Thứ Hai, 30/09/2024 12:28 CH
16000 tỷ giảm thất nghiệp: Dự kiến phê duyệt trong tháng 7
Thứ Hai, 11/06/2007 09:00 SA

Thông tin về đề án 16.000 tỷ đồng giảm thất nghiệp mà T.Ư Đoàn dự kiến trình Chính phủ trong tháng 7 tới đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi khác nhau.  Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Trưởng ban Công nhân đô thị T.Ư Đoàn, thành viên ban soạn thảo đề án khẳng định đề án sẽ có tính đột phá.

070611-thatnghiep.jpg

Đã từng có hàng chục chương trình quốc gia về đào tạo nghề cho người lao động".

"Đột phá nhờ có một chính sách tổng thể"

Dư luận lo ngại đề án 16.000 tỷ đồng tạo việc làm cho thanh niên nếu không được thiết kế kỹ lưỡng sẽ đi vào vết xe đổ của những đề án thất bại trước đó. T.Ư Đoàn đã xác định đây là một đề án mang tính đột phá, vậy đột phá lớn nhất ở đây là gì?

- Trước đây có chương trình cho vay mở rộng sản xuất chứ chưa cho vay học nghề. Mà cho vay, lại cũng chia năm xẻ bảy, manh mún, rải rác ở các chương trình khác nhau như vốn vay 120, xóa đói giảm nghèo... Đề án này mang tính kế thừa. Bởi chúng tôi đã làm hàng chục năm nay rất nhiều các chương trình cho vay quốc gia và kế thừa được không ít bài học. Hình thức, cách làm thì đã có rồi. Vấn đề là cần một chính sách mới, một điều phối tổng thể, từ học, dạy nghề đến sản xuất.

Cơ chế chính sách đồng bộ và liên thông nên chắc chắn sẽ tạo ra một bước chuyển, một đột phá về nhận thức xã hội. Khi nhận thức xã hội đã thông, sẽ có một đột phá về đầu tư, kể cả đầu tư nước ngoài, đặc biệt sau năm 2010 hết giai đoạn I. Đề án 16.000 tỷ này sẽ là "mồi".

Đây là một đề án lớn, là số tiền kỷ lục từ trước đến nay cho một hoạt động xã hội. Đề án không căn cứ vào 16.000 tỷ đồng mà căn cứ vào nhu cầu thực tế. 16.000 tỷ chỉ là cơ sở để chúng tôi đạt tới mục tiêu xã hội.

Vậy nên T.Ư Đoàn muốn quá trình xây dựng đề án có sự tham gia của chuyên gia, các nhà nghiên cứu và đặc biệt là thanh niên với tư cách phản biện độc lập. Khi đã có khung cơ bản rồi, sẽ đưa ra rộng rãi để lấy ý kiến thanh niên là đối tượng trực tiếp hưởng lợi.

Như anh đã nói, mục tiêu của đề án là phải hài hòa giữa yếu tố đầu tư (đề án cho vay) và yếu tố xã hội (xóa thất nghiệp). Nhưng nhiều chuyên gia lại nghi ngờ tính khả thi của việc hoàn trả lại vốn trong thời hạn vừa vay vừa trả là ba năm. Vậy T.Ư Đoàn có những giải pháp nào nhằm đạt mục tiêu đề ra?

- Để đảm bảo hiệu quả, T.Ư Đoàn đề nghị Ngân hàng phát triển VN vào cuộc, trực tiếp huy động vốn, tham gia vào quá trình cho vay, giám sát và thu hồi vốn... Đoàn TN là tổ chức phối hợp với Ngân hàng trong hướng dẫn thanh niên làm đề án vay. Chúng tôi sẽ cân nhắc sao cho thủ tục vay ngắn gọn, đơn giản.

Sau khi Thủ tướng phê duyệt để triển khai, T.Ư Đoàn rất cần đến vai trò giám sát của truyền thông. Truyền thông còn có thể tham gia trong thay đổi nhận thức về học nghề, sẽ có những hoạt động tôn vinh học nghề, những tấm gương học nghề để gây tác động xã hội.

"Dự kiến, tháng 7, Thủ tướng sẽ ký phê duyệt"

Hiện đã có rất nhiều chương trình mục tiêu QG nhà nước đầu tư cho việc học nghề, dạy nghề. Như anh nói, đây cũng không phải là đề án cho vay đầu tiên mà T.Ư Đoàn chủ trì. Vậy việc mời hội Liên hiệp KHKT tham gia phản biện độc lập có phải là một cơ chế thường xuyên khi T.Ư Đoàn làm đề án không?

