Thứ Hai, 25/11/2024 12:15 CH
“Bóc mẽ” nhiều cán bộ xã sử dụng bằng giả
Thứ Hai, 30/06/2014 09:21 SA

Một vụ việc “động trời” đã được phóng viên Báo Phú Yên “bóc mẽ”, đó là một số cán bộ chủ chốt thuộc các ngành, hội đoàn thể ở một số xã sở hữu bằng tốt nghiệp THPT giả và sử dụng nó để tiếp tục học lên cao hơn nhằm mục đích chuẩn hóa trình độ cán bộ theo quy định của Nhà nước, củng cố “ghế” mình đang ngồi.

 

Một số bằng tốt nghiệp THPT được Sở GD-ĐT xác nhận là giả - Ảnh: T.HẰNG

 

NHIỀU CÁCH ĐỂ SỞ HỮU BẰNG GIẢ

 

Để sở hữu tấm bằng tốt nghiệp THPT, từng bước đạt chuẩn trình độ cán bộ cấp xã theo quy định của Nhà nước, ông D.K.T (SN 1964), Trưởng Công an xã Hòa Định Đông (Phú Hòa) đã bỏ tiền nhờ người quen làm giùm một bằng tốt nghiệp THPT hệ bổ túc giả. Thoạt nhìn, tấm bằng “tốt nghiệp THPT” của ông D.K.T có mẫu mã với đầy đủ các nội dung, không khác gì so với bằng tốt nghiệp THPT mà Sở GD-ĐT cấp cho thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT tổ chức hàng năm. Ngoài phần thông tin về họ và tên, ngày tháng năm sinh của người được cấp bằng, bằng “tốt nghiệp THPT” của ông D.K.T còn ghi rõ ngày tổ chức khóa thi 18/8/2010 tại Hội đồng thi TTGDTX Phú Yên, hình thức đào tạo bổ túc, số hiệu bằng hẳn hoi, cấp ngày 31/12/2010, có dấu và chữ ký của lãnh đạo Sở GD-ĐT Phú Yên. Tuy nhiên, qua xác minh của Sở GD-ĐT Phú Yên thì tấm bằng này là bằng giả. Bởi năm 2010, không có kỳ thi tốt nghiệp THPT nào được tổ chức vào ngày 18/8 và Trung tâm Giáo dục thường xuyên Phú Yên cũng không được Ban chỉ đạo thi của tỉnh chọn đặt hội đồng thi. Cẩn thận hơn, một chuyên viên phụ trách công tác xác nhận văn bằng tốt nghiệp THPT của Sở GD-ĐT Phú Yên đã kiểm tra lại danh sách toàn bộ học viên tốt nghiệp THPT hệ bổ túc năm 2010 thì không có tên học viên D.K.T.

 

Trao đổi với phóng viên, ông D.K.T phân trần: Năm 2007, tôi được bổ nhiệm làm trưởng công an xã, sau đó được cử đi học lớp trung cấp nghiệp vụ công an tại Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an Phú Yên. Tuy nhiên, vì chưa tốt nghiệp THPT nên tôi phải “nợ” trung tâm tấm bằng này. Do vừa học, vừa làm và bản thân cũng đã lớn tuổi nên rất khó để học và thi đậu THPT, dù là hệ bổ túc. Vì vậy, năm 2010 tôi đánh “liều” nhờ một người quen ở cùng huyện “chạy” giúp tấm bằng. “Tôi phải tốn 4,2 triệu đồng mới có tấm bằng này”, ông D.K.T tiết lộ. Tuy nhiên, khi hỏi tên và địa chỉ của người nhận tiền để làm giùm tấm bằng tốt nghiệp THPT thì ông T nói đã quên tên và địa chỉ người này!

