Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, ngày 13/6/2014, các ĐBQH thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Luật sửa đổi lần này có những nội dung mang tính đột phá mạnh mẽ để khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật BHYT cũ, tạo cơ chế pháp lý để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.
Quy định bắt buộc tham gia BHYT: Đây là điểm mới quan trọng của luật lần này, thể hiện quyết tâm chính trị nhằm thúc đẩy thực hiện BHYT toàn dân theo tinh thần của Hiến pháp 2013 và Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị.
Kinh nghiệm của các nước đã thực hiện BHYT thành công cho thấy, chỉ bắt buộc mới có thể tiến tới BHYT toàn dân. Không có quốc gia nào thực hiện thành công BHYT dựa trên cơ sở tự nguyện. Tính pháp lý của việc bắt buộc này mang ý nghĩa nhân văn, vì lợi ích chăm sóc sức khỏe cho người dân, chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng cũng như các quy định bắt buộc tiêm chủng với phụ nữ có thai và trẻ em.
Để thực hiện mục tiêu này, Luật BHYT quy định bắt buộc cùng với quy định giảm mức đóng, Nhà nước hỗ trợ ngân sách cho một số nhóm đối tượng tham gia BHYT, sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình mở rộng đối tượng, thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân và đảm bảo an sinh xã hội.
Quy định, khuyến khích tham gia BHYT theo hộ gia đình: Đây là hình thức mà các quốc gia hiện nay đang thực hiện để bao phủ, chăm sóc sức khỏe. Luật BHYT cũ đã quy định việc tham gia BHYT theo hộ gia đình nhưng chưa quy định bắt buộc 100% thành viên phải tham gia, nên tính tuân thủ chưa cao, chỉ có người ốm mới tham gia BHYT, tạo nên tình trạng lựa chọn ngược.
Để khắc phục tình trạng cấp trùng thẻ BHYT, luật quy định một số đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình và quy trách nhiệm của UBND cấp xã lập danh sách các đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình thay cho quy định các cơ quan, tổ chức, đơn vị lập danh sách tham gia BHYT của các đối tượng theo hình thức cá nhân.
Việc tham gia theo hộ gia đình còn giúp các cơ quan quản lý thực hiện việc đăng ký, quản lý các nhóm đối tượng thống nhất, không bỏ sót và tránh được cấp trùng thẻ BHYT.
Bổ sung đối tượng tham gia BHYT: Để đảm bảo sự bình đẳng giữa các đối tượng trước pháp luật và thống nhất việc quản lý, tổ chức thực hiện chính sách BHYT trong hệ thống, luật đã huy động thêm lực lượng công an, quân đội phải tham gia BHYT và Chính phủ quy định lộ trình tham gia BHYT phù hợp với đặc thù của lực lượng này. Cùng với đó, luật cũng bổ sung thêm đối tượng đang sinh sống tại vùng kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn được ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT.
Về BHYT đối với trẻ em dưới 6 tuổi: Luật quy định trẻ dưới 6 tuổi được quỹ BHYT chi trả cho điều trị lác, cận thị, tật khúc xạ của mắt. Trong trường hợp trẻ đủ 72 tháng chưa đến kỳ nhập học thì thẻ BHYT sẽ có giá trị đến ngày 31/9 của năm đó, tạo điều kiện cho trẻ được chăm sóc sức khỏe đến khi thẻ hết hạn. Luật cũng bổ sung trách nhiệm của UBND xã phải lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT đồng thời với việc cấp giấy khai sinh cho trẻ.
Tăng quyền lợi BHYT và mức hưởng BHYT: Quy định này nhằm giảm gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh; tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế với một số đối tượng như: người có công, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người thuộc diện bảo trợ xã hội,… nhất là với những người mắc bệnh nặng, bệnh mạn tính (chạy thận nhân tạo chu kỳ, ung thư, bệnh nội tiết,…) do không có khả năng chi trả cũng như tính phức tạp trong việc tổ chức thực hiện. Luật sửa đổi quan tâm nhiều đến quyền lợi của người tham gia BHYT như: bỏ quy định cùng chi trả 5% với người nghèo, dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; bỏ quy định cùng chi trả 20% với thân nhân người có công là cha mẹ đẻ, hoặc vợ (chồng), con của liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; giảm mức cùng chi trả từ 20% xuống còn 5% với thân nhân của người có công khác và người cận nghèo.
Luật lần này cũng quy định: Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám chữa bệnh (tương đương với khoảng 7 triệu đồng). Đây là quy định hết sức mới để bảo vệ, hỗ trợ người bệnh trước rủi ro tài chính.
Luật còn bổ sung quy định Quỹ BHYT thanh toán trong các trường hợp tự tử, tự gây thương tích, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Mở thông tuyến khám chữa bệnh BHYT: Đây là quy định hết sức quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Cụ thể, từ 1/1/2016 mở thông tuyến giữa xã, huyện trên cùng địa bàn tỉnh cho người tham gia BHYT. Với người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn, đặc biệt, huyện đảo, xã đảo có cơ chế được mở thông tuyến khám chữa bệnh từ xã, huyện, tỉnh lên Trung ương trên phạm vi cả nước. Từ 1/1/2021, mở thông tuyến tỉnh trên toàn quốc và nâng mức hưởng đối với người tham gia BHYT tự đi điều trị nội trú tại tuyến tỉnh và Trung ương.
BS PHẠM MINH HỮU
(Sở Y tế Phú Yên)