Việc xây dựng nông thôn mới (NTM) cho thấy, trong số 19 tiêu chí thì tiêu chí chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân là vấn đề khó nhất. Khi Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (gọi tắt là đề án 1956) đến năm 2020 của Chính phủ triển khai, các địa phương đón nhận nhiệt tình và xem đây là nguồn lực góp phần xây dựng NTM.
Đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn - Ảnh: K.CHI
Tại Phú Yên, đề án 1956 đã thu hút được sự quan tâm, tham gia thực hiện của cả hệ thống chính trị, các địa phương đã chủ động bố trí ngân sách, huy động mọi nguồn lực để tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn. Mục tiêu đến cuối năm 2015, Phú Yên phấn đấu đạt 55% lao động qua đào tạo, trong đó, đào tạo nghề là 44%. Để thực hiện mục tiêu này, UBND tỉnh đã giao Sở LĐ-TB-XH Phú Yên phối hợp với các địa phương, các cơ sở dạy nghề xây dựng kế hoạch đào tạo cho từng giai đoạn cụ thể, gắn với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, cơ cấu lao động của địa phương, gắn công tác đào tạo nghề với xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Đến nay, toàn tỉnh có 20 cơ sở đào tạo nghề, trong đó, 17 đơn vị trực thuộc hệ công lập, 3 hệ tư thục, cấp trung ương quản lý 2 đơn vị, còn lại là địa phương quản lý. Hàng năm, có một số cơ sở dạy nghề đã tham gia đào tạo được nhiều lao động nông thôn có kiến thức, kỹ năng tay nghề, chuyên môn kỹ thuật để tự tạo việc làm cho bản thân, từng bước nâng cao nguồn nhân lực tỉnh.
Qua hơn 3 năm triển khai đề án 1956, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của các cấp ngành, tỉnh đã tổ chức 12 phiên giao dịch việc làm, phổ biến chính sách đào tạo nghề tại 20 xã điểm về xây dựng NTM; mở được 319 lớp đào tạo nghề cho gần 8.000 lao động với các nghề hàn, điện dân dụng, may công nghiệp, kỹ thuật xây dựng, trồng và chăm sóc cây cảnh, dán ốc nổi mỹ nghệ, mộc dân dụng, khai thác mủ cao su, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Sau khi tham gia học nghề, tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề có việc làm và tổ chức sản xuất có hiệu quả đạt hơn 75%, khoảng 150 hộ thoát nghèo. Việc thực hiện đề án đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, góp phần xây dựng NTM; nhiều mô hình dạy nghề có hiệu quả được triển khai nhân rộng.
Các chương trình đào tạo đã góp phần giải quyết việc làm, tạo việc làm mới, nâng cao chất lượng lao động nông thôn, giúp người dân thay đổi tập quán canh tác truyền thống, tiếp cận phương thức sản xuất mới. Từ đó, nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, đồng thời mở ra nhiều cơ hội việc làm mới, với nhiều ngành nghề mang tính chuyên môn hóa cho người dân lựa chọn. Tại huyện Sông Hinh, Đồng Xuân, các lớp dạy nghề phần lớn được tổ chức tại xã, học viên được thực hành tại chỗ đã giúp nông dân tiếp thu rất nhanh. Sau học nghề, bà con biết áp dụng kỹ thuật đã học vào sản xuất, nhiều hộ xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho gia đình.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện đề án 1956 vẫn còn không ít khó khăn. Đó là việc triển khai còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng ngành, chưa gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội, quy hoạch xây dựng NTM, nhất là quy hoạch về sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và thị trường. Tại một số nơi, dạy nghề còn chạy theo số lượng, chưa chú trọng chất lượng nên nội dung đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu của người học và người sử dụng lao động. Hầu hết cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề của các trung tâm dạy nghề trong tỉnh còn nhiều hạn chế, nhất là các xưởng thực hành, nhà làm việc nên chưa thu hút được người lao động đến học. Ngoài ra, nhận thức của phần lớn người dân và nhiều bạn trẻ sau khi học phổ thông là muốn vào trung cấp chuyên nghiệp hoặc đại học, tỉ lệ vào các trường dạy nghề chưa nhiều.
Để công tác đào tạo nghề của tỉnh đạt kết quả cao hơn, các ban ngành, các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cần thực hiện tốt các văn bản liên quan đến công tác này; đồng thời phối hợp chặt chẽ để việc thực hiện chính sách về dạy nghề ngày càng đi vào chiều sâu…
LÊ VĂN PHỔ
Trưởng phòng Dạy nghề - Sở LĐ-TB-XH Phú Yên