Thứ Tư, 27/11/2024 03:15 SA
Dạy nghề cho lao động nữ nông thôn:
Còn đó những trăn trở
Thứ Bảy, 31/05/2014 13:00 CH

Lao động nữ xã Hòa Mỹ Đông học may công nghiệp do Trung tâm Dạy nghề huyện Tây Hòa mở - Ảnh: N.DUNG

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên hỗ trợ học nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động nữ. Tuy nhiên, hiện việc đào tạo nghề, tạo việc làm ở một số địa phương trong tỉnh vẫn gặp không ít khó khăn.

 

NIỀM VUI ĐƯỢC HỌC NGHỀ

 

Cách đây 3 năm, vợ chồng chị Trần Lê Thị Bình ở thôn Vạn Lộc (xã Hòa Mỹ Đông, Tây Hòa) phải vào TP Hồ Chí Minh làm công nhân. Chị Bình chia sẻ: “Dù có thu nhập nhưng vợ chồng tôi không thể sống tha phương nơi xứ người mãi”. Khi có con nhỏ, vợ chồng chị quyết định về quê sinh sống, ai thuê mướn gì thì nhận làm. Vậy nên, chị Bình rất vui khi được tham gia học lớp cắt may miễn phí do Trung tâm Dạy nghề huyện Tây Hòa tổ chức. Chị phấn khởi nói: “Hơn 1 tháng nữa tôi hoàn thành khóa học. Sau đó, các học viên trong lớp sẽ được trung tâm dạy nghề của huyện giới thiệu việc làm tại Công ty May An Phát ở xã Hòa Phong. Nơi làm việc ở gần nhà, mọi việc sẽ thuận lợi hơn”.

 

Cùng chung niềm vui như chị Bình, em Lê Thị Trà My (cháu chồng của chị Bình), 17 tuổi ở thôn Vạn Lộc - học viên trẻ nhất trong lớp bày tỏ: “Em mong sau này học xong sẽ có việc làm để sớm phụ giúp ba mẹ”. Ba của My đi làm thợ hồ, còn mẹ My thì sau những vụ lúa lại vào Khánh Sơn (Khánh Hòa) làm rẫy; ở quê chỉ còn My vừa làm việc nhà, vừa chăm sóc 3 em nhỏ. My kể, gia đình khó khăn, em chỉ học đến lớp 7 rồi nghỉ. May mà có lớp dạy nghề miễn phí này, nếu không, chẳng biết đến khi nào em mới học được nghề. My khoe, bây giờ em đã vô được cổ áo và mổ được túi quần - hai phần khó nhất của kỹ thuật cắt may, phần còn lại để giúp vững tay nghề là sự chăm chỉ, chịu khó của bản thân.

 

Tại lớp học cắt may này, không chỉ có chị Bình, My mà 28 học viên còn lại cũng phấn khởi khi được học nghề tại đây. Bởi phần lớn gia cảnh của các học viên đều khó khăn, họ không có việc làm ổn định. “Mỗi năm chỉ làm 2 vụ lúa, thời gian còn lại không tìm được việc làm thì khó trang trải cuộc sống hàng ngày. Chị Võ Thị Thanh Tuyền, 28 tuổi, một học viên trong lớp tâm sự.

 

Ông Nguyễn Hùng, Phó giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Tây Hòa, cho hay: Lớp dạy cắt may công nghiệp này là 1 trong 6 lớp dạy nghề miễn phí mà trung tâm đã mở tại các xã Hòa Phong, Hòa Mỹ Đông, Hòa Mỹ Tây, Hòa Thịnh, Hòa Tân Tây, Hòa Phú từ đầu năm đến nay theo Đề án 1956 về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” và Đề án 295 về “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm, giai đoạn 2010-2015” của Chính phủ. Trung bình mỗi lớp có từ 18 đến 35 học viên. Các học viên này thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác… Theo Đề án 295, các học viên theo học được miễn toàn bộ học phí, hỗ trợ toàn bộ nguyên vật liệu thực hành, nhiều đối tượng còn được hỗ trợ tiền ăn. Sau mỗi khóa đào tạo, học viên được cấp giấy chứng nhận. Bên cạnh công tác dạy nghề, trung tâm còn kết nối giới thiệu việc làm cho người lao động. Với những nghề như nấu ăn, chăn nuôi gia súc gia cầm…, sau khi học chị em có thể chủ động tạo việc làm, kinh doanh, chăn nuôi tại nhà. Trung tâm đang nỗ lực tổ chức các lớp như vậy.

 

CÒN ĐÓ NHỮNG TRĂN TRỞ

 

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên hỗ trợ học nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động nữ. Điều này thể hiện rõ nhất thông qua Đề án 295. Các chương trình đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động ở Phú Yên góp phần giúp nhiều lao động nữ cải thiện đời sống kinh tế gia đình. Theo Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh, tỉ lệ lao động nữ được đào tạo/tổng số lao động trong năm 2012 là 44% và cuối năm 2013 là 48,2%; tỉ lệ lao động nữ có việc làm trên tổng số việc làm mới trong giai đoạn 2011-2013 là 69.708 người, trong đó nữ chiếm 61%. Đó là một tín hiệu hết sức khả quan trong công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động nữ nói chung và lao động nữ vùng nông thôn nói riêng ở Phú Yên.

 

Tuy nhiên, hiện nay, ở một số địa phương trong tỉnh, việc đào tạo nghề, tạo việc làm gặp không ít khó khăn, nhất là tình trạng học viên không tìm được việc làm sau khi học nghề. Mặc dù các đơn vị chức năng đã làm cầu nối giới thiệu đến các công ty, xí nghiệp nhưng nhu cầu tuyển dụng không cao. Nhiều nghề chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Thêm vào đó, nguồn kinh phí đào tạo nghề có hạn nên chỉ đủ để học viên biết việc chứ không thể giỏi nghề. Còn việc tự túc học để nâng cao tay nghề thì rất ít học viên thực hiện được. Ngoài ra, nhiều địa phương còn lúng túng trong việc xác định nghề, định hướng đào tạo nghề chưa thật sự phù hợp với việc chuyển dịch cơ cấu lao động.

 

Tìm kiếm được cơ hội việc làm cho học viên, đó là trăn trở chung của trung tâm dạy nghề ở các địa phương trong tỉnh. Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đông Hòa Thái Thị Thanh Thủy cho biết: Hiện nay, những lao động nữ học nghề đan đát mây tre rất khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm, bởi các cơ sở sản xuất mây tre đan ở Đông Hòa khan hiếm nguồn nguyên liệu. Chị em học các khóa cắt may công nghiệp cũng khó tìm được việc làm do nhiều doanh nghiệp trên địa bàn làm ăn thua lỗ… Công tác dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ nông nhàn đã và đang là vấn đề mà các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện Đông Hòa cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh hết sức trăn trở.

 

Rõ ràng hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nữ nông thôn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng định hướng nghề, định hướng đào tạo nghề của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, chính trị tại các địa phương. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần phải tính đến điều kiện cũng như đặc điểm kinh tế, xã hội của từng nơi để có kế hoạch đào tạo nghề phù hợp; cần có sự vào cuộc, chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị trong việc hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn nói chung và lao động nữ nói riêng. Có như vậy, bài toán nan giải này mới có thể được giải quyết.

 

NGỌC DUNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek