Từ tấm bé, hầu hết trẻ con đều được nuôi dưỡng trong tổ ấm gia đình. Gia đình là môi trường văn hóa đầu tiên mà trẻ tiếp xúc. Nơi đây hàng ngày trẻ được “học ăn, học nói, học gói, học mở”… và học làm người.
Tôi sinh ra trong một gia đình đông con, nhà toàn là trai. Là anh cả nên ngoài việc chăm giữ đàn em, tôi còn phải quán xuyến việc nhà như nấu cơm, giặt giũ, quét dọn nhà cửa… Hàng ngày, tôi phải nhớ những gì ông bà, cha mẹ đã dặn, cả những phép tắc về cách thức chào hỏi, lễ phép, “đi thưa về trình” “gọi dạ, bảo vâng”…
Ngoài những phép tắc, lễ nghĩa, tôi còn phải thạo những việc nhà. Vào những ngày ba mẹ đi làm đồng về trễ, ở nhà tôi phải tự ra vườn hái rau, nấu những bữa cơm cho cả nhà. Lớn lên chút nữa tôi đã biết lo lắng, đỡ đần mẹ cha công việc đồng áng. Nhờ được dạy bảo từ nhỏ, tôi đã có được đức tính cần mẫn, siêng năng nên đến giờ tôi thấy mình có được may mắn nhiều hơn là gặp phải khó khăn. Và tôi đã lớn lên từ chỗ học làm người từng ngày, từng những việc nhỏ nhặt như thế!
Theo các chuyên gia về công tác gia đình, tỉ lệ tội phạm trẻ em cao hay thấp là do cách giáo dục của gia đình và nhà trường đối với các em ngay từ lúc còn nhỏ. Trong đó, điều mấu chốt là con cái lớn lên thường noi gương ông bà, cha mẹ để mà học cách làm người. Người lớn phải luôn làm gương cho trẻ và tập dần cho các em cách tuân thủ những quy định chung của xã hội. Một ví dụ nhỏ là sau khi ăn kẹo cao su, các em được dạy phải bọc bã kẹo lại rồi mới bỏ vào thùng rác; nếu làm không đúng sẽ bị cha mẹ khiển trách và bị bắt làm lại đến khi “đạt yêu cầu”. Nếu như ông bà, cha mẹ trong gia đình thường quan tâm dạy dỗ con cái phải biết xấu hổ với những hành động mà mình làm người khác không thích; từng gia đình và xã hội quan tâm như vậy thì chắc chắn từ nhỏ, trẻ sẽ nghĩ đến mọi người xung quanh và nhận lỗi khi làm sai.
Một người nước ngoài có nhiều năm sống ở Việt Nam lo ngại rằng, nhiều bậc cha mẹ thường bắt các em học thêm nhiều môn như: Toán, Vật Lý, Hóa Học, tiếng Anh..., thậm chí mời gia sư về dạy kèm kiến thức nhưng họ lại quên việc dạy đạo đức cho con mình. Nhiều chương trình gộp lại, nhiều kiến thức chồng chất nên một số học sinh không theo nổi dẫn đến chán nản, bỏ học, chơi với bạn bè xấu và dễ bị sa ngã.
Mỗi người ai cũng phải hoàn thiện lối sống, nhân cách thông qua môi trường gia đình, nhà trường và xã hội. Song như ông bà ta từng nói: “Dạy con từ thuở còn thơ” - và gia đình bao giờ cũng là cái nôi khởi nguồn nuôi dưỡng tâm hồn và tính cách tuổi thơ tốt nhất.
MẠNH MINH TÂM