Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại, bởi nó tác động nghiêm trọng đến đời sống của người dân trên phạm vi toàn thế giới. Phụ nữ, nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong cộng đồng, phải được quan tâm trong các chính sách liên quan về vấn đề bình đẳng giới trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH.
Bây giờ với chị Nguyễn Thị Thu, Chi hội trưởng phụ nữ thôn Phú Ân (xã Hòa An, huyện Phú Hòa) thì cụm từ “ứng phó với BĐKH và phòng chống những rủi ro thiên tai” đã không còn mơ hồ, mà hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày với những diễn biến thời tiết mưa, nắng, bão lũ bất thường như hiện nay, nhất là từ khi tổ chức Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) triển khai dự án “Nâng cao khả năng ứng phó của phụ nữ với BĐKH: Trao quyền cho phụ nữ cơ sở để ứng phó với thiên tai” trên địa bàn xã Hòa An.
Trong những buổi sinh hoạt hàng tháng, hàng quý ở chi hội, thông qua các câu lạc bộ “Gia đình bền vững”, “Gia đình 5 không, 3 sạch”…, những nội dung về phòng chống rủi ro thảm họa thiên tai, ứng phó với BĐKH luôn được chị Thu tuyên truyền lồng ghép. Chị Thu phấn khởi nói: “Bây giờ, chị em trên địa bàn đều biết những việc phải làm trước, trong và sau thiên tai. Từ việc nắm bắt, theo dõi thông tin thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng đến việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm, đèn dầu, nước uống… đều được chị em thuộc nằm lòng. Họ thực hành rất tốt trong các mùa mưa bão, cùng với gia đình, cộng đồng giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi thiên tai xảy ra”.
Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa An Trần Thị Kim Hoa cho biết: “Nâng cao nhận thức cho chị em nói riêng và người dân nói chung trong công tác ứng phó, phòng chống thiên tai luôn được chính quyền địa phương cũng như Hội LHPN xã chú trọng. Hiện tại, chị em đã cảnh giác, chủ động hơn với sự thay đổi của thời tiết, thích ứng với BĐKH, tham gia hiệu quả vào việc giảm nhẹ các rủi ro thiên tai. Hiện tôi là thành viên chính thức trong Ban chỉ huy PCLB-TKCN ở địa phương, vì vậy những kiến nghị, yêu cầu của phụ nữ luôn được chính quyền quan tâm, lắng nghe và giải quyết”.
“Không chỉ riêng ở xã Hòa An mà không ít địa phương khác trong tỉnh, Hội LHPN các cấp cũng tích cực phối hợp với địa phương tuyên truyền nâng cao nhận thức cho chị em”, Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Minh Phương cho biết. Chung tay trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, năng lực cho phụ nữ, không chỉ riêng Hội LHPN mà các cấp hội Chữ thập đỏ trong tỉnh cũng đặc biệt quan tâm trong 5 năm trở lại đây. Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lê Thế Minh cho hay: “Thông qua dự án Giảm thiểu rủi ro thiên tai của Hội Chữ thập đỏ Na Uy và Phòng chống lụt của Hội Chữ thập đỏ Đức tài trợ cho các địa phương nằm trong vùng nguy cơ cao về thiên tai trong tỉnh, Hội Chữ thập đỏ đã tổ chức nhiều buổi tập huấn lồng ghép giới trong ứng phó với BĐKH cho chính quyền địa phương cũng như phụ nữ ở 15 xã, phường các huyện Tuy An, Tây Hòa, Đông Hòa và TP Tuy Hòa. Đồng thời luôn quan tâm đến việc trang bị những kiến thức về BĐKH và những tác động bất lợi của BĐKH cho phụ nữ. Bởi họ là nhân lực quan trọng trong việc lập kế hoạch thực hiện những biện pháp giảm nhẹ, thích ứng với thiên tai ở cộng đồng và cấp cao hơn. Chính họ cũng là người duy trì và thúc đẩy các hành vi, thói quen, nếp văn hóa trong công tác phòng chống thiên tai của người dân ở các địa phương.
Tuy nhiên, hiện nay không phải địa phương, đơn vị nào cũng quan tâm đến việc lồng ghép giới trong công tác phòng chống thiên tai. Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Minh Phương trăn trở: “Chiếm hơn một nửa dân số, phụ nữ có vai trò, vị trí quan trọng trong ứng phó, giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong gia đình cũng như trong xã hội. Dù vậy, lâu nay vai trò của phụ nữ vẫn bị xem nhẹ. Công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai vẫn được coi là việc của nam giới. Trong khi tác động của BĐKH ảnh hưởng đến tất cả mọi người, trong đó phụ nữ là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Bởi họ đảm nhiệm vai trò chính trong việc chăm sóc gia đình, nên sau thiên tai hạn chế về thời gian để phục hồi sức khỏe, mất cơ hội việc làm, thu nhập…”. Trong khi đó, Việt Nam xếp trong nhóm các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ hậu quả của BĐKH. Vì vậy, theo bà Phương, lồng ghép giới trong BĐKH là một nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Trong các chương trình và kế hoạch giảm nhẹ rủi ro thảm họa, cần xây dựng năng lực về giới cho phụ nữ tham gia ứng phó với BĐKH và những thảm họa có liên quan. Đã đến lúc phụ nữ cần được đánh giá đầy đủ đóng góp của họ trong gia đình, cộng đồng cũng như các chính sách liên quan về vấn đề bình đẳng giới trong công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH.
LAN KHANH