Những năm qua, nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP) đã giúp nhiều phụ nữ xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) có điều kiện trồng trọt, chăn nuôi, vượt khó thoát nghèo; góp phần làm giảm nạn vay nóng ở địa phương. Hội LHPN xã Xuân Quang 3 chính là cầu nối đưa nguồn vốn ưu đãi đến đúng địa chỉ.
PHÁT TRIỂN KINH TẾ NHỜ VỐN VAY
Theo ông Đào Duy Hưng, Giám đốc VBSP Đồng Xuân, Hội LHPN xã Xuân Quang 3 là một trong những hội đoàn thể quản lý vốn ủy thác hiệu quả trên địa bàn huyện. Mặc dù có dư nợ cao nhưng hội không để nợ quá hạn. Hội cũng làm tốt công tác tuyên truyền hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng hạn; giúp phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách. |
Từ khi có chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, Hội LHPN xã Xuân Quang 3 đã tạo điều kiện cho các hội viên có nhu cầu vay vốn trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống. Chị Lê Thị Bích Nhung, Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Quang 3, cho biết: Nhằm phát huy hiệu quả vốn vay, hội đã phối hợp với VBSP Đồng Xuân, các cấp, ngành trên địa bàn thường xuyên mở các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức quản lý và sử dụng vốn vay cho các hội viên được vay vốn. Nhờ đó, nhiều hộ phụ nữ đã mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Lệ Thanh ở thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3. Cách đây mấy năm, gia đình chị Thanh vẫn còn thuộc diện nghèo khó nhất nhì xã. Cũng vào thời điểm đó, các con của chị Thanh lần lượt đậu đại học, cao đẳng. Niềm vui đi kèm với bao nỗi lo khi gia đình không biết kiếm đâu ra tiền cho con đi học. Chị Thanh tâm sự: “Nhờ được cán bộ Hội LHPN xã quan tâm giúp đỡ, hướng dẫn gia đình vay vốn từ VBSP để con tôi có điều kiện nuôi ước mơ trên giảng đường. Ngoài ra, tôi còn các cấp được bình xét cho vay 20 triệu đồng vốn chương trình tín dụng hộ nghèo để mua bò về nuôi. Thời gian nhàn rỗi, tôi đan giỏ bán cho thương lái và trồng sắn để tăng thu nhập”.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hà ở thôn Thạnh Đức, vừa là tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) vừa là một hộ vay, chia sẻ: Lâu nay, cái khó nhất của phụ nữ nông thôn chính là vốn sản xuất. Nhiều người thiếu tiền phải vay nóng bên ngoài với lãi suất rất cao nên dù làm ăn chăm chỉ thì cũng chỉ đủ trả nợ chứ không thể có dư. Chưa kể, nếu gặp rủi ro, người vay có nguy cơ mất trắng. Vì vậy, từ khi có nguồn vốn của VBSP, chị em được vay với lãi suất ưu đãi nên mọi người rất mừng. Bản thân tôi cũng được vay vốn giải quyết việc làm để buôn bán nhỏ. Ngoài ra, tôi còn nuôi gà, nuôi cá để tăng thêm thu nhập.
LÀM TỐT VAI TRÒ CẦU NỐI VỐN CHÍNH SÁCH
Chị Lê Thị Bích Nhung cho biết: Hội LHPN xã Xuân Quang 3 hiện quản lý tổng dư nợ ủy thác lên đến 12 tỉ đồng với hơn 500 hộ còn dư nợ nhưng không có nợ quá hạn. Toàn hội có 14 tổ TK&VV, phân bổ đều ở 3 thôn Thạnh Đức, Phước Lộc và Phước Nhuận. Các tổ trưởng tổ TK&VV hầu hết đều nằm trong ban chấp hành chi hội phụ nữ thôn nên việc chỉ đạo công tác gặp nhiều thuận lợi.
Hàng tháng, thường trực hội đều họp với ban quản lý các tổ TK&VV để chỉ đạo, triển khai kịp thời những chủ trương, chính sách của Nhà nước và VBSP, đánh giá tình hình hoạt động trong tháng, chỉ ra những mặt làm được, những mặt còn hạn chế để bàn giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ. Ban quản lý tổ cũng họp định kỳ để đôn đốc hoạt động của tổ, xem xét những hộ sắp đến hạn nhưng khó trả được nợ thì kịp thời báo cáo thường trực hội tham mưu cho tổ đôn đốc hộ vay trả nợ đến hạn và quá hạn của xã có hướng giải quyết.
“Đối với những trường hợp này, thông thường, tổ sẽ mời hộ vay đến trụ sở UBND xã làm việc trực tiếp hoặc cử thành viên đến tận nhà đôn đốc, giúp hộ vay tìm cách làm ăn hiệu quả để trả được nợ. Hội LHPN xã Xuân Quang 3 cũng vận động hộ tham gia đóng tiết kiệm hàng tháng và trả nợ phân kỳ, không để nợ tồn đọng đến cuối kỳ, tạo áp lực khiến hộ vay khó trả hết nợ. Ngoài ra, hội còn tuyên truyền, vận động, nhắc nhở hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích. Nếu nhận thấy hộ vay dùng vốn vào việc riêng, không đúng như mục đích xin vay ban đầu thì thường trực hội sẽ xem xét, kiến nghị thu hồi”, chị Nhung tâm sự.
VIỆT AN