Thứ Năm, 16/01/2025 07:07 SA
Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm
Thứ Bảy, 15/11/2014 14:00 CH

Học viên thực hành kỹ thuật cắt may túi áo. Trong ảnh: Lao động nữ ở xã Hòa Mỹ Đông (huyện Tây Hòa) học lớp may công nghiệp - Ảnh: N.DUNG

Đề án 1956 về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” và Đề án 295 về “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm, giai đoạn 2010-2015” của Chính phủ là một trong những tiền đề để giúp phụ nữ ở các địa phương trên địa bàn tỉnh xóa đói giảm nghèo.

 

Năm 2012, chị Nguyễn Thị Thúy ở thôn Ngọc Phong (xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa) được Hội LHPN xã Hòa Kiến giới thiệu học lớp cắt may công nghiệp - dân dụng do Hội Phụ nữ phối hợp với Trung tâm dạy nghề thành phố tổ chức. Sau 3 tháng học, có chứng chỉ nghề, chị mở rộng cơ sở may của gia đình. Chị Thúy thổ lộ: “Trước đây, tôi đã biết kỹ thuật cắt may cơ bản nhưng nhờ tham gia lớp cắt may này, tay nghề của tôi được nâng cao hơn trước. Nhờ vậy mà tôi tự tin mở rộng cơ sở quần áo may sẵn tại nhà”. Hiện tại, trung bình mỗi tháng cơ sở may của chị Thúy thu hút từ 5 đến 7 lao động nữ ở địa phương tham gia, nhưng đến thời gian cao điểm như trong dịp tết thì lên đến 10 nhân công. Bình quân, mỗi nhân công thu nhập trên dưới 2 triệu đồng/tháng, còn thu nhập của vợ chồng chị Thúy được cải thiện hơn trước rất nhiều.

 

Không có điều kiện để mở tiệm may tại nhà như chị Thúy, sau khi tốt nghiệp khóa học cắt may do Trung tâm Dạy nghề huyện Tây Hòa tổ chức ở địa phương, chị Trần Thị Bình ở xã Hòa Mỹ Đông (huyện Tây Hòa) được trung tâm giới thiệu vào Xí nghiệp may An Phát thuộc Công ty cổ phần An Hưng đóng tại xã Hòa Phong làm việc. Hàng tháng, chị Bình được trả lương theo sản phẩm làm ra với mức thu nhập trên 2 triệu đồng. Chị Bình phấn khởi: “Có công việc làm gần nhà, tôi lại có điều kiện gần gũi chăm sóc con nhỏ. Cuộc sống vợ chồng tôi ổn định hơn trước nhiều”.

 

Không chỉ có chị Thúy, chị Bình mà phụ nữ nghèo, phụ nữ các gia đình chính sách, ở vùng sâu vùng xa, vùng bị thu hồi đất canh tác… ở nhiều địa phương trong tỉnh cũng cùng chung tâm trạng phấn khởi khi được tham gia các lớp học nghề miễn phí do trung tâm dạy nghề phối hợp với địa phương tổ chức. Tham gia các lớp học này, chị em không chỉ được miễn toàn bộ học phí, mà còn được hỗ trợ nguyên vật liệu thực hành. Sau khi tốt nghiệp khóa học, các trung tâm và hội phụ nữ ở địa phương còn kết nối giới thiệu việc làm cho người lao động. Với những nghề như nấu ăn, chăn nuôi gia súc, gia cầm… sau khi học, chị em có thể chủ động tạo việc làm, kinh doanh, chăn nuôi tại nhà để nâng cao nguồn thu nhập cho gia đình.

 

Nhiều phụ nữ nghèo nông thôn cải thiện được cuộc sống nhờ chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình - Ảnh: T.VĂN

 

Theo số liệu thống kê của Hội LHPN tỉnh, từ năm 2010 đến nay, các cấp hội phụ nữ đã phối hợp với các ngành chức năng, các trung tâm, cơ sở dạy nghề trong tỉnh mở 144 lớp dạy nghề ngắn hạn về cắt may dân dụng - công nghiệp, dạy nấu ăn, đan mây tre, đan chiếu, sản xuất bún tươi, trồng nấm, trồng rau an toàn, chăn nuôi gia súc, gia cầm… cho 4.940 phụ nữ. Đồng thời phối hợp với các ngành tư vấn, giới thiệu việc làm cho 8.843 chị có việc làm tại các công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Qua các lớp đào tạo nghề, phụ nữ nông thôn đã biết áp dụng những kiến thức, kỹ năng được học vào thực tiễn sản xuất, hướng đến giảm nghèo bền vững.

 

Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Phương Liên cho biết: Các lớp dạy nghề được mở theo Đề án 1956 về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” và Đề án 295 về “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm, giai đoạn 2010-2015” của Chính phủ. Có thể nói 2 đề án này là đòn bẩy trong công tác xóa đói giảm nghèo cho phụ nữ ở các địa phương. Vì vậy, từ khi triển khai, Hội LHPN tỉnh đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng triển khai các hoạt động đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho lao động nữ, đặc biệt là phụ nữ trong các gia đình nghèo ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng bị thu hồi đất đầu tư cho các dự án… Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo Hội LHPN cơ sở khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề, việc làm của hội viên, phụ nữ trong tỉnh. Dựa trên kết quả khảo sát ở các cơ sở hội, Hội LHPN tỉnh đề xuất với Sở LĐ-TB-XH chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở dạy nghề trong tỉnh xây dựng kế hoạch, chương trình theo nhu cầu học nghề của lao động nữ tại các địa phương. Tỉnh hội còn trực tiếp truyền thông 96 nhóm nhỏ tại cộng đồng dân cư cho trên 4.800 cán bộ, hội viên, phụ nữ ở 9 huyện, thị, thành phố về vấn đề này. Các cấp hội còn lồng ghép nội dung các đề án này trong các buổi sinh hoạt chi, tổ hội, nhóm phụ nữ tiết kiệm, tổ tiết kiệm và vay vốn, các mô hình câu lạc bộ phụ nữ… nhằm góp phần bảo đảm quyền được học nghề và có việc làm của phụ nữ trong Luật Bình đẳng giới; tăng tỉ lệ lao động nữ được đào tạo nghề; tạo cơ hội cho chị em có thu nhập ổn định, giúp xóa đói, giảm nghèo và nâng cao vị thế phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.

 

LAN KHANH

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek