Biến đổi khí hậu ngày càng tác động tiêu cực đến đời sống, sản xuất của người dân. Vì vậy, việc xây dựng các giải pháp ứng phó tích cực mang tính chiến lược, bền vững là cần thiết.
TÁC ĐỘNG TRỰC TIẾP ĐẾN ĐỜI SỐNG
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) đến sản xuất nông, lâm nghiệp, năng lượng, nơi cư trú và sinh kế của người dân… đang là vấn đề được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm. Theo Sở NN-PTNT, trong các lĩnh vực trên thì ngành Nông nghiệp thu hút nhiều lao động, giải quyết việc làm và góp phần lớn trong xóa đói, giảm nghèo. Do đó, từ trước đến nay, tỉnh Phú Yên đã xây dựng 41 công trình thủy lợi và các hồ chứa nước nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp với vốn đầu tư hàng nghìn tỉ đồng. Tuy nhiên, những năm gần đây, do tác động của BĐKH, lượng mưa trung bình giảm mạnh so với các năm trước, dẫn đến nước trên các sông, trong hồ chứa thiếu hụt, diện tích đất bị hạn hán và hoang hóa ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp, nhất là đợt hạn hán vừa qua. Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Trần Thanh Định cho biết: “Trong đợt bão số 4, lượng mưa trên địa bàn huyện không đáng kể, các hồ thủy điện, thủy lợi vẫn trong tình trạng thiếu nước, thậm chí dưới mực nước chết”.
BĐKH còn có khả năng làm tăng tần số, cường độ, tính biến động và cực đoan của các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão, lũ, hạn hán… gây giảm năng suất, sản lượng, số lượng cây trồng, vật nuôi; tăng nguy cơ rủi ro cho sản xuất, thu hẹp diện tích đất nông nghiệp do nước biển dâng và nước sông nhiễm mặn. Theo Bộ TN-MT về kết quả đánh giá ảnh hưởng của nước biển dâng trong sử dụng đất ở tỉnh Phú Yên, thì đất chuyên trồng lúa nước là loại hình bị tác động mạnh nhất trong khu vực có nguy cơ ngập do nước biển dâng cao. Dự báo, giai đoạn 2020-2030, có từ 700 đến 800ha, đến giai đoạn 2050 đến 2070 có từ 900 đến 1.100ha đất bị ngập do nước biển dâng. Ngoài ra, BĐKH còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thảm thực vật và hệ sinh thái rừng; tăng nguy cơ tuyệt chủng một số loại động, thực vật, làm suy thoái các nguồn gen quý hiếm; tăng nguy cơ cháy rừng và phát tán dịch bệnh, trung bình hàng năm có từ 30 đến 40ha rừng bị cháy. BĐKH còn làm tăng tần suất bão với cường độ mạnh, gây ra hiện tượng cát bay, sóng biển và triều cường xâm thực bờ, hoang mạc hóa các vùng ven biển; tài nguyên rừng cũng bị ảnh hưởng trực tiếp, làm suy giảm diện tích đất lâm nghiệp từ 245 đến 304ha (giai đoạn 2020-2030) và từ 421 đến 543ha (giai đoạn 2050-2070).
Thực tế cho thấy, thời gian gần đây, nhiều nơi ở các vùng ven biển của tỉnh Phú Yên bị sạt lở nghiêm trọng và có xu hướng ngày càng gia tăng. Hiện toàn tỉnh có 19 khu vực bị sạt lở với phạm vi từ 300 đến 1.500m; tốc độ sạt lở hàng năm từ 10 đến 20m, có nơi từ 25 đến 35m như thôn Hòa An, xã Xuân Hòa (TX Sông Cầu); xóm Rớ, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa. Theo kế hoạch ứng phó với BĐKH tỉnh Phú Yên, ứng với mực nước biển dâng 30cm thì tỉ lệ ngập nước là 34,56km2, nước biển dâng 75cm, tỉ lệ ngập nước là 39,998km2 và nước biển dâng 100cm, tỉ lệ ngập nước sẽ lên hơn 44km2.
Theo bà Trương Thị Thu ở xóm Rớ, những năm gần đây, triều cường xuất hiện ngày càng nhiều với cường độ mạnh và bất thường hơn, làm người dân không kịp trở tay. Nếu chậm xây kè biển kiên cố, không lâu nữa, sóng biển sẽ đánh bổ trực tiếp vào khu dân cư, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân.
GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ
Theo UBND tỉnh, để ứng phó với BĐKH, nhất thiết phải xây dựng chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ; bổ sung hệ thống quản lý tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông, bao gồm cả quản lý chất lượng nước các con sông; tiếp tục xây dựng, nâng cấp các công trình thủy lợi, hồ chứa, đê, kè và phát triển cơ sở hạ tầng bảo vệ đời sống, sản xuất của người dân; đẩy mạnh áp dụng các giải pháp khoa học và công nghệ trong phòng chống lũ lụt, lũ quét, lũ ống, sạt lở, xói mòn, trôi rửa đất và hạn chế suy thoái đất; tăng cường bảo vệ, phát triển và phòng, chống cháy rừng, nhất là rừng đầu nguồn; bảo đảm quy hoạch sử dụng đất đáp ứng với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và thích ứng với BĐKH; nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo tồn năng lượng theo hướng tiết kiệm, đồng thời khai thác, sử dụng các nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo như điện mặt trời, gió; hỗ trợ ngành Nông nghiệp trên cơ sở bảo đảm nguồn nguyên liệu sản xuất, đầu tư và đổi mới công nghệ theo hướng sạch, hạn chế phát thải nhà kính; giảm phát thải không khí gây ô nhiễm cục bộ ảnh hưởng đến sức khỏe con người và khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính; quản lý chất thải và quy hoạch các khu xử lý phù hợp để ngăn ngừa ô nhiễm…
Thực hiện tốt các giải pháp trên nhằm tăng cường năng lực dự báo, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; khuyến khích áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, thông tin liên lạc; nâng cao năng lực nghiên cứu, theo dõi các biến động của tự nhiên trong phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; ngày càng phục vụ hiệu quả cho phát triển dân sinh, kinh tế - xã hội bền vững…
PHƯƠNG NAM