 

Từ đơn tố cáo của người dân về việc một số cán bộ của xã Hòa Hiệp Nam (Đông Hòa) sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả, ngày 21/4/2014 Thanh tra Sở Nội vụ Phú Yên tiến hành xác minh vụ việc. Qua xác minh cho thấy, ông N.K.T (SN 1962), Phó chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp Nam sử dụng bằng tốt nghiệp THPT do Ty Giáo dục tỉnh Phú Khánh (nay là Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa) cấp vào năm 1981, mang số hiệu 754. Từ thông tin của tấm bằng này, Sở Nội vụ phối hợp với Sở GD-ĐT Phú Yên tiến hành kiểm tra và phát hiện tên ông N.K.T không có trong hồ sơ lưu tốt nghiệp THPT tại Sở GD-ĐT. Ông Nguyễn Phùng, Chánh thanh tra Sở Nội vụ cho biết, qua làm việc, ông N.K.T thừa nhận đã sử dụng bằng tốt nghiệp THPT của người khác, tẩy xóa, ghi lại họ, tên, dán ảnh của mình vào bằng để bổ sung hồ sơ cán bộ và công tác tại UBND xã trong thời gian dài.

 

Cũng tại xã Hòa Hiệp Nam, Thanh tra Sở Nội vụ phát hiện ông L.V.V (SN 1959), kế toán trưởng UBND xã không có bằng tốt nghiệp THPT, chỉ có chứng chỉ học trình lớp 12 niên khóa 1973-1974 do chế độ cũ cấp. Trong khi đó, theo chuẩn trình độ cán bộ cấp xã hiện nay tối thiểu phải tốt nghiệp THPT. Điều đáng nói là tính từ năm ông V sinh cho đến khi ông được cấp chứng chỉ học trình lớp 12 chỉ mới… 15 tuổi!?

“Sở Nội vụ đã báo cáo vụ việc cho UBND tỉnh biết, đồng thời có văn bản đề nghị Huyện ủy và UBND huyện Đông Hòa xử lý ông N.K.T và ông L.V.V theo thẩm quyền”, ông Phùng nói.

 

Tượng tự, tấm bằng tốt nghiệp THPT hệ bổ túc của ông N.N (SN 1963), Chủ tịch Hội Nông dân, đại biểu HĐND xã An Mỹ (Tuy An) và ông L.V.C (SN 1967), cán bộ xã Xuân Cảnh (TX Sông Cầu) cũng được Sở GD-ĐT Phú Yên xác nhận là giả, không lưu tại hồ sơ của sở, dù những thông tin ghi trên bằng tốt nghiệp THPT của ông N.N ghi rõ: khóa thi ngày 18/8/2010, tại Hội đồng thi TTGDTX Phú Yên, cấp ngày 31/12/2010…

 

Ông L.V.C cho biết ông từng học bổ túc và tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT tại TP Tuy Hòa vào năm 2008 nhưng không đậu. Sau đó một người tên Chín hay tên Chiến gì đó ở huyện Phú Hòa thi cùng đợt với ông, cũng bị trượt tìm gặp và đưa cho ông đơn xin phúc khảo kết quả tốt nghiệp THPT. Nghe theo, ông C ký tên vào đơn và sau một thời gian ông nhận bằng, đồng thời đưa cho người này 3 triệu đồng gọi là phí phúc khảo.

 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tá, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên khẳng định: Sở GD-ĐT không tổ chức thi tốt nghiệp THPT vào các ngày 18/5/2008 và 18/8/2010 như trong nội dung bằng tốt nghiệp của các ông T, N, C. Và bằng tốt nghiệp của những trường hợp này không có lưu tại hồ sơ văn bằng tốt nghiệp THPT tại sở; đồng thời các bằng này in giả con dấu và chữ ký của lãnh đạo sở.

 

DÙNG BẰNG GIẢ HỌC ĐẠI HỌC

 

Sau khi sở hữu tấm bằng “tốt nghiệp THPT”, các ông D.K.T, N.N và L.V.C đăng ký học đại học (theo hình thức đào tạo từ xa) ngành Kinh tế Luật, Công tác xã hội do Trường đại học Mở TP Hồ Chí Minh mở tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Phú Yên (TP Tuy Hòa). Cụ thể, năm 2011, các ông D.K.T học ngành Công tác xã hội; ông L.V.C học ngành Kinh tế Luật; năm 2012, ông N.N học ngành Công tác xã hội. Theo hồ sơ học viên mà Trung tâm Giáo dục thường xuyên Phú Yên lưu, bản sao bằng “tốt nghiệp THPT” của các ông D.K.T, N.N và L.V.C có dấu chứng thực, chữ ký của lãnh đạo xã.

 

Ông Bùi Quang Quang, Chủ tịch UBND xã Hòa Định Đông xác nhận: Ông D.K.T học đại học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Phú Yên từ năm 2011 đến nay. Mọi chi phí trong quá trình học ông D.K.T tự lo, xã chỉ hỗ trợ 1,5 triệu đồng/năm. “Hiện ông D.K.T đang hưởng lương theo chức danh cán bộ công chức không bằng cấp, quy định tại Nghị định 92/2009 của Chính phủ”, ông Quang nói.

 

Còn lãnh đạo UBND xã Xuân Cảnh (TX Sông Cầu) cho biết không rõ việc học bổ túc THPT và cấp bằng của ông C như thế nào, nhưng trong năm 2007 và 2008, một số cán bộ xã cũng học bổ túc như ông C. Sau khi lấy được bằng THPT những người này tiếp tục học lên cao và đang giữ các chức vụ chủ chốt của xã.

 

KHÔNG THƯỜNG XUYÊN KIỂM TRA

 

Theo Phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT Phú Yên), năm nào, các trường đại học, cao đẳng trước khi cấp bằng tốt nghiệp cho học viên, họ đều gửi bằng tốt nghiệp THPT của người học về sở để xác minh. Những năm trước, tình trạng bằng tốt nghiệp THPT giả cũng có nhưng chỉ 1-2 trường hợp/năm, còn năm nay tình trạng này rất nhiều, nhất là đối với các học viên đang theo học hình thức đào tạo từ xa.

 

Những năm gần đây, nhiều học viên lớn tuổi có bằng tốt nghiệp THPT hệ bổ túc (thuộc cán bộ cấp xã các địa phương) chọn học đại học theo hình thức đào tạo từ xa. Trong khi đó, tỉ lệ học viên đỗ tốt nghiệp THPT hệ bổ túc những năm qua rất thấp, nên các trường đại học, cao đẳng rất cẩn thận trong việc cấp bằng tốt nghiệp đối với những trường hợp này. Hầu hết, các trường đều thông qua Sở GD-ĐT kiểm tra bằng tốt nghiệp THPT của các đối tượng này.

 

Ông Nguyễn Văn Tá cho biết: Năm 2008, UBND tỉnh có quyết định thành lập đoàn kiểm tra việc sử dụng bằng cấp của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Nhưng từ năm 2009 đến nay, việc kiểm tra này không thực hiện nữa. Đứng trước tình hình xác minh có quá nhiều bằng tốt nghiệp THPT giả, lãnh đạo sở đã làm việc và chỉ đạo thanh tra của ngành GD-ĐT làm tờ trình tham mưu UBND tỉnh ra quyết định thành lập đoàn thanh tra sử dụng bằng cấp, đặc biệt là đối với cán bộ cấp xã. Có thể đầu năm học 2014-2015, đoàn sẽ tiến hành kiểm tra bằng cấp đối với cán bộ tại một số địa phương.

 

Còn ông Nguyễn Phùng thì cho biết, lâu nay Sở Nội vụ không kiểm tra bằng cấp của cán bộ trong tỉnh, mà chỉ kiểm tra khi có đơn thư tố cáo về một trường hợp nào đó sử dụng bằng giả mà thôi.

 

“Thông qua việc các trường đại học, cao đẳng nhờ Sở GD-ĐT xác minh văn bằng tốt nghiệp THPT của học viên, đến ngày 27/6 bộ phận nghiệp vụ của sở đã phát hiện 11 bằng tốt nghiệp THPT giả. Hiện còn khoảng 100 bằng tốt nghiệp THPT chúng tôi đang tiếp tục xác minh và rất có thể trong số đó sẽ có bằng giả. Hiện danh sách học sinh tốt nghiệp THPT được lưu ở 3 cơ quan gồm Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT và tại đơn vị thí sinh nộp đơn dự thi. Cơ quan được Nhà nước cho phép xác minh văn bằng tốt nghiệp THPT là Sở GD-ĐT. Vì Vậy, Sở GD-ĐT có đầy đủ hồ sơ lưu trữ của tất cả các kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 1975 đến nay. Tất cả các cơ quan, đơn vị, trường học muốn thẩm định văn bằng tốt nghiệp THPT thật hay giả thì Sở GD-ĐT có thể kiểm tra và xác định ngay văn bằng đó thật hoặc giả”, ông Nguyễn Văn Tá nói.

 

Điều tra của QUANG THUẦN - THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek