Nhân dịp Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) diễn ra tại TP Brisbane, bang Queensland, trong 2 ngày 15-16/11, Hội doanh nhân Việt Nam tại Úc (VBAA) đã gửi thư tới Thủ tướng Úc Tony Abbott cũng như các nhà lãnh đạo và đại biểu dự hội nghị để bày tỏ quan ngại về những diễn biến mới đây trên biển Đông làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Trong thư, VBAA khẳng định biển Đông là tuyến hàng hải huyết mạch rất quan trọng đối với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Úc và các nền kinh tế G20 khác. VBAA cho rằng nguy cơ xung đột trên biển Đông có thể làm gián đoạn các dòng lưu thông hàng hóa, gây hậu quả khó lường tới các nền kinh tế khu vực và thế giới, thậm chí còn có thể khiến xu hướng hồi phục kinh tế toàn cầu bị đảo ngược. Vì thế, tranh chấp tại biển Đông là mối quan ngại cho tất cả các bên.
VBAA kêu gọi Úc, hiện là Chủ tịch G20 và Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cần khẳng định mạnh mẽ lợi ích chung của Canberra và Nhóm G20 trong việc duy trì hòa bình, ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, thương mại hợp pháp không bị cản trở, tự do hàng hải và hàng không trên biển Đông. Theo VBAA, với uy tín và sức mạnh toàn cầu, Úc cần lên tiếng phản đối các hành động đơn phương thay đổi hiện trạng biển Đông bằng cách đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, ủng hộ các bên giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại. VBAA cũng đề nghị Úc kêu gọi các bên hợp tác trong việc đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải tại biển Đông.
Ngoài bức thư trên của VBAA, nhiều du học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập và sinh sống tại Úc, trong đó có sinh viên, nghiên cứu sinh tại trường Đại học Griffith, Đại học Queensland, Đại học Công nghệ Queensland… cũng đã ký vào thư ngỏ do Hội sinh viên Việt Nam tại trường Đại học Griffith soạn thảo và gửi tới G20 nhằm giúp bè bạn quốc tế hiểu hơn về tình hình biển Đông, qua đó ủng hộ Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Nội dung thư ngỏ kêu gọi Úc và G20 khuyến khích các bên có tranh chấp trên biển Đông tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và hợp tác hướng tới Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) trên cơ sở đồng thuận.
Theo TTXVN/Vietnam+