Việt Nam là nước có tỉ lệ người khuyết tật (NKT) cao thứ 4 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chiếm 7,8% dân số, tương đương với 6,7 triệu người.
Trong nhiều năm qua, Nhà nước ta đã nỗ lực xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật nhằm bảo đảm các quyền của NKT, qua đó cải thiện chất lượng cuộc sống, tạo thuận lợi cho NKT hòa nhập cộng đồng.
Ngày 27/11, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII đã phê chuẩn việc Việt Nam tham gia Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền của người khuyết tật. Đây là công ước quốc tế toàn diện nhất trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NKT. Việc Quốc hội phê chuẩn tham gia công ước là một trong những căn cứ pháp lý quan trọng khẳng định cam kết bảo vệ và thực thi quyền của NKT tại Việt Nam, thể hiện tư tưởng tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NKT được quy định trong Hiến pháp và nhiều văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội ban hành như Luật Người khuyết tật, Bộ luật Lao động, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Giáo dục...
Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, trong số hơn 7 tỉ người trên thế giới thì có hơn 1 tỉ người, khoảng gần 15% dân số, sống với một khiếm khuyết trên cơ thể. Và 80% trong số họ sinh sống tại các nước đang phát triển. Không thể phủ nhận rằng, những NKT nhìn chung đều là những người có sức khỏe kém hơn, có mức độ giáo dục thấp hơn và có tỉ lệ nghèo cao hơn so với người bình thường. Điều này bắt nguồn từ việc thiếu hụt các dịch vụ hỗ trợ và sự tồn tại nhiều trở ngại mà họ gặp phải trong cuộc sống hàng ngày. Cụ thể, trở ngại có liên quan đến môi trường thể chất của con người; phát sinh từ hệ thống chính sách pháp luật; bắt nguồn từ những thói quen và thái độ của cộng đồng và các vấn đề phân biệt đối xử.
Thực tế cho thấy rằng, khi các rào cản đối với sự hòa nhập của NKT được loại bỏ và họ được khuyến khích tham gia một cách đầy đủ vào đời sống thì toàn xã hội sẽ được hưởng lợi ích toàn diện. Những trở ngại mà NKT phải đối mặt không chỉ ảnh hưởng tiêu cực tới chính những người bị thiệt thòi này mà còn gây tổn hại cho toàn xã hội. Vì vậy, việc mở ra những khả năng tiếp cận toàn diện là cần thiết để đạt được tiến bộ và phát triển cho tất cả mọi người.
Ngày quốc tế NKT năm 2014 với chủ đề “Vì mục thiêu thiên niên kỷ hòa nhập: Nâng cao vị thế NKT và cộng đồng của họ khắp thế giới”, với mong muốn xã hội tạo cơ hội cho NKT có việc làm, hòa nhập cộng đồng, nhất là đối với phụ nữ, thanh thiếu niên khuyết tật trong lĩnh vực giáo dục, việc làm, chăm sóc sức khỏe.
HOÀNG LÊ (tổng hợp)