Vừa qua, Aide Et Action (AEA) - một tổ chức phi chính phủ của Pháp về bảo vệ quyền học tập của trẻ em có hoàn cảnh khó khăn - phối hợp với Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Phú Yên triển khai dự án Liên kết cộng đồng nhằm hỗ trợ giáo dục và phát triển toàn diện trẻ độ tuổi mầm non tại Trường mầm non Hòa Hội, xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa). Bước đầu, dự án đã tạo điều kiện để trẻ em ở vùng quê nghèo này được học tập trong môi trường thuận lợi.
Được ký kết vào tháng 4/2014 và chính thức triển khai vào tháng 9/2014, dự án Liên kết cộng đồng nhằm hỗ trợ giáo dục và phát triển toàn diện trẻ độ tuổi mầm non của AEA hỗ trợ Trường mầm non Hòa Hội hơn 1 tỉ đồng trong 3 năm (2014-2016) để tổ chức các lớp bán trú cho trẻ em người đồng bào dân tộc thiểu số và trẻ em thuộc hộ nghèo trên địa bàn. Cô Nguyễn Thị Chung, Hiệu trưởng Trường mầm non Hòa Hội, cho biết: Năm 2011, ban lãnh đạo dự án về khảo sát điều kiện của trường để có kế hoạch hỗ trợ. Sau khi thấy thiết bị dạy học còn hạn chế, cơ sở vật chất khó khăn, trẻ học ngày 2 buổi ba mẹ đưa đón rất vất vả nên năm 2013, AEA phối hợp Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Phú Yên hỗ trợ kinh phí cho trường để nâng cấp cơ sở vật chất, mua thêm đồ dùng học tập cho học sinh, đồ chơi ngoài trời, thiết bị dạy học của giáo viên các lớp mẫu giáo; cử giáo viên nhà trường tham gia những lớp đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn và tập huấn về chăm sóc sức khỏe cho trẻ để phù hợp với yêu cầu dạy - học lớp bán trú.
Với dự án này, sau khi được ba mẹ đưa đến lớp vào buổi sáng, các bé bắt đầu học tập, vui chơi, sáng tạo với cô giáo và các bạn cả ngày. Các bé cũng được lo chu đáo giấc ngủ và các bữa ăn trưa, ăn xế. Thấy con em được học tập và nghỉ ngơi đầy đủ trong môi trường gần gũi và thân thiện của lớp bán trú, các bậc cha mẹ rất yên tâm. Bà Trần Thị Ao, phụ huynh của bé Huỳnh Hồ Đan Thanh, chia sẻ: Nhà tôi chỉ có hai bà cháu nương tựa vào nhau. Tôi đã già yếu, trước kia khi chưa có trường bán trú thì phải đưa đón cháu ngày hai buổi rất vất vả. Nay có trường lớp đàng hoàng rồi, cháu tôi được các cô chăm sóc tận tình, được học tập, vui chơi với bạn, tôi rất yên tâm.
Theo cô Nguyễn Thị Chung, môi trường học tập thân thiện, hòa nhã đã giúp các bé người đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện hòa nhập nhanh hơn; tiếp thu được kiến thức tốt hơn so với việc tổ chức lớp học một buổi trước đây. Cô Chung cho biết thêm: Nhờ sự hỗ trợ của AEA, cơ sở vật chất của trường được cải thiện. Chúng tôi đã xây nhà ăn, nâng cấp nhà bếp, sửa chữa các mái vòm, mái hiên cho trẻ có chỗ ăn và sinh hoạt ngoài giờ rộng rãi hơn. Bên cạnh đó, trường còn mua thiết bị dạy học cho hai lớp bán trú. Số trẻ tham gia lớp bán trú hiện giờ là 50 cháu, các em được ở lại trường nên phụ huynh có điều kiện chăm lo sản xuất, làm ăn.
Theo Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Phú Yên Ngô Văn Quỳ, cùng với đội ngũ giáo viên nhiệt tình, tâm huyết với nghề, các lớp bán trú ở Trường mầm non Hòa Hội do AEA tài trợ được tổ chức và quản lý chặt chẽ, có hiệu quả. Nhờ vậy, người dân rất phấn khởi, nhà tài trợ cũng đánh giá cao. Cán bộ, giáo viên của trường đang từng bước làm quen mô hình bán trú này để đảm bảo tính bền vững của chương trình sau khi kết thúc dự án vào năm 2016.
THƯ NHÃ