Dịch HIV/AIDS xuất hiện ở Việt Nam từ thập niên 90 của thế kỷ trước, bắt đầu từ những người nghiện chích ma túy, đàn ông mua dâm và phụ nữ bán dâm. Từ đó có định kiến rằng người nhiễm HIV là những người nghiện chích ma túy hoặc mua bán dâm (nói chung là mắc vào tệ nạn xã hội). Mặt khác, trước đây, nhiễm HIV coi như nhận “án tử hình”, rất nguy hiểm và vô phương cứu chữa. Chính vì những suy nghĩ như trên mà người nhiễm HIV/AIDS bị kỳ thị và phân biệt đối xử nặng nề.
Kỳ thị người nhiễm HIV/AIDS là thái độ coi thường, làm mất thể diện hay không tôn trọng một người hoặc gia đình họ vì biết họ nhiễm hoặc nghi ngờ bị nhiễm HIV/AIDS. Sự kỳ thị có thể do các cá nhân, bạn bè, gia đình, cộng đồng và cả cán bộ y tế… gây ra với người nhiễm HIV/AIDS. Sự kỳ thị còn do chính người nhiễm HIV/AIDS gây ra (tự kỳ thị) vì thấy mình không được những người xung quanh chấp nhận hay mặc cảm với hoàn cảnh của mình. Những bài học kinh nghiệm trong phòng, chống HIV/AIDS cho thấy, dù ở bất cứ đâu và dù bị lây nhiễm HIV vì bất cứ lý do nào, nếu không được xã hội tạo môi trường thuận lợi, những người nhiễm HIV thường phải giấu giếm tình trạng bệnh của mình.
Sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử, những người có hành vi nguy cơ cao không dám đi làm xét nghiệm, những người đã nhiễm HIV không dám tiếp cận điều trị để bảo vệ họ và những người khác, làm tăng nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.
Trong khoảng 10 năm gần đây, công tác truyền thông đã có nhiều bước chuyển đổi, không còn những hình ảnh chết chóc, bệnh nhân AIDS lở loét toàn thân, gầy trơ xương... tạo sự sợ hãi trong cộng đồng. Chúng ta đã chú trọng đến việc cung cấp thông tin một cách đầy đủ, chính xác, giải thích rõ những đường lây truyền và đường không lây truyền HIV. Cũng nhờ truyền thông về HIV/AIDS, mọi người hiểu được nhiễm HIV/AIDS là một quá trình kéo dài, người nhiễm vẫn có khả năng làm việc, sinh sống bình thường nếu được điều trị và chăm sóc tốt, bằng chứng là nhiều người đã sống khỏe mạnh sau 15 đến 20 năm kể từ khi phát hiện nhiễm HIV.
Chúng ta đã tăng cường truyền thông về lợi ích của việc điều trị bằng thuốc kháng virus. Mặc dù đây không phải là thuốc chữa khỏi bệnh AIDS nhưng rất đặc hiệu trong việc ức chế sự nhân lên của virus, làm cho sức khỏe của người nhiễm HIV được nâng lên và không bị mắc các nhiễm trùng cơ hội. Nhiều tấm gương người nhiễm HIV vượt lên số phận, sống có ích cho xã hội, cộng đồng cũng được biểu dương. Những nội dung trên đã được truyền thông bằng nhiều hình thức khác nhau, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và mạng lưới tuyên truyền viên, cộng tác viên đông đảo thuộc nhiều thành phần xã hội.
Nội dung chống kỳ thị và phân biệt đối xử được lồng ghép vào tất cả các hoạt động truyền thông về HIV/AIDS. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động truyền thông được tổ chức, với sự tham gia của người nhiễm HIV và tạo điều kiện để các nhóm người nhiễm HIV/AIDS tổ chức các hoạt động truyền thông trong cộng đồng, trong trường học, tại nơi làm việc… Song song với việc tăng cường đưa tin, quảng bá các hoạt động tích cực của người nhiễm HIV/AIDS, sự đóng góp của họ đối với cộng đồng và gia đình; huy động sự tham gia ngày càng nhiều của các nhà lãnh đạo, các vị chức sắc và những người có uy tín, những người nổi tiếng được người dân mến mộ vào các hoạt động truyền thông, kết hợp với sự thăm hỏi, động viên người nhiễm HIV/AIDS...
Sau nhiều năm đổi mới trong truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, nhận thức của cộng đồng về HIV/AIDS từng bước nâng lên, đồng thời tạo sự cảm thông, chia sẻ, tiến tới xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS. Kết quả của quá trình này là số người nhiễm HIV được tiếp cận điều trị hiện nay tăng hơn 20 lần so với năm 2005. Hàng trăm nghìn người có hành vi nguy cơ cao được tư vấn, xét nghiệm HIV mỗi năm. Số người nghiện chích ma túy tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone ngày càng tăng. Như vậy, công tác truyền thông đã góp phần quan trọng trong sự thành công chung của công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam trong giai đoạn vừa qua.
HÀ AN