Không có một giải pháp bền vững nào cho các vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị nếu không có sự tham gia đầy đủ, trao quyền hoàn toàn cho phụ nữ. Có thể nói, tầm quan trọng của việc thiết lập bình đẳng giới, không chỉ vì công bằng, tôn trọng nhân quyền, mà đây là điều kiện quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc (LHQ), mặc dù hiện nay thế giới đã đạt được những tiến bộ đáng ghi nhận về bình đẳng giới như nhiều phụ nữ có việc làm, giữ các vị trí quan trọng, nhiều trẻ em gái được đến trường nhưng sự tiến bộ này vẫn còn chậm và chưa đồng đều. Dù từ đâu đến, các trẻ em gái sinh ra hôm nay vẫn đối mặt với những nguy cơ bất bình đẳng và phân biệt đối xử. Trong khi đó, trao quyền cho phụ nữ, trẻ em gái và khuyến khích sự tham gia đầy đủ của họ có thể giúp giải quyết những thách thức lớn nhất của thế kỷ XXI, cũng như tìm thấy giải pháp lâu dài cho nhiều vấn đề mà thế giới phải đối mặt. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nói rằng: “Tôn trọng nhân quyền và bình đẳng giới không phải là lý tưởng, không thể đạt được. Thay vào đó, chính các chính phủ, LHQ và mỗi con người bảo đảm để nó trở thành hiện thực”. Cùng quan điểm với ông Ban Ki-moon, bà Phumzile Mlambo-Ngcuka, Giám đốc điều hành Cơ quan LHQ về phụ nữ cũng cho rằng, không có lý do gì chúng ta không tiếp tục tạo ra sự thay đổi cho một nửa dân số thế giới này. Cùng với nhau, chúng ta phải bảo đảm rằng mỗi phụ nữ được an toàn và không có bạo lực về giới. Các quyền cơ bản của mỗi phụ nữ phải được tôn trọng.
Thực tế cho thấy, các quốc gia, nơi phụ nữ được đối xử bình đẳng với nam giới có tăng trưởng kinh tế tốt hơn. Phụ nữ thường dành phần lớn thu nhập của mình để bảo đảm cho con cái và gia đình họ; tăng cường sự tham gia của họ trong lực lượng lao động, góp phần tăng trưởng kinh tế và sẽ giảm đáng kể tình trạng nghèo đói trên toàn cầu. Bên cạnh đó, việc mở rộng giáo dục sẽ giúp trẻ em gái và phụ nữ nâng cao tri thức, xóa bỏ đói nghèo, lạc hậu cũng như thúc đẩy các cơ hội nâng cao vị thế của phụ nữ, hướng đến một thế giới an toàn và bình đẳng hơn.
Hướng đến mục tiêu “Tăng cường bình đẳng giới và nâng cao năng lực, vị thế cho phụ nữ” mà LHQ đang kêu gọi cả thế giới cam kết thực hiện, cùng với Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ phụ nữ Việt Nam, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh Phú Yên đã và đang tích cực triển khai Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 với 7 mục tiêu, 22 chỉ tiêu phân công cho các sở, ngành liên quan thực hiện. Sau 3 năm triển khai, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan, nhất là trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục - đào tạo, y tế… Cụ thể, ở lĩnh vực chính trị, tỉ lệ nữ tín nhiệm vào cấp ủy đảng các cấp nhiệm kỳ 2010-2015: cấp tỉnh 7,27%, cấp huyện, thị xã, thành phố 13,15%, cấp xã là 16,62%. Tỉ lệ nữ ĐBQH nhiệm kỳ 2011-2016 là 16,66%. Riêng tỉ lệ nữ Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 đều tăng so với nhiệm kỳ trước. Cụ thể, cấp tỉnh là 30% (tăng 3,47%); cấp huyện 23,88% tăng (5,53%); cấp xã 19,27% (tăng 6,97%). Ở lĩnh vực lao động việc làm, tỉ lệ lao động nữ được đào tạo/tổng số lao động năm 2013 là 48,2%, tăng 6,8% so với năm 2011; Tỉ lệ nữ lao động qua đào tạo nghề/tổng số lao động được đào tạo nghề năm 2013 là 35,03%, tăng 6% so với năm 2011. Tỉ lệ lao động nữ có việc làm chiếm 61% trong tổng số 69.708 lao động có việc làm trong giai đoạn 2011-2013. Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, hiện nay sự chênh lệch về học sinh nam nữ trong tất cả các cấp học được thu hẹp lại. Số học sinh nữ bỏ học giữa chừng ở cấp tiểu học và trung học cơ sở ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã giảm. Tỉ lệ nữ có trình độ đại học, cao đẳng năm 2013 chiếm 36,5%; lực lượng nữ trong đội ngũ cán bộ giáo viên, giảng viên các trường học và trong ngành văn hóa xã hội chiếm khá cao…
Bà Đặng Thị Kim Chi, Phó trưởng đoàn ĐBQH Phú Yên, cho biết: Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì công tác bình đẳng giới vẫn còn không ít thách thức. Thực tế, khoảng cách giới hiện nay vẫn còn khá phổ biến, nhất là ở những vùng nông thôn, vùng sâu xùng xa. Tình trạng bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái và tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại. Chính điều này kéo theo không ít hệ lụy như chọn lựa giới tính trước khi sinh hay ưu tiên cho con trai đi học, còn con gái chịu thiệt trong việc học và tiếp cận các cơ hội nghề nghiệp. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc phụ nữ khẳng định vị thế bản thân trong gia đình và xã hội. “Trong thời gian tới, các cấp, các ngành cũng như từng thành viên trong Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh cần chung tay, góp sức để các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới của tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011-2020 đạt kết quả tốt nhất” - ông Trần Quang Nhất, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh, chia sẻ.
LAN KHANH