Đã nhiều năm nay, các hộ dân cư trú dưới chân núi Nhạn ở các đường Tản Đà, Phan Đình Phùng và Lê Trung Kiên (phường 1, TP Tuy Hòa) luôn nơm nớp lo sợ, đứng ngồi không yên mỗi khi có mưa bão xảy ra, do núi Nhạn bị sạt lở nhiều lần. Dù đã có phương án di dời, tái định cư nhưng đến nay, người dân vẫn phải chờ đợi để được di dời khỏi nơi nguy hiểm và ổn định cuộc sống.
Các hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở núi Nhạn, TP Tuy Hòa vẫn đang chờ được di dời - Ảnh: H.NHƯ
NỖI LO MÙA BÃO
Mỗi mùa mưa đến, các hộ dân sống ở khu vực dưới chân núi Nhạn lại phải trong tư thế sẵn sàng di tản để tránh mối nguy hiểm do núi Nhạn gây ra. Khu vực này đã từng bị sạt lở nhiều lần, gây thiệt hại nặng nề về tài sản cũng như uy hiếp tính mạng của người dân. Đá lăn từ trên núi, đất sạt lở xuống lấp nhà hay những suối nước từ trên núi tràn xuống ào ào vào nhà mỗi khi mưa lớn là những ẩn họa mà hàng chục hộ dân ở đây phải đối mặt.
Còn nhớ trong năm 2010, chỉ trong vòng 10 ngày, khu vực núi Nhạn đã liên tiếp xảy ra 2 vụ sạt lở ở 3 vị trí khác nhau gây thiệt hại 10 căn nhà và ảnh hưởng 20 căn nhà khác. Và cứ thế, mỗi năm tiếp theo, khu vực này lại càng nguy hiểm do dưới chân núi xuất hiện thêm vết nứt. Nhiều căn nhà bị nước trên núi chảy xuống, kéo theo cả đất đá làm tường nhà bị nứt, xiêu vẹo khắp nơi. Ông Bùi Ngọc Thạnh ở khu vực này cho biết: “Chúng tôi sống ở đây đã lâu năm. Lúc trước cuộc sống còn yên ả nhưng những năm gần đây thì cuộc sống người dân gần như bị đảo lộn, nhất là vào mùa mưa bão. Mỗi khi có mưa, hầu hết mọi người không dám ở trong nhà, sợ chẳng may bị đá từ trên núi lăn xuống, đè trúng. Mùa nắng cũng hạn chế ra phía sau, cả nhà chỉ quanh quẩn ở nhà trước vì vách nhà cũng đã bị nứt, gốc cây lộ ra cả rễ bên dưới, chỉ chực đổ xuống nhà”.
Sống trong nguy hiểm, nhưng vẫn nuôi hy vọng nhanh chóng được hỗ trợ để di dời đi nơi khác là tâm lý chung của người dân khu vực dưới chân núi Nhạn. Chị Trần Thị Thu Hồng, có nhà bị ảnh hưởng từ vụ sạt lở núi Nhạn năm 2010 chia sẻ: “Lúc trước, nhà tôi cũng khá vững chắc nhưng giờ thì nguy hiểm quá. Vụ sạt lở khối đất, đá lớn từ trên núi làm 3 căn nhà ở cạnh nhà tôi bị vùi lấp, giờ họ đã được chuyển đi nơi khác, còn nhà tôi thì ít bị thiệt hại hơn nên vẫn còn phải ở lại. Do vậy, vị trí nhà tôi càng nguy hiểm hơn, phần vách trống bên cạnh bị xiêu vẹo, nguyên khối nhà phía sau thì bị nứt, ló cả đất phía núi. Tôi phải cho xây kè đá ở xung quanh để tạm thời ngăn không cho đất đá từ trên núi tràn xuống. Nghe thông tin sắp được chuyển đi nhưng chúng tôi cứ chờ hoài mà chẳng thấy đâu”.
TIẾP TỤC CHỜ ĐỢI
Dù đã có phương án di dời các hộ dân bị ảnh hưởng ở khu vực núi Nhạn nhưng đến nay, tiến độ di dời dân vẫn thực hiện theo kiểu “da beo”. Theo ông Trần Hiền, Phó chủ tịch UBND TP Tuy Hòa, tình trạng sạt lở ở khu vực núi Nhạn đã có từ nhiều năm nay. Thành phố đã có phương án di dời dân ra khỏi nơi nguy hiểm, tạo điều kiện tái định cư để người dân ổn định cuộc sống. Nhưng vì kinh phí không đủ để thực hiện một lần nên thành phố chỉ có thể ưu tiên những hộ bị ảnh hưởng nặng nhất để di dời trước. Tuy nhiên, việc di dời các hộ dân là rất cấp bách vì đã sắp đến mùa mưa bão, hiện tượng sạt lở núi diễn biến khá phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản cũng như tính mạng của nhân dân. Mới đây, UBND TP Tuy Hòa tiếp tục kiến nghị lên UBND tỉnh xem xét bố trí kinh phí để triển khai thực hiện; đồng thời giao các ngành chức năng xem xét xây dựng kè chống xói lở khu vực núi Nhạn khi các hộ dân di dời nhằm bảo vệ di tích núi Nhạn nhưng đến nay, thành phố vẫn đang chờ kinh phí.
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Phó chủ tịch UBND phường 1, TP Tuy Hòa, khu vực núi Nhạn có 48 hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở núi. Đến nay thành phố đã di dời được 16 hộ, còn 32 hộ còn phải chờ kinh phí để di dời. Hiện vẫn có thêm đơn kiến nghị của một số hộ dân ở khu vực này xin được di dời do lo sợ khi mùa mưa bão đang đến gần. Vì kinh phí chưa có, vẫn đang đợi nên trong mùa mưa bão sắp tới, chúng tôi phải luôn trong tư thế sẵn sàng ứng phó, kịp thời di tản người dân khi có mưa bão nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
NHƯ THANH