Đại hội đại biểu Hội Nạn nhân chất độc (NNCĐ) da cam/dioxin tỉnh Phú Yên lần thứ III nhiệm kỳ 2014-2019 được tiến hành trong 2 ngày 14 và 15/10. Trước thềm đại hội, Báo Phú Yên phỏng vấn ông Nguyễn Việt Khanh, Chủ tịch Hội NNCĐ da cam/dioxin tỉnh về một số nội dung liên quan.
* Xin ông cho biết, qua 1 nhiệm kỳ hoạt động, hội đã thu được những kết quả quan trọng gì?
- Trong nhiệm kỳ II (2010-2015), Hội NNCĐ da cam/dioxin đã tập trung vào 2 nhiệm vụ trọng tâm là vận động cộng đồng xã hội trong tỉnh, trong nước và quốc tế hưởng ứng mạnh mẽ, ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân da cam; đồng hành tham gia ủng hộ vụ kiện các công ty hóa chất của Mỹ sản xuất chất độc hóa học cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Trung ương Hội NNCĐ da cam/dioxin Việt Nam, Hội NNCĐ da cam/dioxin tỉnh đã tăng cường công tác tổ chức xây dựng hội các cấp và nâng cao chất lượng hoạt động. Cụ thể, đến tháng 1/2014, các huyện, thị xã, thành phố đã tiến hành thành công đại hội lần thứ 2 (nhiệm kỳ 2013-2018); tổ chức thành lập, xây dựng được 68/112 xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh phát triển được 3.329 hội viên, trong đó, có 3 hội viên là người nước ngoài; cán bộ hội các cấp phát huy tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, sáng tạo tận tụy với công việc, nâng cao vai trò tiên phong, gương mẫu, hoạt động hết lòng vì nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam.
Công tác tuyên truyền đã góp phần quan trọng, là động lực nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về hậu quả chất độc da cam/dioxin, tạo sự cảm thông, chia sẻ và quan tâm của cộng đồng xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân về tinh thần lẫn vật chất.
Bên cạnh đó, hội xác định vụ kiện của NNCĐ da cam/dioxin Việt Nam đối với 37 công ty hóa chất của Mỹ là một cuộc đấu tranh lâu dài, khó khăn gian khổ, phức tạp. Đời chúng ta chưa đạt được thì thế hệ con cháu mai sau sẽ tiếp tục, kiên trì đấu tranh bền bỉ, quyết tâm giành thắng lợi đến cùng; cấp ủy, chính quyền các cấp, đoàn thể, ban, ngành quan tâm tạo điều kiện và phối hợp với hội làm tất cả vì nạn nhân da cam.
Hội NNCĐ da cam/dioxin tỉnh tặng quà cho nạn nhân da cam ở xã Sơn Long (huyện Sơn Hòa). - Ảnh: K.LIÊN |
* Ông có thể cho biết cụ thể hơn về công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và gia đình nạn nhân, trong thời gian qua?
- Công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam đã được xã hội hóa với nhiều nội dung, hình thức, mô hình tổ chức đa dạng, đời sống nạn nhân được quan tâm hơn, giảm bớt khó khăn về vật chất, đỡ bức xúc về tinh thần; giải quyết chế độ cho người hoạt động kháng chiến, con của người hoạt động kháng chiến và trợ cấp xã hội cho nạn nhân là nhân dân. Công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân được sự quan tâm đúng mức, vận dụng một cách năng động, sáng tạo bằng mọi hình thức, phương thức giúp đỡ nạn nhân như: hỗ trợ bằng nguồn vốn của hội cho các gia đình vay vốn sản xuất cải thiện đời sống, không tính lãi, sau 3 năm, hội thu hồi vốn để chuyển giao cho các hộ gia đình nạn nhân khác.
Về hoạt động xây dựng nhà và sửa chữa nhà cho nạn nhân da cam, hội các cấp điều tra, khảo sát và thống kê, lập danh sách chính xác từng đối tượng, hộ gia đình có nhà ở tạm bợ, dột nát, nạn nhân nghèo, khó khăn đặc biệt và lập hồ sơ thủ tục xác nhận từ cơ sở. Xem xét nguồn tài chính ủng hộ của các tổ chức, tỉnh hội sẽ phân bổ cho hội các cấp tiến hành xây dựng, sửa chữa, góp phần xóa nhà tạm bợ, dột nát ở các địa phương trong tỉnh, thực hiện tốt chương trình an sinh xã hội; hỗ trợ cho nạn nhân khám chữa bệnh hiểm nghèo, điều trị phẫu thuật ở bệnh viện trung ương và địa phương. Trong nhiệm kỳ qua, tổng số tiền ủng hộ nạn nhân da cam trên địa bàn tỉnh hơn 7 tỉ đồng, trong đó, thông qua Quỹ Nạn nhân da cam/dioxin là hơn 5,2 tỉ đồng. Theo đó, xây dựng và sửa chữa 61 ngôi nhà, tặng 50 sổ tiết kiệm, tặng quà nhân các ngày lễ, tết gần 7.000 suất… Những hành động thiết thực này đã góp sức xoa dịu nỗi đau da cam và thể hiện trách nhiệm của toàn xã hội.
* Trong nhiệm kỳ này, Hội NNCĐ da cam/dioxin tỉnh cần phải làm gì để giúp nạn nhân da cam được hưởng lợi nhiều hơn, thưa ông?
- Trong nhiệm kỳ tới, hội vẫn tiến hành 2 nhiệm vụ trọng tâm: chăm sóc giúp đỡ nạn nhân tốt hơn trong cuộc sống; cùng Trung ương Hội ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam. Thực hiện tốt các mục tiêu, đó là tập trung củng cố, kiện toàn việc xây dựng, tổ chức thành lập hội cơ sở xã, phường, thị trấn, nâng cao vị thế của tổ chức xã hội mang tính đặc thù; thường xuyên thực hiện và tiến hành điều tra, khảo sát tình hình đời sống nạn nhân, lập danh sách nạn nhân được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng; vận động, chăm lo giúp đỡ nạn nhân trong cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày thông qua các chế độ, chính sách, các hoạt động nhân đạo - từ thiện - xã hội”; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú và quản lý hiệu quả tài chính. Cụ thể, phấn đấu 100% hội cấp xã, phường, thị trấn được thành lập; kết nạp từ 4.500 đến 4.700 hội viên thuộc các hội huyện, thị xã, thành phố, phát triển từ 40 đến 60 tình nguyện viên, cộng tác viên và các nhà tài trợ tham gia công tác hội; phấn đấu quyên góp quỹ hội từ 1,44 đến 1,78 tỉ đồng.
Với chủ đề của đại hội “Đoàn kết - nghĩa tình - trách nhiệm vì NNCĐ da cam/dioxin Phú Yên” tin tưởng rằng các nạn nhân da cam sẽ được chăm sóc, giúp đỡ nhiều hơn nữa và cuộc đấu tranh đòi công lý sẽ đi đến thắng lợi cuối cùng.
* Xin cảm ơn ông!
THÙY THẢO (thực hiện)