Thứ Năm, 16/01/2025 17:39 CH
Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định:
Doanh nghiệp và người lao động cùng có lợi
Thứ Năm, 16/10/2014 10:30 SA

Hoạt động chăm sóc sức khỏe là một trong những cách tạo mối quan hệ lao động hài hòa giữa doanh nghiệp và người lao động - Ảnh: T.THẢO

Tranh chấp lao động (TCLĐ) là những bất đồng đến cực điểm giữa người lao động (NLĐ) và người quản lý. Điều này gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp (DN) và NLĐ. Vì vậy, việc xây dựng mối quan hệ lao động (QHLĐ) hài hòa, ổn định là rất cần thiết. Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thu Vân, Chủ tịch LĐLĐ Phú Yên, về vai trò của tổ chức Công đoàn trong giải quyết vấn đề này.

 

* Lâu nay, QHLĐ trong doanh nghiệp (DN) vẫn được các bên cố gắng giữ ở mức hài hòa, ổn định. Tuy nhiên, trong thực tế, TCLĐ vẫn xảy ra. Vậy công đoàn đã làm gì để góp phần giải quyết vấn đề này, thưa bà?

 

- Khi QHLĐ giữa chủ doanh nghiệp, người quản lý với NLĐ không hài hòa về lợi ích sẽ dẫn đến mâu thuẫn và TCLĐ là tất yếu. Nếu TCLĐ không được hòa giải kịp thời thì có thể thành những xung đột hoặc ngấm ngầm phá hoại, lãn công, đình công... gây thiệt hại cho các bên và xã hội. Do vậy, giải quyết các TCLĐ là vấn đề quan trọng nhằm tạo dựng mối QHLĐ tốt đẹp trong xã hội công nghiệp. Chỉ thị 22-CT/TW ngày 5/6/2008 của Ban Bí thư (Chỉ thị 22) ra đời đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng QHLĐ hài hòa, ổn định, tiến bộ trong DN, góp phần giải quyết tốt các xung đột, TCLĐ trong các DN.

 

Thực hiện Chỉ thị 22, Tổng LĐLĐ Việt Nam có Kế hoạch 1233-KH, Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch 47-KH/TU ngày 6/8/2008 và Công văn 583-CV/TU ngày 7/4/2010 về nội dung này. Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã quán triệt các văn bản trên đến các cấp công đoàn, DN và NLĐ; thường xuyên làm việc với các cấp ủy đảng, chính quyền, phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể nhằm phối hợp xây dựng mối QHLĐ hài hòa, ổn định, tiến bộ gắn với thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW về xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước. Đây là nhiệm vụ vừa có tính cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược của hệ thống tổ chức công đoàn.

 

* Bà có thể cho biết kết quả cụ thể của những việc làm này từ năm 2008 đến nay?

 

- Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong đội ngũ CNVCLĐ được các cấp công đoàn đẩy mạnh với nhiều nội dung, hình thức thiết thực. Hàng năm, “Tháng công nhân” được tổ chức ở cơ sở và trở thành ngày hội của NLĐ, gắn kết NLĐ với DN và công đoàn. Các cấp công đoàn đã tổ chức 1.760 buổi tuyên truyền, phát hàng ngàn tờ rơi, thu hút gần 190.000 lượt đoàn viên, NLĐ tham gia; đẩy mạnh tuyên truyền sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thông qua bản tin công đoàn, chuyên mục Lao động và Công đoàn trên các báo, đài phát thanh, truyền hình.

 

Triển khai đề án Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và tự giác chấp hành pháp luật lao động của NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ). Công đoàn chủ động phối hợp, tham gia xây dựng các chính sách, quy định, quy chế, thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT), nội quy lao động về việc làm, tiền lương, nhà ở,…; phối hợp, hướng dẫn các DN tổ chức hội nghị dân chủ, đại hội CNVC; ký TƯLĐTT (DNNN: 100%; DN FDI: 26,67%; DN tư nhân: 1,51%).

