Đó là thầy giáo Nguyễn Ngọc Hân, giáo viên Ngữ văn Trường THCS Nguyễn Thế Bảo (huyện Phú Hòa). Hơn 25 năm đứng trên bục giảng, người thầy ấy không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một người truyền dạy con chữ mà còn hết lòng với công tác tư vấn, giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
“Nếu không nhận được sự quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần của thầy Nguyễn Ngọc Hân và nhóm tư vấn của trường, chắc em đã nghỉ học từ năm lớp 7 rồi”. Đó là chia sẻ của Trần Khánh Trường, học sinh lớp 9A7, Trường THCS Nguyễn Thế Bảo khi nói về sự giúp đỡ của thầy Hân đối với mình. Trường kể: Gia đình em thuộc diện hộ nghèo, cha mẹ ly hôn, em ở với bà nội. Chán nản, em đã bỏ học, trốn nhà đi lang thang 1 tuần và dự định sẽ không bao giờ đến trường nữa. Thầy Hân và các bạn trong lớp đã xuống TP Tuy Hòa tìm về rồi động viên em quay lại lớp học… Sự quan tâm của thầy đã giúp em dần ổn định về mặt tâm lý để yên tâm trong học tập. Từ chỗ là học sinh yếu, năm vừa rồi em đã vươn lên đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. “Em mơ ước trở thành một giáo viên dạy Toán để có thể giúp đỡ những bạn có hoàn cảnh tương tự như mình”, Khánh Trường bộc bạch.
Có chút e ngại khi nói về hoàn cảnh gia đình, Nguyễn Thị Trúc Thi, học sinh lớp 7A8 tâm sự: “Ba em ở tù, mẹ bị bệnh ung thư, gia đình không có khả năng cho em đi học nữa. Thông qua sự động viên, kêu gọi ủng hộ từ phía các nhà hảo tâm của thầy Hân và các thầy cô trong nhà trường, em mới có cơ hội tiếp tục được đến lớp…”.
Câu chuyện của Trần Khánh Trường và Nguyễn Thị Trúc Thi chỉ là hai trong hàng trăm câu chuyện của những học sinh có hoàn cảnh không may mắn ở Trường THCS Nguyễn Thế Bảo được tổ tư vấn học đường do thầy Nguyễn Ngọc Hân làm tổ trưởng tổ tư vấn, giúp đỡ.
Năm 2012, thực hiện Quyết định 32/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Phát triển nghề công tác xã hội ở Việt Nam giai đoạn 2010-2020, Phòng GD-ĐT huyện Phú Hòa đã chọn Trường THCS Nguyễn Thế Bảo làm đơn vị thực hiện thí điểm. Để triển khai đề án, nhà trường đã thành lập tổ tư vấn học đường và với tình yêu học trò, thầy Nguyễn Ngọc Hân đã tự nguyện nhận nhiệm vụ không hề đơn giản này.
Thầy Hân chia sẻ: “Đối với học trò ở lứa tuổi này, mọi tổn thương về tâm lý do hoàn cảnh gia đình hay tác động ngoài xã hội rất dễ khiến các em nảy sinh ý định bỏ học. Nắm bắt được điều đó, chúng tôi thường xuyên phối hợp với các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn và cán bộ lớp quan tâm phát hiện những học sinh trong nhóm này để tư vấn, giúp đỡ. Trường hợp học sinh gặp khó khăn về kinh tế, chúng tôi kêu gọi các nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ”.
Với sự cố gắng, tâm huyết của thầy Nguyễn Ngọc Hân và nhóm tư vấn học đường, từ năm học 2012 đến nay, gần 200 học sinh đã được giúp đỡ thoát khỏi nguy cơ bỏ học. Ngoài ra, thầy còn vận động các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các thầy cô trong trường nhận đỡ đầu 80 học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Nhận xét về người đồng nghiệp Nguyễn Ngọc Hân và những đóng góp của thầy cho công tác giáo dục của nhà trường, cô Đào Thị Lẹ, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Ngoài việc hoàn thành công tác chuyên môn, thầy Hân rất tâm huyết với công tác tư vấn hỗ trợ học sinh. Nhờ có công tác này nên số lượng học sinh của nhà trường luôn ổn định. Nhiều em từ chỗ học yếu, chán học đã dần xây dựng được ý thức học tập, trở thành học sinh khá…”.
Hiệu quả của hoạt động tư vấn học đường là vậy nhưng khi nói về thành tích, thầy Hân cười hiền, cho biết: “Phần thưởng và niềm vui lớn nhất của tôi cũng như các thầy cô trong tổ tư vấn là giúp đỡ được cho các em có hoàn cảnh khó khăn ổn định học tập và dần trưởng thành hơn. Đó cũng là động lực để chúng tôi tiếp tục thực hiện công việc này”.
VŨ XUÂN TRIỆU