- Đây là lần đầu tiên có 1 đề án của T.Ư Đoàn được đưa ra lấy ý kiến phản biện. T.Ư Đoàn sẽ lắng nghe, kể cả ý kiến trái chiều (trong hội thảo có chuyên gia đứng lên nói, nếu tiếp tục làm đề án 16.000 tỷ theo kiểu cũ, thì nếu ông là Bí thư T.Ư Đoàn, ông sẽ từ chức ngay. PV). Những ý kiến có tác dụng ngay tức thì sẽ được bổ sung ngay vào dự thảo đề án. Những ý kiến khác chưa bổ sung  kịp sẽ được tiếp tục nghiên cứu và góp phần vào việc hoạch định các chính sách cho triển khai sau này.

So với dự thảo đưa ra để thảo luận lần đầu tiên (ngày 19/5/2007) bản đề án đưa ra lần hai này có tiếp thu và chỉnh sửa những gì?

- Đề án lần thứ hai đã khác hẳn lần đầu, cả về quan điểm và cách tiếp cận vấn đề. Chúng tôi gần như tiếp thu hầu hết các ý kiến đóng góp của chuyên gia và sau hội thảo vừa rồi sẽ có đề án lần ba tiếp thu ý kiến vừa đóng góp. Chúng tôi tiếp thu trên tinh thần phát triển để nó tốt hơn. Rất may là quan điểm T.Ư Đoàn đưa ra rất phù hợp với những ý kiến phản biện. Tinh thần chung là có thể sẽ sửa đổi đến lần 3, lần 4, lần 5... cho đến khi nào các nhà KH thống nhất.

Từ hội thảo lần thứ nhất (ngày 19/05), tiếp thu chỉnh sửa để có đề án lần hai (hội thảo ngày  5/6) và như ông nói thì sẽ chỉnh sửa đến khi nào hoàn thiện. Nhưng xem ra, trong hội thảo vừa rồi, hầu hết các chuyên gia đều lo ngại về tính khả thi ngay cả với bản đề án đã được chỉnh sửa một lần này. Vậy ông dự kiến khi nào sẽ cơ bản hoàn thành cái khung chuẩn để trình lên Chính phủ khi mà năm 2007 đã sắp hết?

- T.Ư Đoàn quyết tâm là sẽ hoàn thiện khung đề án ngay trong tháng 6 này để trình Thủ tướng trong tháng 6. Cố gắng để trong tháng 7 tới, Chính phủ sẽ có những phiên họp bàn về vấn đề này. Chúng tôi đang hình dung là Thủ tướng sẽ ký trong tháng 7. Dĩ nhiên, đề án mà Thủ tướng ký phê duyệt chỉ là duyệt cái "khung" cơ bản mà chúng tôi thống nhất với các chuyên gia.

Sau khi có khung, lộ trình triển khai, dự kiến, thời gian còn lại từ tháng 8 năm 2007 trở đi, chúng tôi sẽ triển khai thí điểm ở một số địa phương và cơ sở dạy nghề.

Trong suốt thời gian thí điểm, chúng tôi sẽ vừa áp các chính sách dự kiến vào, lại vừa bàn bạc với các bộ ngành liên quan để xây dựng cơ chế chính sách kèm theo, các thông tư liên bộ.

Trong quá trình hoàn thiện chính sách, chúng tôi rất cần sự vào cuộc của toàn xã hội.

"Chưa có số liệu: vừa thí điểm vừa khảo sát"

070611--Nguyen-hoang-hiep.jpg

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: "Trong khi thí điểm, chúng tôi sẽ vừa áp các chính sách dự kiến vào, lại vừa bàn bạc để xây dựng cơ chế chính sách kèm theo".

Quá trình tiếp thu và chỉnh sửa phải mất nhiều thời gian và phải có những khảo sát cung - cầu lao động công phu. Nhưng lâu nay, ngay cả những người làm ở lĩnh vực thống kê cũng cảnh báo nhiều về chuyện chưa có những con số thống kê chuẩn xác về thị trường lao động. Vậy những số liệu đưa ra trong khung đề án lấy từ nguồn nào?

- Xác định cung cầu là để  hoạch định chính sách. Đúng là lâu nay có tình trạng không thống nhất trong các con số thống kê giữa các đơn vị, ban, ngành.

Số liệu này, chúng tôi lấy từ Bộ KH-ĐT. Khi đọc, tôi cảm thấy đây có thể xem là những số liệu đáng tin cậy nhất vì họ điều tra qua  doanh nghiệp về cầu lao động.

Nhưng rõ ràng, điều mà các chuyên gia đang lo ngại nhất chính là chuyện các số liệu thống kê cung - cầu chưa hợp lý. Và căn cứ vào đó thì khó mà hoạch định ra chính sách phù hợp?

- Chúng tôi cũng phân vân về các con số nên đã nhờ Hội Liên hiệp KHKT tính toán để ra một con số cuối cùng. Họ đang tính trên cơ sở số liệu của Tổng cục thống kê, Bộ LĐTB-XH, các ngành, khảo sát của các doanh nghiệp  và đặc biệt của Bộ KH-ĐT, VCCI... Cộng tất cả sẽ ra một bảng tính, một số liệu để phục vụ cho đề án.

