Với già làng Ma Doanh (thôn Bình Giang, xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh), dù đã hơn 80 tuổi nhưng ký ức về hai lần gặp Bác Hồ chưa bao giờ phai trong tâm trí. Được gặp, được nghe những lời huấn thị của Người, Ma Doanh luôn dặn lòng mình phải đoàn kết các dân tộc anh em cùng xây dựng quê hương; làm sao để thế hệ trẻ hôm nay hiểu và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
HAI LẦN GẶP BÁC HỒ
Già làng Ma Doanh (dân tộc Ê Đê), tên thật là Kso Y Bứ, sinh năm 1932 tại xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa. Từ nhỏ, Ma Doanh luôn mong ước được lớn thật nhanh để đi theo cách mạng, theo bộ đội cầm súng đánh giặc. Sau Hiệp định Giơnevơ (1954), Ma Doanh tập kết ra miền Bắc để học văn hóa, huấn luyện quân sự và dân vận để sẵn sàng trở về tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Ngay khi tập kết ra Bắc, Ma Doanh được gặp Bác khi Người đọc diễn văn trong lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh (2/9) tại Quảng trường Ba Đình. Già làng Ma Doanh nhớ lại: Hôm ấy, nghe tin có Bác Hồ dự lễ, chúng tôi ai cũng háo hức để được nhìn thấy Người. Dù chỉ được nhìn thấy hình ảnh của Bác ở trên cao, nhưng với tôi, đó cũng là điều khó quên trong cuộc đời…
Sau lần ấy, Ma Doanh được vinh dự gặp Bác Hồ lần thứ hai khi Người về thăm quê. Lúc ấy, Ma Doanh đang huấn luyện ở Trung đoàn 120, đóng quân tại Nam Đàn, Nghệ An. Già làng Ma Doanh kể: Lúc Bác Hồ đi vào, cả trung đoàn chúng tôi đứng dậy vỗ tay, còn Bác thì vẫy tay chào. Sau đó, Bác đi từng hàng bắt tay chúng tôi. Đến lượt mình, tôi thấy run run, xúc động… Hình ảnh Bác vẫn giản dị với đôi dép cao su, bộ quần áo ka-ki, chiếc mũ cối… Khi nói chuyện với các chiến sĩ trong trung đoàn, Bác hỏi thăm và căn dặn nhiều điều. Bác hỏi: Các chú, các cháu có nhớ nhà, nhớ quê không? Chúng tôi đáp: “Có ạ”! Rồi Bác động viên: Các chú, các cháu nhớ nhà, nhớ quê thì phải ra sức học tập và rèn luyện. Khi trở về quê hương phải đoàn kết nhân dân cùng nhau đánh đuổi kẻ thù, xây dựng quê hương...
Nhớ lời huấn thị của Bác Hồ, Ma Doanh luôn tự dặn lòng phải phấn đấu rèn luyện, học tập tốt hơn để sau này cống hiến nhiều hơn cho đồng bào, cho đất nước.
LÀM THEO LỜI BÁC DẠY
Sau khi hoàn thành việc huấn luyện tại miền Bắc, Ma Doanh về lại miền Nam và tham gia chiến đấu tại chiến trường Quân khu VI. Hòa bình lặp lại, ông chuyển về công tác, sinh sống tại xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh. Với uy tín và phẩm chất của người đảng viên, người lính Bộ đội Cụ Hồ được tôi luyện qua khói lửa chiến tranh, ông được tín nhiệm bầu làm Bí thư đảng ủy rồi Chủ tịch UBND xã Sông Hinh qua nhiều thời kỳ. Trên cương vị nào, Ma Doanh cũng hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.
Năm 1991, sau khi nghỉ hưu, thực hiện chính sách di dân để phục vụ cho dự án Thủy điện Sông Hinh, Ma Doanh chuyển về thôn Bình Giang, xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh sinh sống. Nhớ lời Bác Hồ dạy năm xưa ông vẫn tiếp tục tham gia các hoạt động của địa phương. Trong vai trò là già làng uy tín, Ma Doanh vận động đồng bào dân tộc thiểu số giữ gìn an ninh trật tự, phát triển kinh tế…
Ông Nguyễn Đình Quốc, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đức Bình Đông, cho biết: “Với 55 năm tuổi Đảng và vai trò của một già làng uy tín, Ma Doanh đã đóng góp rất nhiều cho địa phương. Ông luôn vận động nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Thời gian gần đây, khi xã triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, ông lại động viên con cháu và bà con tham gia thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, làm đường giao thông nông thôn…”.
Để thế hệ trẻ hôm nay hiểu thêm về cách mạng, về Bác Hồ, Ma Doanh thường kể cho họ nghe những câu chuyện đời lính và những câu chuyện về Bác. Ông Nguyễn Uy Mỏng, Bí thư Chi bộ thôn Bình Giang, cho hay: Tại các buổi sinh hoạt thôn hay sinh hoạt chi bộ, già làng Ma Doanh thường kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về Bác Hồ. Qua đây, chúng tôi thấy phải ra sức học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người…
“Đời già cảm thấy hạnh phúc nhất, tự hào nhất là hai lần được gặp Bác Hồ. Già sẽ mãi khắc ghi lời Bác dạy, nguyện tin theo Đảng, theo Bác đến cùng và nhắc nhở con cháu các dân tộc anh em đoàn kết xây dựng quê hương...”, Già làng Ma Doanh nói.
TRIỆU MINH