Khi cả nước hướng tới kỷ niệm 67 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2014) thì hình ảnh những Bà mẹ Việt Nam anh hùng lại càng khiến trái tim con người ta rung cảm hơn bao giờ hết.
Sự hy sinh của những Bà mẹ Việt Nam anh hùng thầm lặng mà cao cả, góp phần làm nên hòa bình, độc lập, tự do cho Tổ quốc - Ảnh: K.CHI |
“6 chiếc bát mình mẹ một mâm cơm
Chúng nó đi, đi mãi chẳng quay về
Giải phóng rồi, Bắc Nam ta thống nhất
Cơm mấy người vẫn mình mẹ ngồi ăn”
Chiến tranh đã qua đi, đất nước đã hòa bình, nhưng nỗi đau, mất mát mà chiến tranh để lại không gì bù đắp được. Dẫu biết chiến tranh nghiệt ngã nên việc sinh tử là điều không tránh khỏi, nhưng người mẹ nào chẳng đau xé lòng vì những người con, người chồng ra đi mãi mãi không về.
Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Nguyễn Phất: “Theo Nghị định 56/2013 ngày 22/5/2013 của Chính phủ, những trường hợp được xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gồm: Có 2 con trở lên là liệt sĩ; chỉ có 2 con mà 1 con là liệt sĩ và 1 con là thương binh, suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; chỉ có 1 con mà người con đó là liệt sĩ; có 1 con là liệt sĩ và có chồng hoặc bản thân là liệt sĩ; có 1 con là liệt sĩ và bản thân là thương binh, suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên. Nhân dịp kỷ niệm 67 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7) tỉnh Phú Yên có 269 bà mẹ ở 5 huyện, thị được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng. |
Tất cả những người mẹ vốn dĩ đều mong được sống sum vầy bên mái ấm gia đình, nhưng trong thời loạn, đất nước gọi tên tuổi trẻ lên đường cứu nước thì người mẹ đã chấp nhận để con lên đường bảo vệ Tổ quốc.
Mẹ Hồ Thị Bốn (SN 1915) ở xã An Thạch, huyện Tuy An, là mẹ của 2 liệt sĩ Thiều Bạc và Thiều Phúc Tiền. Với lòng căm thù giặc sâu sắc, mẹ đã chấp nhận cho 2 người con của mình lên đường bảo vệ đất nước. Trong hoàn cảnh loạn lạc, đàn ông, con trai ra trận, người phụ nữ làm hậu phương bảo vệ nuôi nấng các chiến sĩ, mẹ tỏ ra là một người mưu trí, can đảm khi nuôi 70 chiến sĩ cách mạng trong nhà. Nhiều lần bị địch bắt tra tấn dã man rồi bỏ tù nhưng mẹ vẫn không khai gì bất lợi cho quân ta. Khi được hỏi về 2 người con đã khuất, mặt mẹ đượm buồn, đôi mắt rơm rớm, nghẹn ngào mẹ nói: “2 con tôi đều hy sinh! Khi nhận tin con trai Thiều Bạc mất, tôi như chết lặng, lòng đau như ai xé. Nỗi đau chồng chất nỗi đau khi tôi nhận hung tin con trai Thiều Phúc Tiền lại hy sinh. Trong cùng một năm (năm 1969) mà 2 đứa con tôi dứt ruột đẻ ra đã mãi mãi bỏ tôi mà đi. Tôi suy sụp hoàn toàn và càng căm thù bọn giặc hơn”.
Cũng chung niềm đau bất tận đó là mẹ Trần Thị Khảm (90 tuổi) ở xã An Nghiệp (huyện Tuy An), là mẹ của liệt sĩ Lưu Văn Long, là vợ của liệt sĩ Lưu Tú và bản thân mẹ cũng tham gia cách mạng, bị bắt bỏ tù, bị tra tấn dã man. “Nhiều lúc nhớ con nhớ chồng dữ lắm, tôi khóc suốt thôi. Thằng Long còn nhỏ tuổi, chưa lập gia đình, chưa được hưởng một ngày hòa bình ấm no, tội thân nó quá!”, mẹ Khảm xúc động khi chúng tôi hỏi về chồng, con của mẹ.
Trân trọng những cống hiến vô giá của những người mẹ, người vợ của những liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng đất nước, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách chăm lo cho các mẹ như một sự tri ân. Tại buổi lễ đón nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước Mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ Hồ Thị Bốn xúc động chia sẻ: “Nhận được danh hiệu vinh dự này tôi vừa vui, vừa mừng, vừa buồn. Vui mừng vì sự hy sinh của con mình được Nhà nước quan tâm, ghi nhận. Buồn vì nhớ con, mong một lần được gặp lại con nhưng không thể. Nhớ lắm, cứ nhắc tới con là lòng mẹ quặn thắt”. Mẹ Nguyễn Thị Thiết ở xã An Ninh Đông (huyện Tuy An), năm nay đã 85 tuổi, nghẹn ngào: “Mẹ mừng quá. Mẹ nuôi 2 đứa con khôn lớn, nhưng khi đất nước gọi tên, chúng hăng hái lên đường làm nghĩa vụ. Nào ngờ, cả hai đều hy sinh, mẹ buồn, nhưng nén nỗi đau để tiếp tục sống”.
Sự hy sinh, đóng góp thầm lặng của các mẹ góp phần làm nên hình hài của đất nước, niềm tự hào của dân tộc. Khói lửa chiến tranh tan đi, còn lại hình bóng mẹ hiền với nỗi đau đáu về những người con lần lượt ra đi không về. Tài sản lớn nhất của mẹ là một phần còn lại của gia đình, là những bát hương nghi ngút khói và triệu triệu người con của thế hệ hôm nay.
HUỲNH NHIỆM – KIM CHI