Hai năm qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã vận động thành lập 5 nghiệp đoàn nghề cá với hơn 500 ngư dân tham gia. Từ “mái nhà chung” này, ngư dân Phú Yên đã tiếp tục vươn khơi, chung tay, góp sức vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
GẮN KẾT NGƯ DÂN
Giữa mùa biển, bến cảng phường 6 (TP Tuy Hòa) đông chật tàu thuyền. Những chiếc tàu từ khơi xa về cập bờ xếp hàng ken dày trước cầu cảng. Thỉnh thoảng, vài chiếc thuyền nổ máy xuất bến, bắt đầu một chuyến biển mới. Chỉ tay về khu vực neo đậu của chục chiếc tàu đang tiếp nhiên liệu, nhu yếu phẩm, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6 Phan Thuẩn cho biết, đó là tổ đánh bắt Đại đoàn kết, một trong hai nhóm tổ bám biển can trường, làm ăn khá nhất nghiệp đoàn. Khi thủy triều lên, các tàu sẽ đồng loạt mở neo, nổ máy ra khơi. Cũng theo ông Thuẩn, khi xuất bến, chiếc chạy trước, chiếc đi sau, nhưng tất cả sẽ đợi nhau ngoài cửa biển đến khi chiếc cuối cùng qua cửa an toàn. “Cửa biển Đà Diễn thường bị bồi lấp, tàu dễ bị mắc cạn. Từ khi liên kết làm ăn theo tổ, anh em luôn sẵn sàng tư thế hỗ trợ nhau khi xảy ra tình huống xấu”, ông Thuẩn giải thích.
Với kinh nghiệm 20 năm vươn khơi bám biển, thuyền trưởng tàu PY 92179TS Nguyễn Thanh Hiệp được anh em tín nhiệm bầu làm “thủ lĩnh” tổ Đại đoàn kết. Anh Hiệp chia sẻ: “Có nghiệp đoàn nghề cá làm trung tâm đoàn kết, chúng tôi cũng lập tổ, sát cánh khi ra khơi nên mạnh dạn bám biển dài ngày, sản lượng đánh bắt cao hơn. Nếu ngày trước đi riêng lẻ, chúng tôi thường bị các tàu nước ngoài lấn ngư trường, nay thì không lo bị họ uy hiếp nữa”.
Hiện tổ Đại đoàn kết có 11 tàu thì 7 tàu công suất trên 400CV. Hai năm qua, cả tổ “ăn nên, làm ra”; mọi người động viên nhau nâng cấp tàu thuyền, giúp nhau về vốn để sửa chữa tàu, mua máy mới. Chủ tàu PY 90455TS Trần Ngọc Trường, một thành viên trong tổ Đại đoàn kết cho biết, cuối mùa biển năm ngoái, anh em trong tổ đã góp tiền cho anh mượn để nâng máy tàu từ 90CV lên 450CV. “Khi tôi báo tin sửa tàu, anh Hiệp khuyến khích nâng công suất máy luôn. Vậy là anh em góp tiền cho mượn gần 300 triệu đồng. Nếu không có anh em giúp thì tôi không thể mạnh dạn đầu tư”, anh Trường nói. Tổ Đại đoàn kết hiện còn 4 chiếc tàu chưa nâng công suất máy. Thời gian tới, cũng bằng cách góp vốn giúp nhau, anh em trong tổ hạ quyết tâm hoàn tất việc nâng cấp máy tàu trong năm nay.
TIẾP SỨC VƯƠN KHƠI
Phan Thành Đắt hiện là thuyền trưởng, chủ tàu PY 96077 có công suất 444CV, hành nghề đánh bắt cá ngừ đại dương ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Từ đầu mùa biển năm 2014 đến nay, anh đã hai lần đưa tàu ra khơi. Mỗi chuyến biển ròng rã 1 tháng, tàu đem về gần 3 tấn cá. Trừ chi phí và chia cho 10 lao động làm thuê mỗi người 20 triệu đồng, anh còn tích lũy hơn 170 triệu đồng. “Nếu cứ đà này, chẳng bao lâu nữa, tôi sẽ trả xong khoản nợ vài trăm triệu tiền vay để đóng mới con tàu”, anh Đắt phấn khởi chia sẻ.
Có được thành công như hôm nay, anh Đắt không thể nào quên những ngày “đầu tắt, mặt tối” lo cho tàu bị nạn ở vùng biển Trường Sa vào một đêm giữa tháng 8/2012. Anh Đắt kể, đêm đó, trong lúc chạy tránh áp thấp nhiệt đới, tàu của anh va vào bãi đá ngầm. Đắt cùng 9 lao động được tàu đồng đội đến cứu, đưa vào bờ an toàn. Người còn nhưng khối tài sản gần 700 triệu đồng đã bị sóng đánh vỡ vụn, chìm sâu dưới đáy biển. Trở về, anh Đắt gom tiền tích lũy từ mấy mùa biển trước, dự định mua lại chiếc tàu cũ để tiếp tục vươn khơi. Gần 1 tháng trời chạy vạy khắp nơi nhưng không có tàu vừa ý, anh bàn với cha sẽ đóng tàu mới. “Đời cha, ông sống nhờ biển, tôi vừa lớn lên đã bám biển. Mất tàu thì tôi phải tìm cách để ra biển làm ăn, chứ không thể bó gối”, anh Đắt nói. Sau 5 tháng, con tàu mới với công suất máy 444CV, trị giá gần 1,5 tỉ đồng đã hạ thủy nhưng chưa thể vươn khơi vì anh Đắt không còn tiền để sắm ngư lưới cụ. Giữa lúc bế tắc, Đắt biết tin mình sẽ được hỗ trợ 200 triệu đồng từ nguồn quỹ “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa”. “Đây là sự tiếp sức kịp thời và vô cùng quý báu đối với tôi và anh em bạn. Mỗi lần ra khơi, nghĩ về ân tình đó, quyết tâm bám biển trong tôi lại càng mạnh mẽ”, anh Đắt tâm sự.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Vân, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Phú Yên, thời gian qua, đơn vị đã tích cực vận động để có kinh phí giúp ngư dân lúc khó khăn. Các chương trình gồm hỗ trợ đóng mới tàu thuyền; mua ngư lưới cụ; tặng 1.100 bảo hiểm thuyền viên, 123 bảo hiểm thân tàu, 1.000 áo phao, 250 thùng thuốc, 18 máy Icom; trao học bổng tiếp sức con ngư dân đến trường... Đây là “nguồn năng lượng” quý tiếp sức cho ngư dân trong công cuộc bám biển mưu sinh và khẳng định chủ quyền Tổ quốc trên biển.
PHƯƠNG OANH