Nhưng T.Ư Đoàn vẫn quyết định vừa làm vừa tiến hành khảo sát. Là bởi vì theo các số liệu thống kê hiện có, thì với 16.000 tỷ cũng không đáp ứng được nhu cầu lao động. Số lượng đang học nghề hiện tại là 1,5 triệu người, với 16.000 tỷ, trong 1 năm chỉ có thể đáp ứng cho 200 nghìn người vay để học nghề. Làm đề án thì chúng tôi căn cứ vào con số thống kê thấp nhất.

Một trong những bài học rút ra từ thất bại của những đề án trước đó là cơ chế phân phối quân bình mà không dựa trên lợi ích. Tại sao T.Ư Đoàn không xác định ưu tiên, chọn một chương trình ưu tiên thay vì đặt ra năm chương trình? 

- Mục tiêu lớn nhất của đề án là dạy nghề, nâng cao tỷ lệ lao động có tay nghề làm tại VN. Mà bài toán đó phải đồng bộ, có người học, có trường dạy nghề, có chỗ làm việc. Nếu chỉ  một trong ba đều hỏng.

Chúng tôi cũng xác định ưu tiên nhưng là ưu tiên trong từng nội dung chứ không ưu tiên cho một nội dung... Ví dụ, trong học nghề, đầu tư ưu tiên những nghề mà xã hội đang cần, những nghề chất lượng cao và những nghề không được ưa chuộng lắm như cơ khí, mộc... Với trường nghề, ưu tiên nâng cấp những cơ sở dạy nghề có đủ năng lực mở rộng, đặc biệt ưu tiên cho các doanh nghiệp mở trường dạy nghề.

"Hết thí điểm, nếu không thực tế sẽ xem lại đề án?"

Các chuyên gia cũng khuyến cáo không nên theo cách làm cũ và tốt nhất khi chưa tìm ra hướng đi mới, nên học hỏi kinh nghiệm của các nước? Vậy T.Ư Đoàn thanh niên có tham khảo kinh nghiệm quốc tế không?

- Do chưa có điều kiện đi thực tế, khảo sát mục sở thị ở các nước nên T.Ư Đoàn cũng chỉ tham khảo qua các tài liệu, sách báo, đặc biệt của TQ vì TQ có những điều kiện gần gũi với VN.  Nhưng các nước rất hiếm áp dụng theo cách làm như ở VN chúng ta hiện nay. Họ, hoặc là đầu tư tổng thể, toàn bộ hoặc không đầu tư mà chỉ đề ra chính sách, để xã hội đầu tư... Còn hình thức cho vay như ở  VN thì không nhiều.

Vậy kinh nghiệm nào của TQ mà anh áp dụng được vào đề án này?

- Họ có một chế tài rất đồng bộ, gắn quy hoạch phát triển địa phương với quy hoạch nguồn nhân lực. Chẳng hạn, khi xây dựng một khu công nghiệp, bao giờ DN cũng tính toán trước là cần cung ứng bao nhiêu lao động và địa phương cũng tính toán luôn họ đáp ứng được bao nhiêu lao động và năng lực đào tạo của các trường dạy nghề tại đó đến đâu?

Khi làm đề án chúng tôi chú trọng giải pháp liên kết nhà trường, đoàn thanh niên và doanh nghiệp. DN cũng phải đưa nhu cầu của mình ra, phải đặt hàng trước chứ không phải yêu cầu và đòi hỏi.

Vậy khi xây dựng đề án, ngoài chuyên gia là các nhà khoa học, T.Ư Đoàn có mời doanh nghiệp tham gia không?

- Hội thảo hôm trước chúng tôi có mời lãnh đạo 1 khu chế xuất tại HN và đại diện VCCI. Hội thảo lần 1 (19/05) chúng tôi cũng mời đại diện một DN chuyên xuất khẩu lao động.

Giả thiết đến cuối 2007 sau thí điểm để triển khai đồng bộ, những kết luận và tổng kết có độ vênh so với khung đề án ban đầu, T.Ư Đoàn có tiếp tục triển khai đồng bộ không hay sẽ dừng lại để điều chỉnh?

- Tại sao chúng tôi đề ra thời hạn sáu tháng thí điểm? Vì đề án của T.Ư Đoàn không phải để tiêu 1 nghìn tỷ, mà xuất phát từ nhu cầu thực tế. Nhu cầu thế nào sẽ điều chỉnh như thế. Nếu chưa chín muồi, có thể điều chỉnh lại, dừng lại để nghiên cứu tiếp. Nếu nhu cầu cao hơn, có thể đề xuất Chính phủ mức cao hơn. Dứt khoát, nếu mọi thứ chưa chuẩn mực, chưa rõ ràng thì không thể chỉ đạo để làm.

Quan điểm là thận trọng, lắng nghe ý kiến nhưng không sợ và không quá run, không quá lo lắng bởi nếu không tự tin, không thể thành công. Thận trọng nhưng phải mạnh dạn.

Theo VNN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek