Không còn nhiều những chiếc rớ đặt ở vùng cửa biển Đà Diễn (cửa sông Đà Rằng) như thời cực thịnh của nghề này cách đây mấy mươi năm nhưng xóm Rớ (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa), đúng như tên gọi của nó, vẫn còn những người đã và đang tiếp tục làm nghề này một cách bền bỉ.
NGHỈ ĐI BẠN VỀ LÀM RỚ
Thời gian gần đây, khi việc khai thác thủy sản bấp bênh, nguồn hải sản không còn được dồi dào như trước, mỗi chuyến biển vào bờ, sau khi đã bù tổn, mỗi người làm công thường chỉ nhận được 1 đến 2 triệu đồng. Bạn được ít tiền thì chủ tàu cũng được ít nhưng bù lại, chủ tàu được Nhà nước hỗ trợ tiền xăng dầu mỗi năm 4 chuyến biển nên ít ra cũng không bị lỗ vốn. Với mức thu nhập như vậy, những người đi bạn không đủ trang trải cuộc sống nên không còn mặn mà.
Anh Đặng Văn Long (khu phố 6, phường Phú Đông) cả năm gắn bó với chủ thuyền đi đánh bắt xa bờ, thức đêm thức hôm làm việc hết lòng nhưng nghèo vẫn cứ nghèo. Anh chia sẻ: “Đi cả chuyến biển về có khi chỉ đủ tổn. Làm vậy, chúng tôi lấy gì mà ăn. Thành ra, thôi thì tôi quay lại nghề lưới rớ truyền thống, mình làm cho mình, được bao nhiêu ăn bấy nhiêu”.
Ở vùng này, ngày trước người ta chủ yếu sống bằng nghề rớ nên mới có tên là xóm Rớ. Lúc cao điểm, cả làng có hàng trăm cái rớ. Sau, cửa biển mở rộng ra, chỗ đặt rớ ít đi nên nhiều người không làm nữa. Rồi kinh tế khấm khá dần lên, người nào có điều kiện sắm tàu to thì làm chủ, người nào không sắm được tàu thì đi bạn, làm công. Toàn bộ vùng cửa Đà Diễn giờ chỉ còn trên dưới 20 chiếc rớ.
Anh Long chia sẻ thêm: “Công việc làm rớ rất vất vả, ngay việc đặt rớ, phải 8 người làm cật lực từ 3 đến 4 ngày mới xong cái rớ. Tôi học nghề lưới rớ từ ba tôi. Còn thanh niên trong làng bây giờ ít người biết tìm vị trí đặt rớ tốt nên không mấy mặn mà với việc này”.
BỀN BỈ CÙNG NẮNG GIÓ
Đi dọc dọc một con lạch ở cửa Đà Diễn, phải cách nhau cả vài trăm mét, người ta mới thấy 1 chòi rớ đặt trên bờ. Lấp ló trong các chòi rớ là những người lao động vùng biển da đen nhẻm nhưng có nụ cười rất tươi. Bên cạnh chòi rớ được đặt trên cao là một cái lán nhỏ thấp lè tè bên dưới. Ấy là nơi ăn chốn ở của người làm rớ, nơi họ bền bỉ làm việc trong cái gió biển, nắng biển từ ngày này sang tháng nọ.
Chòi rớ được dựng lên bằng 4 trụ gỗ, 4 phía được neo bằng những sợi dây thừng. Dụng cụ để bắt cá là một tấm lưới rộng chừng 20m2, 4 cọc tre cũng dài tầm 15m và 4 sợi dây dài để giăng 4 góc lưới. Hai cọc tre gần chòi canh được cột thêm 2 sợi dây nối liền con quay với tấm lưới để người làm rớ có thể ngồi trên chòi quay rớ lên, hạ rớ xuống. Thông thường, mỗi rớ cần có 2 người làm, một người quay rớ, còn người khác bơi thúng ra gỡ cá. Nếu neo người thì một người vẫn có thể làm được nhưng phải mất nhiều thời gian quay rớ lên, xuống chòi bơi thúng gỡ cá, rồi lại lên chòi quay hạ rớ.
Ông Trần Phe (60 tuổi, người làm nghề rớ gần 30 năm), cho biết nghề rớ do ông nội của ông truyền lại. Đến đời cha ông và các anh em của ông cũng tiếp tục làm nghề này. Nhưng gần đây, dân cư đông đúc, lại xuất hiện nhiều kiểu khai thác tận diệt khiến số lượng cá ngày càng hiếm dần. Vậy nên, những giàn rớ phải làm việc cả ngày lẫn đêm chứ không tập trung làm đêm như ngày trước, cứ 20 đến 30 phút là quay rớ một lần. Thùng xốp có đá họ để sẵn trong lều, cất rớ được bao nhiêu cá họ cho hết vào thùng, chở ra chợ.
Anh Lê Tân 40 tuổi, ở phường 6 (TP Tuy Hòa) chỉ vào cái lán, cho biết ấy là nơi anh đã ăn ở để làm việc từ thời thanh niên tới giờ. Tính ra anh đã gắn bó với nghề trên dưới 20 năm. Thời gian anh Tân ở lán còn nhiều hơn ở nhà. Gia đình anh có cả thảy 3 cái rớ đặt gần nhau trên cùng một con lạch nên anh cứ chạy qua chạy lại suốt. “Nghề này thu nhập không bao nhiêu, nhưng cũng đủ trang trải cuộc sống. Được cái nghề này không xô bồ, cạnh tranh với người khác nên tui chọn nó để gắn bó”, anh Tân tâm sự, rồi bơi thúng đi gỡ cá. Anh dùng một cây nhỏ đập đập vào rớ để nước không rơi xuống đầu và nhẹ nhàng gỡ từng con cá cơm ra khỏi lưới. Vừa đập, anh vừa nói: “người làm rớ cần nhất là phải thạo việc quan sát, theo dõi luồng nước, luồng cá đi, thấy cá vào rớ là quay cất rớ ngay, vậy mới có ăn”. Khi rớ đã cất hẳn lên mặt nước, bên trong chỉ có vài con cá cơm, một con cua, vài con cá liệt, anh Tân cười bẽn lẽn, cho biết thêm: Nghề rớ chủ yếu bắt được các loại cá nhỏ như cá liệt, cá úc, cá móm, cua, tôm, nhiều hôm trúng thì bắt được cá lớn đến mươi ký… bán cũng được khá. Bình quân, một đêm làm việc siêng năng và cật lực người làm rớ kiếm được 100.000 đồng sau buổi chợ sớm của vợ.
THÁI HÀ