 

Công đoàn các cấp đã tiến hành 6.515 cuộc kiểm tra chấp hành điều lệ, quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công đoàn. Công đoàn các cấp đã thành lập 1 văn phòng, 23 tổ tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho 941 NLĐ, giải quyết 158 đơn thư, đem lại quyền lợi cho 258 NLĐ; phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động hàng năm tại các DN; giải quyết kịp thời 3 vụ lãn công về tiền lương.

 

Ngoài ra, công đoàn các cấp còn chú trọng công tác giúp đỡ đoàn viên có việc làm ổn định, thoát nghèo thông qua các chương trình thăm, tặng quà; hỗ trợ xây nhà từ các quỹ Mái ấm Công đoàn, Tấm lòng vàng, Tương trợ… với số tiền hàng tỉ đồng. Công tác vận động thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS), phát triển đoàn viên khu vực ngoài nhà nước, FDI được tăng cường. Qua đó, 10.296 đoàn viên được kết nạp, thành lập 69 CĐCS, 5 nghiệp đoàn nghề cá.

 

Về công tác đào tạo, đã mở 174 lớp chuyên đề, nghiệp vụ cho 31.066 cán bộ công đoàn và NLĐ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.

 

* Là tổ chức bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của NLĐ, công đoàn sẽ có những biện pháp cụ thể nào để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ này trong thời gian tới?

 

- Hiện nay, công tác chăm lo về nhà ở, nhà trẻ, trạm xá, nơi sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao cho NLĐ còn hạn chế; việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho NLĐ chưa được quan tâm đúng mức. Ở góc độ DN, có nơi việc thực hiện pháp luật lao động chưa nghiêm; cơ chế đối thoại, ký kết TƯLĐTT, xây dựng đăng ký thang lương, bảng lương, nội quy lao động chưa đúng quy định. Một số CĐCS chưa chủ động tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, NSDLĐ nên việc triển khai các chỉ thị, nghị quyết; tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho NLĐ khu vực kinh tế tư nhân gặp nhiều khó khăn.

 

Những hạn chế trên có rất nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan, điều này làm cho mối QHLĐ trong DN bị rạn nứt, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến TCLĐ.

 

Để xây dựng mối QHLĐ hài hòa, ổn định, tiến bộ, theo tôi cần tiến hành các giải pháp đồng bộ. Trước hết là nâng cao năng lực cho cơ quan quản lý nhà nước về QHLĐ. Đối với tổ chức Công đoàn, tăng cường năng lực, nhất là năng lực thương lượng, đàm phán; hình thành đội ngũ thương lượng chuyên trách ở cấp ngành, cấp tỉnh để hỗ trợ CĐCS. Đối với đại diện NSDLĐ, cần định rõ tổ chức đại diện cho mình ở các cấp để hình thành cơ chế ba bên trong đối thoại, thương lượng. Thứ hai là hình thành và tăng cường năng lực cho hệ thống cơ quan, tổ chức về QHLĐ; cung cấp dịch vụ miễn phí, hòa giải khi có TCLĐ. Nhà nước cần thực hiện giải pháp về chính sách thị trường lao động, cải thiện điều kiện về nhà ở, nhu cầu văn hóa, xã hội… cho NLĐ. Thứ ba, tăng cường năng lực cho tổ chức CĐCS và cán bộ công đoàn về kỹ năng đàm phán và vị thế đàm phán. Đối với NLĐ cần nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, kiến thức pháp luật. Thứ tư, tăng cường kiểm tra, thanh tra những DN có dấu hiệu vi phạm về Luật Lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội và các chế độ khác đối với NLĐ; thực hiện nghiêm quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Thứ năm, hoàn thiện cơ chế áp dụng và tổ chức thực hiện pháp luật lao động, trong đó chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, những quy định về hợp đồng lao động, TƯLĐTT...

 

* Xin cảm ơn bà!

 

THÙY THẢO (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek