Thứ Ba, 19/11/2024 12:21 CH
Thực hiện Nghị định 60 của Chính phủ:
Giải quyết kịp thời nguyện vọng của người lao động
Thứ Sáu, 29/05/2015 07:54 SA

Khám sức khỏe cho công nhân là điều cần thiết mà doanh nghiệp phải đưa vào trong thỏa ước lao động tập thể thông qua đối thoại giữa hai bên - Ảnh: T.THẢO

Qua gần hai năm thực hiện Nghị định 60 của Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ở Phú Yên đã có nhiều bước chuyển biến trong việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, góp phần thực hiện tốt những nội dung về đối thoại trong doanh nghiệp. 

 

HÀI HÒA GIỮA NGƯỜI LAO ĐỘNG VÀ DOANH NGHIỆP 

 

Bộ luật Lao động 2012 được Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/5/2013. Để thực hiện khoản 3 Điều 63 của Bộ luật Lao động, ngày 19/6/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2013/NĐ-CP quy định chi tiết về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.

 

Theo ông Tô Văn Khải, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Phú Yên, Nghị định 60 quy định nội dung quy chế dân chủ ở cơ sở và hình thức thực hiện dân chủ tại nơi làm việc ở các doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động làm việc theo hợp đồng lao động (gọi chung là doanh nghiệp). Trong đó, quy định rõ nhiều nội dung quan trọng và cần thiết để thực hiện tốt quy chế dân chủ tại doanh nghiệp giúp người lao động và người sử dụng lao động hiểu nhau hơn, hạn chế mâu thuẫn, tranh chấp nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, góp phần xây dựng doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển. “Nghị định 60 quy định rõ ràng việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tập trung vào hai nội dung là thực hiện đối thoại theo định kỳ 3 tháng/lần và tổ chức hội nghị người lao động hàng năm. Nội dung đối thoại tại doanh nghiệp gồm những vấn đề liên quan đến tình hình sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động; việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế và cam kết, thỏa thuận khác tại nơi làm việc; điều kiện làm việc; yêu cầu của người lao động, tập thể lao động đối với người sử dụng lao động; yêu cầu của người sử dụng lao động với người lao động, tập thể lao động và nội dung khác mà hai bên quan tâm. Thông qua việc đối thoại, doanh nghiệp hiểu được nguyện vọng của người lao động, giải quyết kịp thời những xung đột xảy ra. Thời gian qua, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều thực hiện tốt nghị định này”, ông Khải cho biết. 

 

Theo Công đoàn Khu kinh tế Phú Yên, thời gian qua, các công đoàn cơ sở hàng năm đều phối hợp với doanh nghiệp xây dựng quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc, xây dựng cụ thể quy chế tổ chức hội nghị người lao động, quy chế đối thoại định kỳ. Theo đó, đại diện tập thể người lao động thương lượng, bổ sung, sửa đổi, ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi cho người lao động so với quy định. Đến nay, hơn 70% doanh nghiệp đã thực hiện đúng theo quy định của Nghị định 60, trong đó, chú trọng công tác đối thoại giữa người lao động và người sử dụng lao động. 

 

Chị Trần Thị Thúy Nguyên, công nhân Công ty TNHH Kính mắt Sài Gòn (khu công nghiệp Hòa Hiệp), cho biết: “Việc đối thoại của doanh nghiệp với người lao động và tổ chức hội nghị người lao động hàng năm là cần thiết với chúng tôi. Vì qua đó, chúng tôi nói lên được tiếng nói của mình, công nhân hiểu hơn và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp”. Còn chị Nguyễn Thị Kim Chung, công nhân Công ty TNHH Semco Phú Yên, cho biết: “Khi có sự đối thoại mà cụ thể là gặp mặt trực tiếp thì những lợi ích của người lao động được đảm bảo hơn, những khoản thu nhập, các chế độ cho người lao động được công khai hơn. Như vậy thì người lao động yên tâm công tác, tạo ra những sản phẩm chất lượng cho công ty”.

 

Công nhân cần được tư vấn pháp luật để hiểu hơn về quyền lợi của mình khi tham gia đối thoại trực tiếp với người sử dụng lao động - Ảnh: CTV

 

PHẢI THƯỜNG XUYÊN ĐỐI THOẠI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG

 

Theo ông Nguyễn Thái Hòa, Chủ tịch công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty TNHH Kính mắt Sài Gòn, hàng năm, Ban chấp hành công đoàn đều phối hợp với công ty tổ chức đối thoại trực tiếp với người lao động, tổ chức hội nghị người lao động. Qua đó, lãnh đạo công ty biết được nguyện vọng của người lao động, điều chỉnh kịp thời những xung đột. Nhờ vậy, mối quan hệ giữa công ty và người lao động hài hòa, tiến bộ thấy rõ; người lao động gắn bó với công ty lâu dài hơn. Còn theo ông Quách Đình Khanh, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Quang Sơn (huyện Phú Hòa), tình trạng bãi công, đình công sẽ không có khi doanh nghiệp lắng nghe tâm tư của người lao động, điều đó chỉ có thể thực hiện thông qua đối thoại trực tiếp. Chính vì vậy công ty rất chú trọng thực hiện theo quy định của Nghị định 60.

 

Ông Tô Văn Khải cho biết thêm: Khi nghị định này ra đời, Công đoàn Khu kinh tế tổ chức tuyên truyền sâu rộng tới các cấp công đoàn, người lao động và CĐCS trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại với người lao động đúng định kỳ. Mục đích của đối thoại trong doanh nghiệp đã rõ, đó là, chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau để tìm ra sự đồng thuận, tránh xảy ra xung đột, đình công, góp phần giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, hội nghị người lao động còn hạn chế. Có nơi tổ chức hội nghị mang tính hình thức; nhiều bản thỏa ước lao động tập thể chủ yếu sao chép luật, ít có nội dung có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật; tỉ lệ thực hiện chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động còn thấp; cán bộ CĐCS có hạn chế về kỹ năng, nghiệp vụ trong việc tổ chức đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể… Chính vì vậy, trong thời gian đến, rất cần sự chung tay của các cấp, ngành liên quan để người lao động được bảo vệ và hưởng lợi nhiều hơn từ nghị định này.

 

PHONG NHÃ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek