Theo thông tin từ Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, từ năm 2000 đến 2014 cả nước đã xảy ra 250 đợt lũ quét, sạt lở đất, làm chết và mất tích 646 người, bị thương gần 351 người; gây thiệt hại về kinh tế trên 3.300 tỉ đồng.
Các tỉnh thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất nhất gồm: Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Bắc Cạn, Yên Bái, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Thuận.
Thông tin này vừa được công bố tại "Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống lũ, lũ quét và sạt lở đất khu vực miền núi năm 2014" do Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương phối hợp với Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn tổ chức sáng 20/8, tại Hà Nội.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, trong những năm gần đây, tình hình thiên tai ở các tỉnh miền núi Việt Nam ngày càng diễn ra phức tạp. Đặc biệt là hiện tượng trượt lở đất, đá, lũ, lũ quét xảy ra thường xuyên gây tổn thất nghiêm trọng về người, tài sản và môi trường sinh thái. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, công tác chỉ đạo đối phó và khắc phục hậu quả lũ quét, sạt lở đất đã được Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương quan tâm và đạt được nhiều kết quả, song qua thực tế cho thấy công tác phòng tránh lũ quét, sạt lở đất vẫn còn nhiều tồn tại.
“Vẫn còn tình trạng người chết do lũ quét, sạt lở đất và lũ xảy ra sau bão ở nhiều địa phương; công tác di dời dân cũng gặp nhiều khó khăn và kinh phí cho các dự án di dân vùng thiên tai cũng chưa đáp ứng so với nhu cầu; công tác dự báo và cảnh báo còn hạn chế, chưa đáp ứng được với thực tế. Đặc biệt, công tác bảo vệ rừng còn gặp rất nhiều khó khăn cả về lực lượng lẫn tổ chức bảo vệ”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu rõ.
Bộ trưởng cũng cho biết thiệt hại do lũ quét, trượt lở đất chủ yếu do các nguyên nhân khách quan như mưa cường độ lớn, tập trung trong một thời gian ngắn tại những khu vực có độ dốc lớn, tốc độ dòng chảy mạnh có sức tàn phá lớn; tuy nhiên trong rất nhiều trường hợp những thiệt hại xảy ra là do tác động của hoạt động phát triển kinh tế của con người; do sự chủ quan, bất cẩn, thiếu ý thức và hiểu biết về thiên tai của con người về phòng chống thiên tai dẫn đến thiệt hại do qua sông, qua ngầm, vớt củi…
Trước tình hình đó, chỉ đạo tại hội nghị, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu công tác phòng tránh lũ, lũ quét, sạt lở đất phải tập trung theo hướng lấy phòng ngừa là chính, các địa phương cần chủ động nắm bắt thực tế, kịp thời đề xuất Thủ tướng Chính phủ hoặc trực tiếp điều chỉnh cơ chế, chính sách hỗ trợ địa phương triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai đặc biệt là phòng tránh lũ, lũ quét tại khu vực miền núi.
“Các địa phương cần tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, triển khai có hiệu quả các hoạt động quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Người dân cùng tham gia đánh giá rủi ro thiên tai tại địa phương, phát triển các hệ thống cảnh báo cộng đồng và tận dụng kinh nghiệm bản địa để xác định các khu vực có nguy cơ cao, đề xuất giải pháp”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
Theo TTXVN/Vietnam+