Theo Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 8 giờ ngày 9/5, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,5 độ vĩ bắc; 126,1 độ kinh đông, cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 510km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (tức là từ 150 đến 166km/ giờ), giật cấp 17.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và còn tiếp tục mạnh thêm. Đến 7 giờ ngày 10/5, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,1 độ vĩ bắc; 122,8 độ kinh đông, trên vùng bờ biển phía đông đảo Luzon (Philippines). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (tức là từ 167 đến 183km/ giờ), giật trên cấp 17.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng tây bắc, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km.
Đến 7 giờ ngày 11/5, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,8 độ vĩ bắc; 121,5 độ kinh đông, trên vùng biển giữa Đài Loan và Philippines. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (tức là từ 118 đến 133km/ giờ), giật cấp 14-15.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ tối mai (10/5), vùng biển phía đông bắc biển Đông có gió mạnh lên cấp 6-8, giật cấp 9-10. Biển động mạnh. Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng đông bắc, mỗi giờ đi được khoảng.
Trong ngày 9/5, Philippines đã sơ tán hàng chục ngàn người ở đông bắc đảo Luzon, chưa đầy 24 giờ trước khi bão Noul (bão số 4) dự kiến đổ bộ. Dự báo bão sẽ tấn công các tỉnh Cagayan và Isabela, 2 vùng sản xuất lúa gạo của Philippines, vào khoảng 5 giờ sáng 10/5 giờ địa phương (4 giờ sáng 10/5 giờ Việt Nam), trước khi suy yếu khi đi qua dãy Sierra Madre và vùng đông bắc Luzon.
Theo Reuters, Cơ quan khí tượng quốc gia đã phát cảnh báo bão đến 19 khu vực trên đảo Luzon, cảnh báo mưa to gió lớn có thể gây sóng cao 2,5m dọc các khu vực duyên hải, cũng như gây lở đất ở các vùng núi.
Ông Raben Dimaano, quan chức phụ trách đối phó thiên tai tỉnh Sorsogon cho biết, hơn 11.000 người dân đã được sơ tán tới các khu vực trú ẩn tạm thời tại 2 thị trấn xung quanh núi Bulusan do lo ngại lở bùn.
Giám đốc điều hành Cơ quan Quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai quốc gia Philippines, ông Alexander Pama cho biết, lượng mưa lớn trong khu vực đường kính khoảng 300 km có thể làm đứt dây điện, bật gốc cây, tốc mái nhà và gây thiệt hại cho các cánh đồng ngô, lúa trong khu vực.
Theo VOV, TTO