Thứ Hai, 18/11/2024 15:44 CH
Chăm lo và giáo dục đạo đức cho trẻ em
Thứ Ba, 09/06/2015 08:17 SA

Trẻ em tham gia lớp cờ vua tại Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi Phú Yên - Ảnh: K.CHI

Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời luôn quan tâm, dành tình cảm đặc biệt và nhắc nhở mọi người chăm lo cho thế hệ tương lai, Bác nói: “Trẻ em là hạnh phúc của mọi gia đình, là người chủ tương lai của dân tộc, là người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Nhà nước, xã hội, gia đình và mọi công dân phải có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục để các em phát triển toàn diện cả đức - trí - thể - mỹ.

 

Song thực tế hiện nay đạo đức của trẻ em đang bị xuống cấp nghiêm trọng; những lễ giáo, lễ nghi, hành vi ứng xử, lối sống tốt đẹp đang bị mai một, những hành vi, đạo đức, lối sống lệch chuẩn ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp, làm đau lòng, nhức nhối gia đình và xã hội như: trẻ em không vâng lời, không kính trọng lễ phép với cha mẹ, thầy cô giáo và người lớn, không biết kính trên nhường dưới; sống vô cảm, ích kỷ; ăn chơi, đòi hưởng thụ, lười biếng lao động; nói tục, chửi bậy, đánh nhau, ý thức tổ chức kỷ luật kém; trẻ em vi phạm pháp luật như: đua xe trái phép, vi phạm luật giao thông, chơi cờ bạc, nghiện ma túy, cướp của, giết người…

 

Nguyên nhân của tình trạng trên theo tôi trước hết thuộc về gia đình, mọi gia đình không nên đổ lỗi cho nhà trường, cho xã hội vì 2/3 thời gian trẻ em ở gia đình, gia đình phải quản lý giáo dục. Gia đình là trường học đầu tiên và cha mẹ là thầy giáo đầu tiên của con cái. Song nhiều gia đình, ông bà, cha mẹ không làm tấm gương tốt cho con trẻ, không quan tâm giáo dục, hướng dẫn những hành vi đạo đức, thói quen tốt, thiếu kiến thức kỹ năng nuôi dạy con. Nhiều gia đình nuông chiều con cháu quá mức hoặc mải mê kiếm tiền mà xao nhãng với con cái. Cha mẹ bất hòa, đánh chửi nhau, ly hôn dẫn đến sự thiếu hụt về tinh thần, tình cảm của con trẻ…

 

Về phía nhà trường chưa quan tâm đúng mức đến việc dạy làm người, dạy những hành vi đạo đức, kỹ năng ứng xử, kỹ năng sống tốt đẹp. Nội dung giáo dục đạo đức nặng về lý luận, không cụ thể, thiếu tính thuyết phục. Một số thầy cô chưa thực sự là tấm gương để các em noi theo, công tác quản lý học sinh trong trường, trong giờ học chưa nghiêm túc, chưa có biện pháp giáo dục học sinh cá biệt… Quá trình toàn cầu hóa mang đến cho trẻ nhiều cơ hội phát triển song cũng không ít thách thức trong việc giáo dục đạo đức, lối sống: lối sống hiện đại, ăn chơi; phim ảnh, văn hóa phẩm đồi trụy, chơi game có nội dung xấu, kích động bạo lực; công tác quản lý, hướng dẫn của gia đình, nhà trường, xã hội về những vấn đề trên còn nhiều hạn chế, bất cập. Sự phối hợp giữa 3 môi trường giáo dục còn nhiều lúng túng, kém hiệu quả…

 

Chúng ta đều biết rằng, trong mọi thời đại, mọi xã hội vấn đề giáo dục đạo đức cho con người là hết sức quan trọng. Cha ông đã dạy “Tiên học lễ, hậu học văn”, lời dạy của Bác Hồ lúc sinh thời “Có tài mà không có đức là người vô dụng”. Để con trẻ có đạo đức, nhân cách tốt, chúng tôi thiết nghĩ: mỗi gia đình, ông bà, cha mẹ phải ý thức đầy đủ, nghiêm túc trách nhiệm của mình, con hư trách nhiệm trước hết thuộc về gia đình, không nên đổ lỗi cho nhà trường, xã hội. Mọi người trong gia đình: ông bà, cha mẹ, người lớn phải thực sự gương mẫu về đạo đức, lối sống, hành vi ứng xử, đạo đức gia phong. Hướng dẫn, dạy dỗ con trẻ những hành vi, thói quen tốt. Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu tâm lý, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của con cái, gần gũi, giúp đỡ, động viên, chia sẻ khi các em gặp khó khăn và là người bạn tốt khi cần thiết. Thường xuyên phối hợp với nhà trường trong việc quản lý thời gian, tình hình học tập, diễn biến tư tưởng, quan hệ bạn bè để có phương pháp giáo dục kịp thời.

 

Mỗi nhà trường cần tăng cường hơn nữa việc dạy người, cần đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh, theo hướng nội dung phải cụ thể, dễ hiểu, phù hợp với từng đối tượng, phương pháp giáo dục đa dạng, hấp dẫn, nêu gương tốt, phê phán hành vi xấu, mỗi thầy cô giáo phải thực sự là tấm gương để các em học tập.

 

Công tác giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống cũng như ý thức chấp hành pháp luật cho trẻ em rất cần sự lãnh đạo, chung tay góp sức phối hợp hành động đồng bộ của cấp ủy, chính quyền, toàn thể xã hội. Phải xây dựng môi trường xã hội trong sáng, lành mạnh, phải đầu tư xây dựng cơ sở vui chơi, giải trí, tổ chức, hướng dẫn trẻ em vui chơi giải trí lành mạnh. Tăng cường giáo dục đạo đức, hành vi ứng xử, kỹ năng sống, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho trẻ em, đồng thời tăng cường quản lý, loại bỏ văn hóa phẩm, đồ chơi, game… có nội dung xấu, kích động bạo lực, không để xâm nhập, tác động đến trẻ em.

 

Thiết thực chăm lo trẻ em khó khăn

 

Nhằm hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em (từ ngày 1 đến 30/6) với chủ đề “Lắng nghe trẻ em nói”, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam vừa tổ chức chương trình “Gặp mặt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn lần thứ 8”. Dịp này, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam phối hợp với các địa phương trong cả nước đã huy động tối đa các nguồn lực để hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cũng sẽ tập trung cao điểm để thực hiện các chương trình, dự án cho trẻ em như: tập trung triển khai chương trình phẫu thuật “Nụ cười trẻ thơ” tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, An Giang. Triển khai khám sàng lọc và phẫu thuật cho gần 400 trẻ em của 20 tỉnh/thành phố với kinh phí hơn 1 tỉ đồng. Chương trình “Ánh mắt trẻ thơ” phẫu thuật mắt cho gần 300 em với kinh phí xấp xỉ 1 tỉ đồng. Trong năm 2015, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam dự kiến sẽ hỗ trợ cho gần 6.000 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trên cả nước với kinh phí gần 76 tỉ đồng. Riêng trong Tháng hành động vì trẻ em, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam sẽ chi gần 15 tỉ đồng để giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước.

 

(ANTV)

 

(baovetreem)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek