5 năm qua (2007-2012), phong trào xây dựng gia đình văn hóa (GĐVH) ở Phú Yên đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự ở địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy Đào Tấn Lộc trao bằng khen của UBND tỉnh cho các gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc - Ảnh: L.MINH
NHỮNG KẾT QUẢ KHÍCH LỆ
Đến cuối năm 2012, toàn tỉnh có 199.215 hộ đạt danh hiệu GĐVH, chiếm 86,05% tổng số hộ toàn tỉnh. Về các tiêu chuẩn xây dựng GĐVH, bên cạnh thực hiện các tiêu chuẩn chung theo quy định, nét nổi bật là 100% GĐVH ở TX Sông Cầu tham gia xây dựng nhà tắm, nhà vệ sinh, xử lý rác thải, giữ gìn vệ sinh môi trường biển, góp phần bảo vệ thắng cảnh quốc gia vịnh Xuân Đài. Song song đó, các GĐVH cam kết không sử dụng ấn phẩm, phim ảnh đồi trụy, độc hại, phản động, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Trong khi đó, GĐVH ở 3 huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh tập trung vào việc vận động các thành viên và hàng xóm láng giềng chung tay giữ gìn vệ sinh khu dân cư, dùng nước sạch, ăn chín, uống chín, không nuôi gia súc dưới gầm nhà sàn, chăm lo sản xuất làm ăn để xóa đói giảm nghèo; đồng thời, phòng ngừa dịch bệnh, không nghe lời bọn xấu, không tổ chức khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp… Ở TP Tuy Hòa và các huyện Phú Hòa, Đông Hòa, Tây Hòa, Tuy An, các GĐVH tham gia chấp hành tốt pháp luật về nghĩa vụ quân sự, an toàn giao thông; không tham gia cờ bạc, mại dâm; giữ gìn an ninh trật tự địa bàn, không sinh con thứ ba, tham dự đầy đủ các buổi sinh hoạt thôn, khu phố…
100% số hộ đăng ký xây dựng GĐVH luôn đặt tiêu chuẩn đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển lên hàng đầu. Bởi vì, một khi kinh tế gia đình ổn định và ngày càng nâng cao sẽ là tiền đề cho xây dựng xã hội phát triển mạnh mẽ. Ý thức được điều này, nhiều GĐVH đã tham gia sản xuất, kinh doanh mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất làm ăn, vươn lên xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Nhiều làng nghề truyền thống được khôi phục đi vào hoạt động hiệu quả, tiêu biểu như các làng nghề mây tre xuất khẩu ở xã Hòa Bình 1, đan đát ở Vinh Ba, xã Hòa Đồng (Tây Hòa), làm bánh tráng ở Hòa Đa, xã An Mỹ, làm nước mắm ở Gành Đỏ, xã Xuân Thọ 2 (TX Sông Cầu)… giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động có thu nhập ổn định cuộc sống.
Theo đánh giá chung, hiện nay, GĐVH vùng đồng bằng (cận đô thị) trong tỉnh bình quân đạt từ 85% số hộ trở lên có đời sống kinh tế ổn định. Trong đó, có 50% số hộ khá và giàu, số hộ nghèo giảm từ 2-3%/năm; 100% số hộ được sử dụng điện. Trong khi đó, GĐVH vùng miền núi (vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa) bình quân đạt từ 70% số hộ trở lên có đời sống kinh tế ổn định. Hàng năm giảm hộ nghèo từ 2,3 đến 2,5% trở lên, không còn hộ đói, trên 98% số hộ được sử dụng điện. Nếu cuối năm 2005, số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn chiếm tỉ lệ 19,31% thì đến cuối năm 2012 còn 15,69% (theo tiêu chí mới).
GÓP PHẦN XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Quang Nhất, xây dựng GĐVH là một phong trào thi đua cơ sở rất thiết thực và hợp lòng dân, góp phần động viên mọi người, mọi nhà chung tay xây dựng mối liên kết cộng đồng, chung tay xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, làm động lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Phong trào xây dựng GĐVH gắn với xây dựng thôn, buôn, khu phố văn hóa ngày càng có ý nghĩa góp phần cải thiện đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Đây cũng chính là nhân tố nội sinh để thực hiện nhiệm vụ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần phòng, chống và đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Còn ông Lê Trúc Ánh (khu phố 2, phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa), một trong những cá nhân tiêu biểu trong xây dựng GĐVH 5 năm qua ở Phú Yên, cho biết: Đất nước ta đang hội nhập và phát triển, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Tuy nhiên, những mặt trái của cơ chế thị trường đang tác động không nhỏ đến những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc và của từng gia đình. Đây đó vẫn còn hiện tượng con cái ngược đãi ông bà cha mẹ, ông bà cha mẹ chưa thật sự gương mẫu, chưa quan tâm chăm sóc con cái đúng mức, các hành vi bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra, gây nhức nhối cho cuộc sống. Vì vậy, xây dựng GĐVH là để góp phần hạn chế, giảm thiểu những hiện tượng trên, tạo sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội để hình thành nhân cách tốt đẹp cho thế hệ trẻ.
Trong thời gian tới, toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào xây dựng GĐVH gắn với xây dựng thôn, buôn, khu phố, xã, phường, thị trấn văn hóa. Trong đó, chú ý nâng cao nhận thức của người dân, ý thức tự nguyện, tự giác của các hộ trong phấn đấu xây dựng, giữ vững và phát huy danh hiệu GĐVH; đồng thời, nhân rộng mô hình GĐVH điển hình ở nông thôn làm giàu từ sản xuất nông nghiệp hàng hóa và dịch vụ. GĐVH có các tiêu chí: hòa thuận, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, kỷ cương, có đời sống kinh tế ổn định và phát triển, kế thừa và phát huy các truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển, có tinh thần tương thân tương ái, tính tự quản, dân chủ, có năng lực làm chủ trong sinh hoạt cộng đồng. Xây dựng thành công GĐVH điển hình ở nông thôn là góp phần thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới ở cơ sở nhanh chóng đạt các mục tiêu đã đề ra, qua đó, ngày càng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Tại hội nghị tuyên dương GĐVH tiêu biểu xuất sắc tỉnh Phú Yên lần thứ 4 tổ chức vào ngày 8/8 vừa qua, UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho 61 cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào xây dựng GĐVH giai đoạn 2007-2012. 5 năm qua, các huyện, thành phố, thị xã đã xây dựng 226 câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững tại 56 xã, phường, thị trấn, thành lập 30 nhóm Phòng, chống bạo lực gia đình tại 6 xã, thị trấn. Bước đầu, các câu lạc bộ, nhóm này đã phát huy tốt vai trò và hiệu quả, nhất là trong phòng, chống bạo lực gia đình ở cơ sở.
BÍCH THẠCH