Chủ Nhật, 12/01/2025 18:39 CH
Buồn vui chuyện người quét rác
Thứ Bảy, 06/12/2014 08:12 SA

Chị Phan Thị Thảo với công việc hàng ngày - Ảnh: M.HIỆP

Dạo còn trẻ, buổi sáng tôi hay đi tắm biển. Tuy nhiên, biển Tuy Hòa có vẻ không hợp lắm với những người bơi kém như tôi, nên từ ngày nghỉ hưu tôi chuyển sang đi bộ, chủ yếu là hai vợ chồng cùng đi với nhau cho vui.

 

Tuyến đường chúng tôi thường đi là từ nhà ra kè Bạch Đằng rồi lên cầu Hùng Vương. Buổi sáng ra đường khi trời còn tối, người đầu tiên hay gặp là các công nhân quét rác. Những bóng người thầm lặng trong bộ quần áo bảo hộ màu xanh thẫm điểm những vệt vàng phản quang, đầu tóc mặt mũi che kín như hòa cùng bóng tối, chỉ nghe tiếng chổi tre loạt soạt vang lên trong không gian tĩnh lặng gợi nhớ đến một bài thơ nào đó đã từng thuộc lòng trong sách giáo khoa những năm tiểu học về chân giá trị của lao động. Lúc chúng tôi mới ra phố, rác rến, lá cây còn phủ kín mặt đường, nhất là ở những con phố có nhiều hàng quán và cây cối như Duy Tân, Bạch Đằng, lúc quay về đã thấy sạch sẽ, tươm tất, cứ như là cảnh vật vốn như vậy, phải như vậy.

 

Trên đường về, chúng tôi thường ghé vào một quán cà phê nhỏ trên kè Bạch Đằng để nhâm nhi ly trà nóng, trò chuyện dăm câu ba sợi với những người cùng hội đi bộ trên tuyến đường về đủ mọi chuyện trên trời dưới đất - cũng là một kênh thông tin nóng sốt. Hôm nay, đang đi thì trời bỗng đổ cơn mưa lớn, may là chúng tôi kịp chạy vô quán. Nhìn ra, thấy một bóng áo xanh đang đẩy chiếc xe rác trờ tới trong làn mưa xối xả, chị chủ quán la to: “Vô đụt mưa đã, Thảo ơi!”. Bóng áo xanh khựng lại, lưỡng lự giây lát rồi chạy vô. Sau khi đã cởi bỏ áo mưa, mũ, khăn bịt mặt, găng tay, bóng người hiện ra là một phụ nữ trạc 30 tuổi, dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt có duyên, tươi tắn, phúc hậu. Lạ thật! Trong đời, tôi đã gặp không ít những người lao động chân tay, nhất là thời kỳ làm địa chất, tôi để ý thấy hầu hết những người làm công việc nặng nhọc đều có khuôn mặt chân chất, phúc hậu. “Uống miếng nước đã, chờ xửng mưa, làm tiếp. Đi đâu mà nôn” - chị chủ quán vồn vã. Tôi tiếp luôn: “Lấy cho cổ ly cà phê sữa đi”. Người phụ nữ quét rác vội xua tay: “Thâu, thâu, em ngầu chút rầu đi ngay”. Mặc, chị chủ quán vẫn mang ly cà phê sữa ra. Người phụ nữ đưa mắt nhìn, thấy không khí chân tình, cũng không khách sáo nữa. Sau vài câu làm quen, giới thiệu, câu chuyện mặc nhiên chuyển sang đề tài hốt rác. Tôi hỏi: “Em phụ trách tuyến đường nào?”, Thảo đáp: “Đường này” - “Từ khúc nào tới khúc nào?” - “Từ quốc lộ tới bến cá” - “Trời đất, 3 cây số, làm sao kịp?” - “Em phải dậy đi làm từ 3 giờ sáng, trưa nghỉ, rồi 2 giờ lại ra làm cho tới chiều, lãnh đạo đi kiểm tra bất cứ lúc nào cũng phải sạch sẽ”. Thế đấy! Không hiểu sao trí óc tôi lại phiêu diêu về những năm tháng địa chất, các công nhân phải thay phiên nhau làm 3 ca liên tục, làm 8 tiếng nghỉ 8 tiếng, 3 ngày nghỉ 1 ngày, sống chủ yếu trong lán trại. Còn biết bao ngành nghề lao động chân tay nặng nhọc, bẩn, độc hại và nguy hiểm khác mà dọn rác chắc hẳn cũng nằm trong số đó.

 

“Đi làm sớm vậy, em không sợ na?” - một chị đã có tuổi tò mò. “Sợ thấy mồ chớ bộ, nhưng riết rồi cũng quen. Hồi em quét trên cầu Hùng Vương, có mấy vụ tự tử, người ta đồn búa xua, em cũng sởn tóc gáy. Có lần đang quét, một người bất ngờ chạy từ phía sau tới, xẹt qua rồi mất hút, em sợ xém xỉu. Rồi có lần ở gần cầu Sông Chùa, có một ông đi xe đạp, giấu xe trong bụi, chờ em tới gần bỗng kéo quần xà lỏn của mình xuống. Em chết siếng, chân tay bủn rủn, miệng cứng lại, mãi tới khi ổng tới gần em mới kịp khua chổi, la lên mấy tiếng, ổng vội kéo quần, nhảy lên xe dông tuốt”. Tôi bật cười: “Em dở, lẽ ra phải chờ xem còn màn gì hấp dẫn nữa không”. Cả hội cười ngặt nghẽo. Thảo cũng không nhịn được cười: “Sợ chết cha mà. Sau này, nghe em kể lại, nhiều người bảo, hình như ổng bị điên”. Ngừng một lát, Thảo kể tiếp trong tiếng mưa lộp độp trên mái tôn: “Có một chị quét rác trên đường Hùng Vương, trời tối thui, đoạn đường vắng, thằng xì ke trong bụi nhảy ra, xỉa ống tiêm ngay mặt, dọa có si đa, bắt nộp tiền. Chị đành phải móc số tiền đi chợ sáng đó đưa hết cho nó. Sau này, những tuyến đường dài và vắng thường phân công hai người cùng làm cho yên tâm, mỗi người một bên đường. Mệt nhất là mùa hè ở cầu Hùng Vương và kè Bạch Đằng. Buổi tối, nhiều người mang đồ ăn lên cầu, nhậu nhẹt rồi xả rác, ói mửa luôn ở đó, tụi em quét rã tay, rồi còn phải đẩy chiếc xe rác nặng lên cầu rất mệt, nhưng trời sáng mà quét không xong là bị phê bình, cắt thi đua ngay. Kè Bạch Đằng cũng vậy, buổi tối hàng quán đông như chợ, dài cả cây số, bán xong chỉ dọn bàn ghế, còn rác thì đầy đường. Đến mùa mưa bão lại có cái khổ của mưa bão, đang làm cứ phải đụt mưa như bữa nay, quét tới trưa mới xong. Còn khi có lụt bão thì làm bất kể giờ giấc”. Tôi nhìn sang phía vỉa hè sát bờ kè: cỏ dại mọc um tùm, rác vương đầy, liền hỏi: “Em dọn đường này, sao vỉa hè bên kia cỏ rác tùm lum vậy?” - “À, bên đó là của thành phố” - “Vậy thành phố không dọn sao?” - “Lâu lâu mới dọn một lần, lại cũng thuê tụi em, nhưng tiền thì nợ”.

 

“Vậy thu nhập hàng tháng của các em được bao nhiêu” - cuối cùng, một người thiếu kiên nhẫn nhất trong hội bật ra cái câu hỏi mà nhiều người tò mò muốn biết. Thảo hồn nhiên đáp ngay: “Cộng cả tiền độc hại, tiền ăn ca, tiền thi đua, khoảng 4 - 5 triệu đồng, tùy từng người, nhưng cũng không ổn định” - “Sao vậy?” - “Lãnh đạo biểu không có tiền vì bên thành phố còn nợ công ty tới mấy chục tỉ đồng. Có lần vào dịp Quốc khánh, bọn em được phát mỗi người 2 triệu đồng, mừng húm, tưởng tiền thưởng, mua sắm thoải mái, ai dè tháng sau trừ lương vì đó chỉ là tạm ứng” - “Thôi, biết làm sao được, kinh tế thế giới khủng hoảng mà” - tôi đành an ủi một câu sáo rỗng và cố hình dung ra cái cảnh, 3 giờ sáng phải bật dậy khỏi giường ấm nệm êm, nai nịt đầy mình rồi lóc cóc đẩy chiếc xe rác ra đường, bất kể mưa nắng, lụt bão, độc hại, hiểm nguy. Trưa về chỉ kịp tắm rửa rồi lo chợ búa cơm nước để buổi chiều lại đi tiếp.

 

“Thôi, xửng mưa rồi, em đi đây. Cảm ơn các anh chị đã mời cà phê”. Người nữ công nhân quét rác Phan Thị Thảo ở Công ty cổ phần Môi trường đô thị Phú Yên vội đứng lên chạy ra ngoài đường với cây chổi và chiếc xe rác của mình khi màn mưa vẫn còn lắc rắc.

 

ĐÀO MINH HIỆP

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Cháy cơ sở sản xuất cửa sắt
Thứ Bảy, 06/12/2014 08:05 SA
Bão gần biển Đông (cơn bão số 5)
Thứ Bảy, 06/12/2014 08:01 SA
Điểm tựa để phụ nữ thoát nghèo
Thứ Bảy, 06/12/2014 07:48 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek