Với mục tiêu đến 2015, Phú Yên được xếp trong nhóm các tỉnh, thành phố có chỉ số PAPI đạt thứ hạng cao, phát triển theo hướng bền vững, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 03 về nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh từ nay đến năm 2015 và phân công nhiệm vụ, tổ chức thực hiện chặt chẽ.
HIỆU QUẢ BƯỚC ĐẦU
Chỉ số PAPI là bộ chỉ số đo lường và đánh giá tính hiệu quả về quản trị và hệ thống hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam, dựa trên kết quả khảo sát ý kiến của người dân về sự hài lòng đối với các dịch vụ công của các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chỉ số PAPI được đưa vào đánh giá thử nghiệm vào năm 2009 tại 3 tỉnh, thành phố là Phú Thọ, Đà Nẵng và Đồng Tháp; năm 2010, mở rộng đánh giá ra 30 tỉnh, thành phố (trong đó có Phú Yên). Từ năm 2011 đến nay, chỉ số PAPI được đưa vào đánh giá tại 63 tỉnh, thành phố. Nhóm PAPI sử dụng phương pháp điều tra xã hội học, lấy ý kiến của người dân về 6 nội dung với nhiều tiêu chí khác nhau để làm cơ sở đánh giá; điểm tối đa cho từng nội dung là 10 điểm. Kết quả đánh giá được tính trên tỉ lệ người dân trong vùng chọn mẫu trả lời các câu hỏi do PAPI đặt ra xoay quanh 6 nội dung chính là: sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch của chính quyền; trách nhiệm giải trình với người dân đối với chính quyền; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính (TTHC) công và cung ứng dịch vụ công.
Qua 2 năm 2011-2012, kết quả đánh giá, xếp hạng chỉ số PAPI của Phú Yên có sự gia tăng đáng kể. Phú Yên cũng là một trong những tỉnh, thành có mức gia tăng về điểm đạt trên 5% (tốc độ tăng của Phú Yên ~15%). Cụ thể, năm 2011, tỉnh xếp vị thứ 59/63; năm 2012, xếp vị thứ 45/63 (tăng 14 bậc). Những lĩnh vực có sự gia tăng đáng kể về điểm như: công khai minh bạch (~20%); kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (~20%); trách nhiệm giải trình với người dân (~7%); cung ứng dịch vụ công (~6%)...
Tuy nhiên, vị trí xếp hạng của Phú Yên so với cả nước vẫn còn ở nhóm điểm thấp và có dấu hiệu phát triển không bền vững. Năm 2012, tỉnh có 4/6 nội dung có điểm số thấp hơn nhiều so với mức điểm bình quân của các tỉnh, thành phố khác là: sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; trách nhiệm giải trình với người dân; TTHC công và cung ứng dịch vụ công. Các nội dung về công khai, minh bạch và kiểm soát tham nhũng có điểm số cao hơn mức điểm bình quân của các tỉnh, thành phố khác nhưng vẫn còn cách khá xa so với tỉnh đạt điểm cao nhất.
Từ kết quả trên cho thấy, Phú Yên cần nỗ lực hơn nữa ở 6 nội dung để đạt được sự hài lòng của người dân đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công của các cơ quan hành chính và để nâng cao vị trí của Phú Yên so với các tỉnh, thành phố khác trong đánh giá, xếp hạng chỉ số PAPI những năm tiếp theo.
Tiến sĩ Bùi Phương Đình, Viện trưởng Viện Lãnh đạo - Chính sách công, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thuộc nhóm nghiên cứu PAPI Việt Nam, nhận xét: “Chỉ số PAPI của Phú Yên có sự tương đồng giữa 63 tỉnh, thành phố về hiệu quả quản trị và hành chính công. Thời gian qua, Phú Yên rất nỗ lực cải thiện chỉ số này. Từ vị trí thứ 59, sau 2 năm (2011-2012), Phú Yên lên vị trí 45/63, tiến 14 bậc; năm 2013 vươn lên vị trí 41. Đồng thời ban hành các chương trình hành động, kế hoạch, các quyết định thể hiện quyết tâm cải cách hành chính của tỉnh”
CÔNG KHAI, MINH BẠCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Ẩn, để chỉ số PAPI của tỉnh phát triển theo hướng bền vững, đạt được mục tiêu đề ra là xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh và để người dân cảm nhận được chính quyền thực sự của dân, do dân, vì dân, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 03 về nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh từ nay đến năm 2015. Phấn đấu đến năm 2015, tỉnh được xếp trong nhóm các tỉnh, thành phố có chỉ số PAPI đạt thứ hạng cao. Hiện tại, tỉnh đang tập trung cải thiện cả 6 nội dung đánh giá của PAPI; đặc biệt quan tâm cải thiện 4 nội dung có điểm số thấp hơn mức điểm bình quân của các tỉnh, thành khác và giữ vững, phát triển 2 nội dung được đánh giá thực hiện khá tốt trong năm 2012.
Để cải thiện sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở, các cấp, ngành cần tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật và pháp lệnh thực hiện quy chế dân chủ về những nội dung phải công khai để nhân dân biết, bàn và quyết định, tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định và giám sát. Đồng thời đẩy mạnh công khai minh bạch trong việc thực hiện chính sách đối với hộ nghèo, ngân sách cấp xã và các khoản thu khác ở khu dân cư; công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và khung giá đất; công khai kế hoạch đầu tư các dự án trên địa bàn và kết quả xử lý các vụ việc qua giám sát ở khu dân cư. Tăng cường trách nhiệm giải trình với người dân, trong đó, chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Đẩy mạnh kiểm soát tham nhũng trong khu vực công bằng cách công khai, minh bạch TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính các cấp. Các TTHC được tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”. Xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị do mình phụ trách xảy ra tham nhũng. Tạo điều kiện cho người dân tố cáo hành vi tham nhũng. Phát huy vai trò giám sát của HĐND các cấp, các tổ chức đoàn thể, hội quần chúng, của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Công khai số điện thoại đường dây nóng theo quy định tại Chỉ thị 23 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân.
Cùng với đó, tập trung cải cách TTHC, nhất là các lĩnh vực đất đai, xây dựng theo hướng thuận lợi hơn cho người dân. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC. Tăng cường công tác kiểm tra trách nhiệm của các cơ quan, địa phương, cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết TTHC cho người dân. Cải thiện nội dung cung ứng dịch vụ công trong y tế, giáo dục mầm non và phổ thông công lập, hệ thống hạ tầng cơ bản; giữ vững ổn định an ninh trật tự và chất lượng cung ứng các dịch vụ công khác như: văn hóa, bưu chính viễn thông, thủy lợi, bảo vệ thực vật…, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.
Những chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2015 Phú Yên phải đạt được:
- Cải thiện sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; tốc độ tăng điểm số ~30% so với năm 2012 (ước đạt ~5,9 điểm). - Nâng cao trách nhiệm giải trình với người dân; trong đó tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng trên thực tế; tốc độ tăng điểm số ~20% so với năm 2012 (ước đạt ~6,7 điểm). - Đẩy mạnh cải cách TTHC công; tốc độ tăng điểm số ~10% so với năm 2012 (ước đạt ~7,3 điểm). - Cải thiện chất lượng cung ứng dịch vụ công; tốc độ tăng điểm số ~10% so với năm 2012 (ước đạt ~7,3 điểm). - Giữ vững mức điểm đã đạt được và có phương thức tăng dần điểm số đối với việc công khai, minh bạch và kiểm soát tham nhũng trong chính quyền, trong cung ứng dịch vụ công. |
PHONG NHÃ