Điểm tựa để phụ nữ thoát nghèo

Điểm tựa để phụ nữ thoát nghèo

Giúp phụ nữ nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, phối hợp với các ngành chức năng tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật tạo điều kiện cho chị em vay vốn làm ăn hiệu quả… là những hoạt động có tính “đòn bẩy” của các cấp Hội LHPN

Giúp phụ nữ nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, phối hợp với các ngành chức năng tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật tạo điều kiện cho chị em vay vốn làm ăn hiệu quả… là những hoạt động có tính “đòn bẩy” của các cấp Hội LHPN giúp hàng trăm lượt phụ nữ trong tỉnh có điểm tựa để vươn lên thoát nghèo.

Từ đầu năm đến nay, Hội LHPN các cấp tích cực khai thác các nguồn vốn tín dụng, hỗ trợ cho hội viên phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế gia đình với tổng doanh số trên 220 tỉ đồng. Trong đó, vốn NHCSXH trên 206 tỉ đồng, vốn Ngân hàng NN-PTNT trên 14 tỉ đồng. Tổng dư nợ các nguồn vốn (tính đến 31/10/2014) trên 1.002 tỉ đồng/51.490 hộ vay, tăng gần 47 tỉ đồng so với năm 2013.

Đón chúng tôi trong căn nhà ngói mới khang trang, chị Trần Thị Công ở khu phố Bạch Đằng (phường 6, TP Tuy Hòa) tươi cười: “Cũng nhờ đồng vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) mà cuộc sống gia đình tôi mới thay đổi như ngày hôm nay”. Sự thay đổi ấy bắt đầu từ những gánh nặng trong chi phí sinh hoạt hàng ngày của gia đình đã giảm đáng kể nhờ vào quầy hàng la gim của chị Công. Năm 2010, được Hội LHPN phường 6 tạo điều kiện cho vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn của NHCSXH, chị Công mở sạp hàng bán các loại hàng la gim, rau, hành, củ quả, ớt… ở chợ phường 6. Tuy khoản thu hàng ngày từ sạp hàng rau la gim không lớn, nhưng đủ để trang trải tiền chợ búa, điện nước trong nhà. Nhờ vậy, khoản tiền từ những chuyến đi bạn (đi đánh cá thuê cho chủ tàu trên biển) của anh Phú - chồng chị và cậu con trai lớn được chị để dành, tích góp xây nhà. 3 năm sau, đến kỳ hạn hoàn trả vốn, chị Công tiếp tục đăng ký vay đáo hạn để buôn bán. Từ một hộ nghèo, nhà ở ọp ẹp, tuềnh toàng, nhờ chịu khó làm ăn, tiết kiệm, gia đình chị Công không những đã thoát nghèo mà còn xây được căn nhà ngói khang trang vững chãi với tổng trị giá trên 200 triệu đồng.

Ở khu phố Bạch Đằng, đời sống gia đình của chị Trần Thị Mộng Điệp cũng cải thiện rất nhiều kể từ khi vay ưu đãi từ NHCSXH. Chị Điệp thổ lộ: “Hồi trước, vì không có vốn nên tôi muốn buôn bán gì cũng khó. Từ ngày được Hội LHPN phường tạo điều kiện cho vay vốn, kinh tế gia đình tôi không còn túng bấn như trước nữa”. Từ công việc bán bánh canh, bánh xèo, bánh bèo của mình, chị Điệp đã có đồng ra đồng vô để lo các khoản sinh hoạt phí hàng ngày.

Chị Công, chị Điệp là hai trong số rất nhiều chị em có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn trên địa bàn phường 6 được Hội LHPN phường tạo điều kiện vay vốn làm ăn. Chị Nguyễn Thị Bé, Chủ tịch Hội LHPN phường 6, cho biết: “Hội chúng tôi đang quản lý 3,6 tỉ đồng nguồn vốn ủy thác từ NHCSXH. Hội đã tạo điều kiện cho 380 chị em trên địa bàn vay vốn làm ăn thoát nghèo. Để thực hiện tốt công tác ủy thác cho vay này, Hội LHPN phường đã phối hợp với chính quyền, các đoàn thể khác xác định đối tượng hộ nghèo, phụ nữ nghèo có đủ điều kiện vay vốn theo từng chương trình ưu đãi, giúp chị em tiếp cận nguồn vốn ưu đãi nhanh nhất. Sau khi vay xong, hội còn lồng ghép tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới về tín dụng ưu đãi, trao đổi kinh nghiệm sản xuất với các đối tượng vay vốn trong các buổi sinh hoạt ở các chi, tổ hội”.

Nhờ vay vốn làm ăn, phụ nữ nghèo trong tỉnh đã cải thiện đời sống gia đình - Ảnh: T.VĂN

Nếu như phụ nữ ở khu vực thành thị chọn các loại hình buôn bán, kinh doanh thì ở khu vực miền núi, chị em lại chọn hình thức chăn nuôi bò để cải thiện đời sống kinh tế gia đình từ nguồn vốn vay của NHCSXH và có không ít phụ nữ trở thành điển hình vượt khó, thoát nghèo. Chị Ksor H’Nay ở xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa) là một trong số những phụ nữ như vậy. Năm 2004, chị H’Nay vay 7 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH thông qua kênh Hội LHPN để nuôi bò. Qua nhiều lần vay - trả, hiện nay, gia đình chị không chỉ vượt qua cuộc sống đói nghèo, mà còn mua được cả xe máy, máy xay gạo, máy cày phục vụ sản xuất. Chị H’Nay bày tỏ: “Từ khi vay vốn của Nhà nước cộng với việc chịu khó tham gia các lớp tập huấn khuyến nông, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào việc nuôi bò, trồng lúa, bắp…, gia đình mình đã không còn khó khăn như trước nữa”. Không chỉ làm giàu cho riêng mình, chị Ksor H’Nay còn cho Mí Lan, Mí Ngà, Mí Cách - những chị em nghèo ở trong xã mượn vốn, giống làm ăn.

Theo Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đặng Thị Hồng Nga, hiện đời sống của nhiều phụnữ trên địa bàn tỉnh vẫn còn không ít khó khăn, nhất là phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, từ nhiều năm nay, các cấp Hội LHPN trong tỉnh luôn chú trọng đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, giúp phụ nữ xóa đói giảm nghèo bền vững. Bên cạnh tích cực khai thác các nguồn vốn tín dụng, các cấp hội còn phối hợp với ngân hàng, các ngành chức năng tập huấn hướng dẫn chịem kiến thức quản lý, sử dụng vốn cóhiệu quảvà chuyển giao khoa học kỹ thuật. Cùng với đó, hội còn chú trọng thực hiện phong trào “Phụ nữ tiết kiệm giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, mô hình Tổphụnữliên kết sản xuất… huy động nguồn vốn tại chỗ hỗtrợcho chịem vay không tính lãi. Với tinh thần chịu thương, chịu khó, nhiều chịđãnỗ lực vượt khó vươn lên thoát khỏi cuộc sống nghèo túng, làm giàu chính đáng, khẳng định được vai trò, vị thế của bản thân trong gia đình và ngoài xã hội.

NGỌC DUNG

Từ khóa:

Ý kiến của bạn