Theo Trung tâm PCLB miền Trung – Tây Nguyên, đến trưa 29/9, bão số 10 đã càn quét qua quần đảo Hoàng Sa với sức gió mạnh nhất vùng tâm bão mạnh cấp 13, giật cấp 14, 15 và đang tiến thẳng về hướng các tỉnh, thành miền Trung.
Ngư dân phường Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng) đưa thuyền lên bờ trú bão. - Ảnh: SGGPO
Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm DBKTTV Trung ương, bão số 10 sức gió mạnh cấp 13, giật cấp 14, 15 đang ở ngay trên quần đảo Hoàng Sa và có khả năng tiếp tục mạnh lên, hướng vào phía bờ biển miền Trung. Bão di chuyển nhanh từ 15-20 km/giờ, dự báo sáng mai sẽ cách bờ biển Đà Nẵng-Huế 100 km, và khi đó có thể di chuyển theo hướng Tây-Tây Bắc nên khả năng tâm bão sẽ vào vùng Quảng Trị, Quảng Bình. Đến cuối giờ chiều, hoặc chậm nhất tối mai (30/9), bão sẽ vào bờ. Khi áp sát bờ có thể lên tới cấp 12-13, giật cấp 14, 15.Ở vùng rìa bão (Thanh Hóa, Quảng Nam) sẽ có gió cấp 7-8, giật cấp 10-11.
Nhận định đây là cơn bão mạnh nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây sẽ đổ bộ vào các tỉnh miền Trung trong vài chục tiếng đồng hồ tới, các địa phương ở miền Trung đã triển khai các biện pháp để ứng phó, nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và của do bão gây ra. Sáng 29/9, lãnh đạo các địa phương từ Quảng Nam đến Quảng Bình đã xuống những vùng xung yếu, vùng ven biển, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lở chỉ đạo công tác sẵn sàng di dời người dân đến nơi an toàn. Theo đó, từ chiều tối nay đến trưa mai (30/9), việc di dời dân tại những vùng xung yếu phải được tiến hành xong. Bên cạnh đó, các lực lượng bộ đội, thanh niên xung kích, dân phòng cũng đã được cử đến hỗ trợ người dân tổ chức chèn chống nhà cửa, kéo các tàu thuyền nhỏ lên bờ tránh bão.
Theo số liệu của Trung tâm PCLB miền Trung – Tây Nguyên, đến sáng 29/9, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng các tỉnh, thành từ Quảng Bình đến Khánh Hòa đã thông báo, hướng dẫn cho 44.464 tàu/182.560 lao động biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 10 để chủ động trú tránh. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 14 tàu/ 97 lao động của Quảng Ngãi đang ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Đáng lo là trong số đó có 4 tàu với gần 30 lao động của ngư dân xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa từ chiều qua đến giờ vẫn chưa liên lạc được.
Cũng theo Trung tâm PCLB miền Trung – Tây Nguyên, qua đợt mưa lũ do anh hưởng của cơn bão số 8 hồi trung tuần tháng 9 vừa qua nên hiện nay hầu hết các hồ chứa, hồ thủy điện trên địa bàn miền Trung – Tây Nguyên đều đang tích nước ở mức cao. Trong đó, các hồ chứa từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế mực nước hồ chứa đang tích phổ biến ở mức từ 70-100% so với thiết kế; các hồ ở khu vực Tây Nguyên phổ biến ở mức trên 80% dung tích thiết kế. Hiện hồ chứa thủy điện Sông Tranh (Quảng
Trưa 29/9, tại cuộc họp ứng phó với bão số 10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đặc biệt lưu ý cơn bão này rất nguy hiểm, có cường độ mạnh và diễn biến trái với quy luật thông thường. Miền Trung vừa là nơi chịu ảnh hưởng mưa bão, nhiều nơi lại vừa bị ngập úng, kết hợp triều cường sẽ gây nguy hiểm lớn cho khu vực.
Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương, đơn vị chức năng liên quan huy động đủ lực lượng cần thiết để chủ động đối phó với cơn bão, xác định cấm biển khu vực miền Trung, tổ chức neo đậu, chằng chống kỹ tàu thuyền, lồng bè, nhà cửa; kiên quyết không để người ở lại tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ. Kiểm tra an toàn hồ đập, công trình đang thi công, đảm bảo an toàn và tăng hiệu quả cắt lũ. Những hồ yếu cần có biện pháp cụ thể để kiểm soát, xử lý đặc biệt.
Các địa phương trong khu vực ảnh hưởng của bão đến 9giờ sáng mai (30/9) phải hoàn thành việc sơ tán dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, xung yếu, đặc biệt là vùng ven biển và phía Tây các tỉnh miền Trung vốn có địa hình dốc, và nguy hiểm, có nhiều khả năng lũ tràn, lũ quét, lở đất; dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men đầy đủ.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh lực lượng chức năng phải đặc biệt chú ý các trường hợp chủ quan, cố tình di chuyển, không thực hiện các lệnh cấm giao thông ở các vùng nguy hiểm, khe suối, đập tràn. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng như những vụ việc đau lòng ở Hà Tĩnh, Nghệ An mới đây.
BTV (tổng hợp từ SGGPO, chinhphu.vn)