Ở Phú Yên, từ năm 2008, khi dự án Phát hiện sớm – Can thiệp sớm do Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV) tài trợ thì giáo dục cho các đối tượng chuyên biệt được quan tâm hơn, từng bước đáp ứng nhu cầu xã hội. Nhưng để đạt được những kết quả cao hơn như mong muốn của nhiều phụ huynh có con em bị bệnh thì vẫn còn nhiều điều cần bàn…
Một lớp học trong nhóm Cần can thiệp sớm tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phú Yên - Ảnh: H.ANH
Khi đề cập đến vấn đề liệu Phú Yên có thiếu giáo viên phụ trách giáo dục chuyên biệt? Bà Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phú Yên (Trung tâm HTPTGDHNPY) cho biết: Hiện nay tại trung tâm, lượng giáo viên đứng lớp tương đối đầy đủ, không thể gọi là thiếu. Từ năm 2008 đến nay, khi được tổ chức MCNV tài trợ, lực lượng giáo viên đặc biệt được đưa đi đào tạo tại các trung tâm, các trường ở những thành phố lớn thường xuyên, liên tục, luôn đáp ứng yêu cầu đề ra. So với trước năm 2008, chất lượng giáo dục cho đối tượng học sinh chuyên biệt hiện nay đã được nâng cao. Trước đây Trường Niềm Vui (tên gọi cũ của trung tâm) chỉ nhận những học sinh khiếm thính. Từ năm 2008, trung tâm nhận tất cả các đối tượng. Hiện tại trung tâm có 120 học sinh. Trong đó, 67 học sinh khiếm thính bậc tiểu học, 12 học sinh chậm phát triển trí tuệ, 41 học sinh cần can thiệp sớm, trong số này có 9 em bị bệnh tự kỷ; và đã có 12 học sinh được trung tâm đưa đi hòa nhập. Mọi đối tượng học sinh bị khiếm khuyết về thể hình, thể chất nếu đến trung tâm đăng ký đều được nhận vào học. Bà Võ Thị Minh, bà ngoại của em Huỳnh Trung Hiếu (một học sinh cần được can thiệp sớm) ở phường Phú Đông cho biết: “Từ ngày cháu tôi được nhận vào học tập tại trung tâm đã có tiến bộ rõ rệt. Lúc còn ở nhà, cháu chưa biết gì nhưng đến nay cháu đã nhận biết mặt chữ và đọc được chúng. Cháu ngoan hơn nhiều, điều này làm tôi rất vui”.
Điều làm nhiều người lo lắng là hiện nay, xã hội càng phát triển thì những dạng khuyết tật càng đa dạng và số lượng người mắc mỗi năm một tăng. Bà Nguyễn Thị Hồng chia sẻ thêm: Hàng năm, lượng hồ sơ đăng ký vào trung tâm rất lớn, năm sau luôn cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2008 chỉ có 6 cháu thuộc diện phải can thiệp sớm nhưng đến nay đã có 41 cháu. Và đó chỉ là một con số nhỏ so với thực tế. Có nhiều gia đình còn giấu bệnh của con em mình, không đưa đến trung tâm hoặc có những gia đình kinh tế khá giả thì đưa các em vào TP Hồ Chí Minh hoặc ra Hà Nội chữa trị với những khoản tiền không nhỏ; cũng có những gia đình có con em thuộc diện phải can thiệp sớm nhưng không biết hoặc thiếu tin tưởng vào năng lực của những giáo viên đứng lớp tại trung tâm. Vì vậy, công tác đào tạo lực lượng giáo viên giáo dục đặc biệt tại tỉnh ta cần được chú trọng hơn để ngày càng đáp ứng nhu cầu xã hội. Đó cũng là băn khoăn của ông Huỳnh Văn Sý, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên - Chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT Phú Yên). Ông Sý cho biết: Hiện tại tỉnh không thiếu lực lượng giáo viên này. Nhưng để tạo nguồn cho tương lai gần thì rất cần được chú trọng đào tạo từ bây giờ. Việc đào tạo lực lượng giáo viên giáo dục chuyên biệt trong những năm gần đây đã gặp những khó khăn nhất định. Chỉ tiêu tuyển sinh cho ngành này luôn rộng cửa nhưng rất ít thí sinh đăng ký dự thi. Theo ông Sý, ngành học này ít thu hút thí sinh đăng ký vì nhiều lý do, trong đó lý do chính vẫn là đầu ra. Thực tế cho thấy có nhiều người trong tỉnh và các tỉnh lân cận được đào tạo có bằng cấp hẳn hoi, thậm chí có người đạt bằng khá, giỏi nhưng không biết xin dạy ở đâu! Trong khi cả khu vực miền Trung chỉ có Trung tâm HTPTGDHNPY nhận dạy trẻ khuyết tật. Vì vậy, lực lượng giáo viên giáo dục các đối tượng chuyên biệt ở tỉnh ta trong tương lai nếu không được chú trọng đào tạo và tiếp nhận một cách có hệ thống, bài bản thì chắc chắn sẽ thiếu và yếu.
Đã đến lúc ngành GD-ĐT cần có giải pháp để cân bằng giữa cung và cầu trong lĩnh vực này, thay vì đào tạo tràn lan những chuyên ngành mà xã hội vốn đã khủng hoảng thừa. Dù biết rằng, công việc này rất khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại rất lớn ở người giáo viên nhưng thực sự là hướng đi mới cho nhiều bạn trẻ trong việc lựa chọn nghề nghiệp.
HÀ ANH - KIM ÁI