghề, tình yêu thương từ gia đình, đồng nghiệp đã giúp cô Minh vượt khó vươn lên, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Năm học vừa qua, cô Minh đạt giải ba trong Hội thi giáo viên dạy giỏi và tham gia viết đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng với đề tài “Sử dụng bản đồ tư duy vào một số tiết Ngữ văn lớp 10” đạt loại giỏi. Cô còn nhận đỡ đầu 2 học sinh nghèo có nguy cơ bỏ học giữa chừng là Phạm Thị Hậu và Phạm Thị Mến. Kết quả, 2 em đã vượt lên hoàn cảnh và đậu vào đại học. Ngoài ra, còn có nhiều cô giáo khác như cô Nguyễn Thị Vũ Linh, Phó phòng GD-ĐT huyện Tuy An; cô Đinh Hoàng Phương Thủy, Hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Giang (huyện Sông Hinh)… là những điển hình trong phong trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” của ngành.
Bên cạnh đó, nữ CNVC-LĐ ngành Giáo dục gương mẫu thực hiện và vận động người thân trong gia đình chấp hành tốt các đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương và xây dựng tình đoàn kết thân ái với bà con lối xóm. Hàng năm, toàn ngành luôn có trên 90% gia đình cán bộ giáo viên nữ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 100% gia đình thực hiện tốt việc kế hoạch hóa gia đình, không sinh con thứ ba và cam kết thi đua gia đình không có bạo lực và tệ nạn xã hội.
KHÁNH VY