Không chỉ là nơi buôn bán sinh hoạt của người dân xứ “gạo trắng nước trong”, chợ nổi Cái Răng còn là địa chỉ du lịch hấp dẫn khách trong và ngoài nước. Đến với chợ nổi, du khách sẽ được khám phá nét đặc trưng của vùng sông nước Hậu Giang.
Từ bến Ninh Kiều đến chợ nổi Cái Răng mất khoảng 30 phút đi xuồng. Nếu đi đông, du khách có thể thuê xuồng riêng cho khoảng 10 đến 12 người, giá dao động từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng, còn nếu đi ít người, phải đợi ghép đoàn với giá vé khoảng 50.000 đồng/người. Đến với chợ nổi, ngoài tận hưởng cảm giác bồng bềnh trên sông Hậu, hít thở những làn gió mát rượi, ngắm bình minh miền sông nước Tây Nam Bộ, du khách còn được hòa mình vào khung cảnh nhộn nhịp của một buổi chợ nổi trên sông. Xuồng sẽ chở bạn dạo một vòng chợ Cái Răng để mua một số nông sản theo mùa tại nhà vườn, thưởng thức các món ăn dân dã, quan sát, tìm hiểu sinh hoạt của nhiều gia đình sống trên xuồng.
Tham quan chợ nổi, bạn nên đi vào lúc sáng sớm vì chợ họp đông nhất vào lúc 7 đến 8 giờ, khi trời còn mát. Khoảng 9 giờ, chợ vãn dần. Người buôn bán nhóm họp bằng xuồng. Người đi mua cũng bằng… xuồng. Đây là chợ đầu mối chuyên cung cấp sỉ nông sản, chủ yếu là trái cây và rau củ. Mỗi chiếc xuồng như một quầy hàng di động. Điều cuốn hút du khách hơn cả là vừa được thăm chợ nổi vừa được thưởng thức các sản vật vùng sông nước ngay trên chính các xuồng hàng của người dân nơi đây. Có thể tìm tại đây các món ăn dân dã mang đậm chất Nam Bộ như: bánh canh ngọt, bánh bột lọc, hủ tiếu vườn với giá bình dân mà lạ miệng. Các “cửa hàng nổi” thường không có bảng hiệu, cửa hàng bán sản vật gì người ta treo sản vật đó lủng lẳng lên cây sào hoặc trên mũi xuồng mà người địa phương gọi là “cây bẹo”. Người mua chỉ cần nhìn vào “cây bẹo” là biết được trên xuồng bán món gì. Du khách sẽ dễ dàng chọn mua được cái loại trái cây tươi ngon với giá rẻ để làm quà cho người thân.
Đi chợ nổi Cái Răng thích nhất là bắt gặp cảnh thương hồ nhộn nhịp. Người bán đứng trên xuồng lớn giao từng túi, giỏ hàng... cho xuồng nhỏ. Kẻ chuyền, người nhận nhịp nhàng, điệu nghệ. Du khách còn thích thú hòa mình vào thế giới thu nhỏ giữa mênh mông sông nước; ấm lòng với những nụ cười hiền hậu, thân thương của người miền Tây. Tiếng máy nổ, tiếng mái chèo khua nước, tiếng gọi chào, nói cười rộn rã của khách đi chợ xen lẫn tiếng í ới ngã giá bán mua... tất cả làm nên sắc màu sôi động của một buổi họp chợ trên sông. Ngoài ra, du khách còn có thể quan sát, tìm hiểu sinh hoạt của nhiều gia đình thương hồ với nhiều thế hệ chung sống trên xuồng.
Ngày nay, dù mạng lưới giao thông đường bộ đã phát triển rộng khắp nhưng chợ nổi Cái Răng vẫn tồn tại và phát triển ngày một sầm uất hơn. Để rồi, khi trở về đất liền sau một sáng lênh đênh trên sóng nước với chợ nổi Cái Răng, du khách sẽ không thể nào quên được nét văn hóa đặc sắc của vùng đất Chín Rồng.
KHÁNH HÀ